Trưởng thành không chỉ giản đơn là sự phát triển của cơ thể, khối óc. Người ta không đánh giá sự trưởng thành trong cảm xúc bằng các thước đo của học vấn hay vẻ bề ngoài. Vậy, những dấu hiệu nào để biết bạn có là người trưởng thành trong cảm xúc hay không?
ELLE sẽ cùng bạn điểm qua những dấu hiệu dưới đây để giúp bạn nhận biết liệu mình đã thật sự trưởng thành hay chưa nhé!
Thấu hiểu bản thân
Phải chăng, có đôi lúc bạn hay tự hỏi chính mình sao ta lại buồn? Sao ta lại vui? Sao ta lại hờn dỗi? Có hàng vạn câu hỏi được đặt ra chẳng phải để giải quyết câu chuyện ta là ai đó sao? Trong cảm xúc, những người có khả năng thấu hiểu bản thân thường trưởng thành hơn so với những người đồng lứa. Hiểu bản thân là khi bạn nhìn vào chính mình một cách khách quan. Thấu hiểu sức mạnh, giới hạn và điểm yếu là điều kiện cốt lõi để tạo nên sự ổn định trong cảm xúc.
Hãy nhớ rằng, mọi thứ không phải lúc nào cũng theo ý của bạn. Vậy nên, việc tăng dần khả năng thấu hiểu bản thân là yếu tố tiên quyết cho thấy sự trưởng thành trong cảm xúc. Một khi bạn biết lắng nghe chính mình, bạn sẽ có thể lý giải và làm chủ những trạng thái khó hiểu nhất của bản thân.
Có trách nhiệm
Từ nhỏ, chúng ta được dạy phải chịu trách nhiệm với bài tập về nhà, lớn lên có trách nhiệm với công việc, trong tình yêu lại chịu trách nhiệm với bạn đời nhưng mấy ai ngẫm nghĩ rằng, mình đã chịu trách nhiệm cho bản thân hay chưa? Học cách nhận ra và xử lý lỗi lầm là một đặc điểm cho thấy sự trưởng thành trong cảm xúc. Trước nhất, bạn phải thừa nhận rằng, chính chúng ta chứ không ai khác là người chịu trách nhiệm cho mỗi hành động và lựa chọn của mình. Không có kết quả nào được xác lập bởi sự ngẫu nhiên. Và định luật nhân – quả tồn tại một cách độc lập để chứng mình điều ấy.
Nếu luôn nhìn mọi việc dưới góc nhìn của sự tình cờ, bạn sẽ không bao giờ phát hiện trách nhiệm của mình ở đâu sau mỗi sự kiện. Hãy nhớ rằng số phận không là bia đỡ đạn cho mỗi sự cố, vấp ngã của bạn. Cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn và bất hạnh mà bản thân gặp phải là hãy biết nhìn lại trách nhiệm của mình trong mọi hoàn cảnh. Khi ấy, bạn nhận ra, chúng ta là người làm chủ bản thân chứ không phải ai khác.
Thay đổi dần trong nhận thức là điều một người trưởng thành trong cảm xúc cần có. Vì khi ấy, bạn ý thức rằng, bạn chính là nguồn cội của mọi sự việc xảy ra xung quanh kể cả việc ai đó làm tổn thương đến bạn. Vì chắc rồi, điều khiển bản thân còn khó, sao ta lại hy vọng ai đó luôn làm thỏa mãn ta. Người khác có thể tác động đến bạn hay không cũng là do bạn quyết định. Đôi khi, bạn không phải là nhân tố bùng phát sự việc ấy nhưng là động lực và chất xúc tác để tiến trình ấy đi đến kết quả cuối cùng.
Luyện tính khiêm tốn
Khiêm tốn là một trong những đức tính quý giá hàng đầu của nhân loại. Đây là đức tính quyết định khả năng “sống còn” của một mối quan hệ. Thái độ ngạo mạn là một biểu hiện của lòng tự mãn và cho thấy bản ngã kiêu căng của mỗi người, đây là yếu tố hủy diệt khả năng thấu cảm và phát triển của cảm xúc.
