Lifestyle / Bí quyết sống

Bạn mạnh mẽ hơn mình nghĩ nếu đã vượt qua 8 nỗi sợ sau đây

Sợ hãi là một dạng cảm xúc tự nhiên của con người, nó phản ánh khả năng nhận ra nguy hiểm và giúp ta tránh đi những điều có thể làm tổn thương bản thân. Vượt qua nỗi sợ có lẽ thật khó khăn, nhưng khi đã bước ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng và thanh thản.

Đối diện trực tiếp với những nỗi sợ chính là cách duy nhất để bạn vượt qua chúng, tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta đều có thể thực hiện điều đó một cách suôn sẻ. Tâm hồn của con người là một mạng lưới cảm xúc đầy phức tạp, nên khi nỗi sợ kiểm soát hoàn toàn tâm trí, bạn sẽ mất rất nhiều công sức và thời gian để giải phóng bản thân khỏi những tiêu cực lo âu. 

Mặt khác, một số người lại làm tốt hơn trong việc vượt qua nỗi sợ khi họ xác định rõ nguyên nhân của những lo toan và căng thẳng. Dưới đây là 8 nỗi sợ thường thấy ở con người, và nếu bạn đã vượt qua một số trong chúng, có thể bạn thật sự mạnh mẽ hơn mình nghĩ. 

1. Sợ thất bại 

Vấp ngã không đồng nghĩa rằng chúng ta không có năng lực hay khả năng để làm một điều gì đó. Ngược lại, đây là cơ hội để học hỏi từ những sai lầm và rút ra bài học, giúp chúng ta tránh lặp lại những lỗi đó trong tương lai. Tuy nhiên, dù có lạc quan đến đâu, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy thật mệt mỏi, chán nản hay thậm chí mất đi động lực để phấn đấu trong một khoảnh khắc nào đó. Đôi khi, chúng khiến bạn hoài nghi về năng lực và giá trị của mình, bắt đầu hình thành những suy nghĩ tiêu cực và tồi tệ về bản thân dù bạn ý thức được có lẽ mọi chuyện không tệ như cách bạn nghĩ. 

cô gái nằm trên bãi cỏ mặc váy đỏ trăn trở về những nỗi sợ của bản thân
Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

Tuy nhiên, thất bại chẳng phải là ngày tận thế, nó chính là khởi đầu cho chuỗi thành công của bạn. Sau mỗi khó khăn, bạn học được cách khắc phục từ lỗi lầm, trưởng thành trong tư duy và trở thành một người mạnh mẽ hơn. Thất bại trang bị cho bạn những kỹ năng quan trọng, để khi gặp những khó khăn và thử thách chông gai hơn, bạn sẽ vững bước và vượt qua chúng một cách đầy tự hào. Khoảnh khắc bạn chọn bước tiếp sau khoảng thời gian đầy khó khăn, bạn đã thể hiện sức mạnh và ý chí vươn lên tuyệt vời của mình. Thất bại là một phần của cuộc sống, vì vậy hãy học cách trân trọng và nâng niu những tổn thương của mình, bạn nhé. 

2. Sợ bị từ chối 

Mỗi cá nhân đều có những quan điểm, sở thích và nhu cầu riêng biệt, dẫn đến sự khác biệt trong cách nhìn nhận và đánh giá. Điều này khiến cho chúng ta không thể luôn luôn phù hợp với mong đợi của người khác và đôi khi không thể tránh khỏi việc bị từ chối. Dẫu cho việc này xảy ra thường xuyên hay với mức độ như thế nào, nỗi đau từ việc bạn đã đặt hy vọng họ sẽ đồng ý và nhận kết quả ngược lại sẽ vô tình để lại tổn thương nhất định. Chẳng hạn khi nộp hồ sơ ứng tuyển công việc cho một vị trí, bạn nhận thấy bản thân có thể đáp ứng tất cả mô tả, yêu cầu và tiêu chuẩn của vị trí ấy, ngay cả khi buổi phỏng vấn cũng diễn ra vô cùng suôn sẻ. Thế nhưng bạn lại bị từ chối sau khi mong đợi thật nhiều, bạn cảm thấy mọi cảm giác hồi hộp, lo lắng đều trở nên vô nghĩa và đắm chìm trong những cảm xúc hỗn độn.

nỗi sợ bị từ chối
Ảnh: Unsplash/Dave Goudreau

Thế nhưng, một thất bại, một lời từ chối chẳng thể định nghĩa giá trị của bạn. Không phải lúc nào các cơ hội đến ngẫu nhiên đều phù hợp hay nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Chẳng hạn, nếu bạn bị nhà tuyển dụng từ chối, điều đó có thể xuất phát từ những yếu tố ngoài tầm kiểm soát, như thị trường lao động biến đổi, năng lực làm việc của bạn vượt quá ngân sách chi trả của doanh nghiệp… Khi cảm thấy buồn, bạn nên để cho những cảm xúc được tuôn trào một cách thoải mái, đó đồng thời là lúc bạn nhận ra mục tiêu và hướng đi thực sự của mình. Mỗi một cơ hội đều tạo ra một khả năng, và mất đi một cơ hội không có nghĩa là bạn đánh mất mọi khả năng thành công của mình. Vì thế, đừng để những thất bại cản bước bạn đi đến cuộc sống mơ ước. 

