Thất vọng, phẫn nộ, uất ức, đau đớn, buồn bã… là những cung bậc cảm xúc mà mỗi người đều phải nếm trải ít nhất một lần trong đời. Đây vốn là quy luật tất yếu của cuộc sống vô thường. Do đó, dù cố gắng đến mấy, chúng ta cũng không thể tránh khỏi mọi tổn thương về mặt thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất ở đây là đa số mọi người đang hiểu sai nỗi đau cảm xúc. Chúng ta thường vô thức đắm chìm trong hàng tá suy nghĩ tiêu cực chất chồng theo năm tháng để rồi vùi sâu vào thương tổn, cuối cùng bỏ rơi chính mình. Nếu có thể giải mã bản chất của sự tổn thương đồng thời tôn trọng, thấu hiểu bản thân, bạn sẽ biết cách dọn sạch nỗi buồn và sống một cuộc đời an nhiên, hạnh phúc.
1. Cuộc sống là một hệ thống phản hồi trước những tổn thương
Bắt đầu từ thuở ấu thơ, với bản tính tò mò bẩm sinh, chúng ta đã luôn tìm cách giải thích kinh nghiệm sống phong phú bằng việc hình thành hệ thống niềm tin cá nhân. Đây chính là nền tảng đầu tiên xây dựng nên thế giới quan của mỗi người. Thế nhưng, hầu hết niềm tin “vững chắc” ấy đều dựa trên sự lý giải từ các sự kiện, hiện tượng trong quá khứ, khi mọi người chưa thực sự lớn khôn. Kết quả là chúng ta trải nghiệm cuộc sống trưởng thành dựa vào tâm thế và niềm tin từ thời thơ ấu.
Xác định niềm tin
Mọi người thường cho rằng niềm tin của chính mình là những điều hoàn toàn đúng đắn, rằng thế giới xung quanh đang vận động theo cách mà họ nhìn nhận. Tuy nhiên, về bản chất, không có niềm tin nào là không thể chối cãi. Niềm tin chỉ đúng khi chúng ta có khả năng biến chúng thành sự thật. Đây chính là lý do niềm tin được gọi là “niềm tin” chứ không phải “thực tế”. Niềm tin chỉ thực sự có giá trị khi chúng ta trao truyền sức mạnh cho chúng.
Niềm tin tương ứng
Thực ra, dù bạn có nhận ra hay không thì niềm tin cá nhân sẽ tạo ra cuộc sống thực tế của mỗi chúng ta. Cuộc sống là một hệ thống phản hồi hoàn hảo, phản ánh chính xác niềm tin của mỗi người. Điều này có nghĩa là nếu đối chiếu niềm tin của bản thân lên tấm gương cuộc sống thì bạn sẽ nhận thấy niềm tin ấy trở thành hoàn cảnh của chính mình.
Điều hướng cảm xúc
Bên cạnh cặp mắt và đôi tai, cảm xúc giúp chúng ta kiểm định chất lượng niềm tin của mình. Là những chỉ dẫn hữu ích cho cuộc sống, cảm xúc cho biết liệu chúng ta có nên theo đuổi một niềm tin nào đó hay không.
- Niềm tin đúng đắn khuyến khích sự chủ động, tinh thần lạc quan và cảm xúc tích cực đồng thời biểu hiện trong hoàn cảnh tích cực.
- Niềm tin sai lầm kích động sự bất lực, bị động và cảm xúc tiêu cực đồng thời biểu hiện trong hoàn cảnh tiêu cực.
Bằng cách hoạt động như một hệ thống cảnh báo, nỗi đau cảm xúc nhắc nhở về những niềm tin mù quáng. Trên thực tế, sự tổn thương của chúng ta thường bắt nguồn từ các niềm tin sai lầm. Ví dụ, khi gặp phải những thăng trầm cuộc sống, nếu bạn tin rằng bản thân kém cỏi, bất lực, đáng thương, vô dụng, không xứng đáng thành công hay hạnh phúc… thì bạn sẽ càng thêm tổn thương và thất vọng.
—
Dưới góc độ tâm lý học, những nỗi đau cảm xúc cảnh báo chúng ta buông bỏ cũng như giải phóng niềm tin sai lầm trước khi chúng biểu hiện thành các trải nghiệm sống tương ứng. Giống như hệ thống báo cháy có nhiệm vụ cảnh báo hiểm nguy, nỗi đau cảm xúc thông báo rõ ràng về một số niềm tin “có vấn đề”. Nhờ đó, bạn có thể chủ động ngăn chặn và loại bỏ chúng nhằm tạo ra tương lai tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, không ai dạy cho chúng ta ý nghĩa thực sự của những tổn thương. Đa số mọi người thường cho rằng, tổn thương là một chỉ báo về sự thật. Chẳng hạn, sau vài mối tình không thành, bạn bắt đầu tin rằng bản thân không xứng đáng với một tình yêu viên mãn. Khi bạn tin tưởng vào điều ấy, hệ thống cảnh báo nội bộ sẽ nhắc nhở bạn về tổn thương này. Và vì nỗi đau quá sâu sắc, bạn mặc định rằng niềm tin đó chính là sự thật. Cuối cùng, thay vì xóa bỏ niềm tin sai lầm mỗi khi gặp phải tổn thương (theo đúng quy luật cuộc sống), chúng ta lại vô tình củng cố và nuôi dưỡng chúng. Trên thực tế, khi nỗi đau càng dữ dội thì mọi người càng quả quyết rằng niềm tin của bản thân chính là sự thật và khư khư ôm chúng vào lòng.