Tất nhiên rồi, một khi bạn đủ lớn, bạn sẽ thấy rằng, ngoài kia, không có ai mà chúng ta không học hỏi được điều gì đó. Trưởng thành trong cảm xúc giúp bạn nhìn thấy vị trí của mình trong cuộc sống. Một ly nước lưng chừng sẽ có thể tiếp nhận thêm phần nước bên ngoài như người biết khiêm tốn sẽ cho người khác cơ hội chia sẻ kiến thức, cảm xúc với bạn.
Những ai nuôi dưỡng trong mình một đức tính khiêm tốn, hẳn là một người trưởng thành trong cảm xúc. Bởi chính khiêm tốn là nền tảng để phát triển sự không thiên vị, là viên đá đầu tiên gắn kết một tổ chức và hơn hết là tình anh em, bè bạn. Một người trưởng thành trong cảm xúc sẽ biết được giá trị của sự khiêm tốn và tính nhân văn.
Học cách chấp nhận
Thực tế không phải lúc nào cũng đáp ứng được mọi nhu cầu của chúng ta. Và khi cảm thấy thua thiệt, chúng ta là một trong vô số cư dân trên Trái đất này lại không ngừng lừa dối bản thân khi so sánh mình với người khác. Với một người trưởng thành trong cảm xúc, họ nhận ra rằng, thật vô ích để luôn so sánh mình với ai đó. Vân tay giúp nhận dạng danh tính con người, cũng vậy, cá tính khiến chúng ta trở nên khác biệt. Hãy trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình chứ đừng là bản sao của ai đó.
Thay vì phí thời gian và năng lượng vào việc so sánh, bạn có thể học cách hài lòng với bản thân và phát triển để hoàn thiện chính mình chứ không làm thỏa mãn hay để đánh bại ai đó. Vì vậy, thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết chấp nhận bản thân, phát hiện ra cái ta đang có và những điều cần để làm hài lòng chính mình.
Biết cảm ơn
Dường như mọi người ngần ngại khi thể hiện lòng biết ơn đối với cuộc sống. Nhưng một tâm hồn trưởng thành sẽ biết cảm ơn cả những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống đã làm họ hạnh phúc. Vì theo lẽ thường, hạnh phúc còn quý hơn vàng.
Khi chúng ta cảm thấy biết ơn từ những điều nhỏ nhặt, cuộc sống sẽ trở thành một kho lưu trữ hạnh phúc và những điều tích cực. Càng đòi hỏi từ cuộc đời bao nhiêu, bạn sẽ càng cảm thấy thiếu thốn bấy nhiêu.
Sự bất mãn đối với đời sống càng tăng sẽ càng dẫn đến những hỗn loạn trong tâm lý mà bạn khó có thể dập tắt. Một người trưởng thành trong cảm xúc thấy được sự điên rồ trong việc ham muốn bất diệt ấy và biết cúi đầu cảm ơn những gì cuộc sống đã ban tặng.
Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn
Cốt lõi của mọi tôn giáo trên thế giới là lòng trắc ẩn, đây là nhân tố thúc đẩy những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Không có lòng trắc ẩn sẽ không có tình anh em, bè bạn giữa một cộng đồng và sự gắn kết đồng điệu giữa những tâm hồn.
Một người trưởng thành trong cảm xúc biết cách sản sinh lòng trắc ẩn, bởi với người ấy, đức tính này còn vượt xa cả những toan tính của riêng mình. Nếu không có lòng trắc ẩn, kết cuộc của loài người rồi sẽ chìm trong đấu tranh và gây tổn thương nhau. Biết đồng cảm với người khác, bạn cũng đang nảy sinh sự đồng cảm cho bản thân mình.
Sự trưởng thành trong cảm xúc không thể “chín ép” như một dạng vật chất mà phải được thúc đẩy và rèn luyện qua quá trình nhận thức của mỗi người. Trưởng thành là khi bạn biết yêu người, yêu mình. Vậy, bạn đã thực sự trưởng thành trong cảm xúc chưa?
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: themindsjournal