3. Sợ thay đổi 

Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Đây là câu nói của triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus về sự biến đổi không ngừng, liên tục trong cuộc sống. Dòng sông biểu trưng cho dòng chảy của thời gian và sự thay đổi. Khi bạn “tắm” lần thứ hai, nước đã trôi đi và bạn không thể tắm trên cùng dòng nước nữa. Áp dụng câu nói trên vào cuộc sống hiện đại, chúng ta đều nhận thấy rằng mỗi ngày trôi qua đều mang đến những điều mới mẻ và bất ngờ. Vì vậy, việc bước ra khỏi vùng an toàn sẽ giúp bạn tự tin thoát khỏi cảm giác gần gũi, thoải mái và quen thuộc để dám dấn thân, dám vấp ngã và trưởng thành cùng thời cuộc. Cuộc sống không đơn thuần là một chiếc hộp cố định, nó rộng lớn, liên tục phát triển và chứa đầy những điều thú vị lẫn nguy hiểm đang chờ bạn khám phá, vì vậy đừng tự giới hạn khả năng của mình chỉ vì sợ thay đổi, bạn nhé.

Nếu đã chinh phục được nỗi sợ thay đổi để phù hợp với môi trường bên ngoài, bạn đã chứng minh được khả năng bền bỉ và thích ứng tuyệt vời. Can đảm rời xa những điều quen thuộc để chấp nhận bước tiếp trên hành trình của mình cho thấy bạn thực sự đã trưởng thành trong suy nghĩ và tư duy, đồng thời sẵn sàng cho những cơ hội bất ngờ và tốt đẹp ở phía trước. 

4. Sợ ở một mình

Khi nhắc đến việc ở một mình, nhiều người thường cho rằng điều này thật đáng sợ và cô đơn. Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ ràng giữa khái niệm “ở một mình” với “cảm thấy cô đơn” đó là sự chủ động và tích cực khi dành thời gian riêng cho bản thân. Bạn chủ động “hẹn hò” với chính mình, ăn những món ngon bạn thích, hay chỉ đơn giản là ở trong phòng và giải tỏa mọi cảm xúc sau một ngày khó khăn… Đó là những trải nghiệm hết sức bình yên và thư thái, giúp chúng ta kết nối với bản thân nhiều hơn, cân bằng cảm xúc và năng lượng sau thời gian dành cho bên ngoài. Mặt khác, cô đơn lại là một cảm giác có thể hiện hữu kể cả khi bạn ở một mình hay được vây quanh bởi những người thân thiết và khiến bạn cảm thấy thật tồi tệ. 

cô gái mặc váy xanh ngồi xuống đất
Ảnh: Unsplash/Farzin Tolouei

Dù cho kết nối là nhu cầu cơ bản tự nhiên của con người, khi bạn vượt qua được nỗi sợ không có ai ở bên, bạn sẽ học được cách tận hưởng thời gian một mình và nâng niu những khoảng lặng vào cuối ngày. Một mình nhưng không có nghĩa là bạn cô độc, đó là cơ hội để bạn có thể thực sự thoải mái với chính mình, đắm chìm vào những nghĩ suy và dòng chảy của thời gian. 

5. Sợ những thứ mới mẻ

Không phải ai đều dũng cảm thừa nhận rằng họ có khuyết điểm hay không thạo trong một lĩnh vực nào đó. Bởi khi đối diện với điều mới mẻ, nhiều người có xu hướng lo sợ sẽ bị người khác chê cười, không muốn trải qua cảm giác thất vọng hay bị phán xét. Điều này tương tự việc bạn chuyển đến sống tại một thành phố mới, trong hoàn cảnh không quen biết một ai và xa lạ với mọi thứ, bạn khó tránh khỏi cảm giác lạc lõng và ngột ngạt. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, bạn dần thích nghi được với cuộc sống của mình. Những con đường dần trở nên quen thuộc, mối quan hệ và vòng tròn xã hội dần mở rộng, và bạn đã tìm thấy cho mình những địa điểm địa phương yêu thích. Từ đó, bạn học cách yêu những nét đặc trưng của thành phố mới, từ nhịp sống đến văn hóa, và dần nhận ra rằng nơi đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn.

nỗi sợ những điều mới mẻ
Ảnh: Unsplash/ Polina Shirokova

Khi chấp nhận cởi mở để đón những thử thách và trải nghiệm mới, bạn đã vượt qua được nỗi sợ của chính mình dù cho lúc đầu có phần bối rối và không thoải mái. Những giây phút bất định ấy đã giúp bạn thực sự thấu hiểu bản thân, nhận ra tiềm năng và trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.