Vết thương tình cảm
Mỗi khi sử dụng nỗi đau để chứng minh và củng cố niềm tin thì nỗi đau của bạn lại bị khắc sâu thêm một lần nữa và tăng lên gấp bội. Năm tháng trôi qua, nếu điều này cứ tiếp diễn thì nỗi đau cảm xúc sẽ biến thành vết thương tình cảm. Đó cũng chính là lý do vì sao chúng ta thường tự nhấn chìm bản thân trong tổn thương và đau khổ. Theo quy luật niềm tin tương ứng: những điều chúng ta tin tưởng sẽ lần lượt trở thành hiện thực. Vì vậy, nếu trót lựa chọn niềm tin sai lầm thì bạn đang vô tình hủy hoại cuộc sống tươi đẹp của chính mình. Bởi từ đây, những cảm xúc tiêu cực sẽ bám riết lấy bạn trong mọi suy nghĩ, hành động. Kết quả là tương lai sẽ diễn ra đúng như niềm tin sai lầm của bạn.
Hệ thống cảnh báo cảm xúc
Hệ thống cảnh báo cảm xúc chỉ thực sự hiệu quả khi chúng ta chú ý đúng mức đến chúng. Tiếc thay, mọi người thường làm điều ngược lại. Bạn có biết, việc cho qua nỗi đau tinh thần cũng tương tự như việc lờ đi nỗi đau thể xác. Ví dụ, nếu bạn vô tình cắt vào tay khi đang cắt rau, cơn đau sẽ ngay lập tức ập đến để cảnh báo bạn về vết thương ở tay. Bây giờ, hãy tưởng tượng, dù đau đớn, bạn vẫn tiếp tục cắt rau. Và tất nhiên, hậu quả là bạn cắt đứt ngón tay của mình. Tuy nghe có vẻ điên khùng và phi lý nhưng kịch bản này phản ánh chính xác hậu quả của việc phớt lờ nỗi đau cảm xúc.
—
Càng thờ ơ trước những tổn thương của chính mình, bạn càng tự tạo ra nhiều vết thương mới, đồng thời ngoáy sâu vào vết thương cũ.
Từ thế hệ này sang thế hệ khác, chúng ta luôn hiểu sai về nỗi đau cảm xúc. Và thế là “dịch bệnh” của những vết thương tình cảm đã khiến nhân loại không ngừng thống khổ. May mắn thay, không có điều gì là quá muộn. Bạn hoàn toàn có thể xóa bỏ niềm tin sai lầm để rồi hàn gắn vết thương cảm xúc của chính mình.
2. Làm thế nào để giải phóng niềm tin sai lầm và chữa lành tổn thương?
Những bước đầu tiên trong quá trình chữa lành tổn thương là:
- Ngừng sử dụng nỗi đau cảm xúc để xác nhận niềm tin sai lầm của bạn.
- Không biến nỗi đau cảm xúc thành bằng chứng hoặc lý do cho những câu chuyện/sự kiện tiêu cực xảy ra trong cuộc sống.
Hơn nữa, nếu muốn loại bỏ tận gốc niềm tin sai lầm, bạn cần ngưng củng cố chúng. Chẳng hạn, nếu vẫn tự cho rằng mình không đủ tử tế, thông minh, xinh đẹp, giỏi giang, hạnh phúc… thì bạn sẽ càng trở nên bất lực, chán nản và rồi lại lún sâu vào vũng lầy tự ti, đau khổ. Nếu tiếp tục ngược đãi bản thân theo cách người khác làm tổn thương bạn thì bạn rất khó chữa lành vết thương cảm xúc. Do đó, hãy dứt khoát xóa bỏ suy nghĩ nạn nhân yếu đuối, đáng thương ra khỏi tâm trí. Chính bạn là vị bác sĩ tài ba duy nhất đủ sức chữa lành trái tim và tâm hồn của chính mình.
Yêu thương bản thân
Trên thực tế, càng trân trọng, yêu thương bản thân, bạn càng dễ dàng giải phóng niềm tin sai lầm. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn luôn ủng hộ chính mình, rèn luyện lòng tự trọng đồng thời đối xử thật tử tế với bản thân.
Khám phá giá trị cốt lõi
Hãy liên tục quan sát chính mình và kết nối sâu sắc với thế giới nội tâm để trả lời câu hỏi: Bạn là ai? Chúng ta có thể tự khám phá bản thân thông qua các bài tập thiền định và chánh niệm. Quá trình này cần rất nhiều thời gian, tâm sức. Vì vậy, bạn hãy kiên nhẫn nhé!
Nhắc nhở chính mình bạn thực sự là ai
Khi đã nắm vững giá trị cốt lõi của bản thân, chúng ta sẽ điềm tĩnh, mạnh mẽ và lạc quan hơn trong cuộc sống. Đó chính là lúc sức mạnh nội tại của bạn tỏa sáng rực rỡ và trở thành người dẫn đường đáng tin cậy. Những niềm tin sai lầm sẽ dần dần bốc hơi như màn sương mờ ảo khẽ khàng biến mất dưới ánh nắng tinh khôi.
Cuối cùng, ELLE muốn nhắn gửi đến bạn rằng hầu hết những tổn thương của chúng ta đều bắt nguồn từ các niềm tin sai lầm. Chúng là gông cùm giam cầm ta trong những năm tháng khổ đau, thất vọng. Hãy tự giải phóng bản thân để nỗi đau nhẹ nhàng lắng xuống, cuối cùng, những vết thương ấy sẽ được chữa lành.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Xuân Mai Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Minds Journal