6. Sợ giảm phong độ

Thông thường, chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu trong mọi khía cạnh nhằm đạt đến thành công, tuy nhiên nếu bạn quá ám ảnh về nó, bạn sẽ tự trói mình vào một khuôn khổ và thường cảm thấy lo âu, căng thẳng. Đó có thể là nỗi sợ không thể duy trì được hiệu suất hay phong độ, từ đó không đáp ứng kỳ vọng của người khác và khiến chúng ta trở thành tâm điểm chú ý, mục tiêu bị soi mói và chỉ trích. 

suy giảm phong độ
Ảnh: Unsplash/ James Kovin

Bất kỳ sự thành công nào đều luôn kèm với những thử thách và rủi ro nhất định, vì thế đừng áp lực bản thân quá mức để làm hài lòng người khác. Thành công nên được định nghĩa là khi bạn đạt được là một điều đáng quý và niềm vui sau quá trình dài nỗ lực. Đừng mãi áp lực bản thân phải duy trì thành tích, hãy tận hưởng trọn vẹn từng chặng đường bạn đi qua. Có thể đôi lúc bạn vấp ngã và không giữ được phong độ thường nhật vì nhiều lý do, nhưng những trải nghiệm ấy đều đáng giá và giúp bạn trưởng thành theo thời gian. Vượt qua được nỗi sợ này, bạn sẽ tỏa sáng và sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao tiếp theo.


Xem thêm

• 5 cách giúp bạn chấm dứt tính nữ độc hại chốn công sở

• 4 dấu hiệu cho thấy bạn cần ưu tiên sức khỏe tinh thần của mình ngay bây giờ

• Đâu là dãy số thiên thần mang thông điệp tích cực dành cho 12 cung hoàng đạo?


7. Sợ những lời phán xét 

Chìa khóa để chúng ta có thể đạt được tự do trong tâm trí đó là không quá bận tâm về những lời bàn tán, phán xét về bản thân. Khác với hành động góp ý chân thành giúp bạn trở nên tốt hơn, phán xét là đánh giá và ý kiến cá nhân của một người về bạn, có xu hướng chỉ trích, chê bai điểm yếu kém về ngoại hình, năng lực, cách ăn mặc… Khi bị phán xét tiêu cực, một người dễ dàng mất đi niềm tin vào bản thân, cảm thấy bị cô lập và khó lòng phát triển trong môi trường độc hại, dễ mắc đến một số vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm. 

sợ những lời phán xét
Ảnh: Unsplash/ Tony Frost

Để vượt qua nỗi sợ này, bạn nên hiểu rõ giá trị thực sự của bản thân thay vì trở nên phụ thuộc vào đánh giá của người khác. Đó là khi bạn học cách chắt lọc từng đóng góp và cân nhắc những gì thực sự phù hợp và chưa phù hợp với mình, từ đó điều chỉnh để dần cải thiện. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên thay đổi môi trường sống, tìm kiếm, xây dựng những mối quan hệ tích cực để cải thiện tần số, thoát khỏi sự độc hại, cải thiện nhận thức rằng bạn luôn xứng đáng được yêu thương và luôn có cơ hội mới để bạn phát triển bản thân. 

8. Sợ bản thân chưa đủ tốt 

Đã bao giờ bạn đứng trước một cơ hội rất tốt như trúng tuyển vào một vị trí công việc với mức lương hấp dẫn, nhưng lại sợ bản thân không đủ khả năng nên đành từ chối? Nỗi sợ không đủ tốt tựa như một bóng dai dẳng ám ảnh trong tâm trí của con người, nó khiến chúng ta chùn bước và e dè trước những thử thách. Nỗi sợ này xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau, có thể là từ áp lực xã hội, so sánh đồng trang lứa, những kỳ vọng từ gia đình. Lý giải cho điều này, có thể từ nhỏ một số người trong chúng ta đã được dạy rằng phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định để được coi là thành công hay xứng đáng, chẳng hạn như: “Con phải chăm chỉ học tập mới có thể có công việc ổn định“, “Ba mẹ đã hy sinh để con có cuộc sống tốt hơn“… dù những lời nói ấy đều xuất phát từ ý tốt, vô hình trung nó đã đặt lên vai bạn những áp lực vô hình và đôi lúc khiến bạn hoài nghi về năng lực của chính mình.

nỗi sợ bản thân không đủ tốt
Ảnh: Unsplash/ Mohamed Hamdi

Đặc biệt, sống chung với nỗi sợ này lại chẳng hề dễ dàng khi nó kiềm hãm chúng ta phát triển, che lấp đi những tiềm năng hay thậm chí khiến chúng ta đánh mất những cơ hội quý giá. Tuy nhiên, nếu bạn đã vượt qua được nỗi sợ này, điều này cho thấy bạn đã thực sự cứng cáp khi đã nhận ra được giá trị thực sự của ban thân. Mỗi người điều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, và chúng không định nghĩa được mức độ thành công và tài giỏi của bạn. Bạn luôn đủ đầy và hoàn hảo như chính sự hiện diện của bạn trên cõi đời này, vì thế hãy trân trọng bản thân thật nhiều và sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, bạn nhé. 

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Huy 

Tham khảo: Hack Spirit 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)