Lifestyle / Bí quyết sống

Làm thế nào để bảo vệ mối quan hệ của bạn khỏi tác hại của smartphone?

Những người sử dụng smartphone nhiều thường có xu hướng bị trầm cảm hoặc hay rơi vào trạng thái buồn bực. Vậy nên làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi những tác hại của smartphone?

Đến cuối năm 2016, có đến 77% người trưởng thành ở Mỹ sở hữu smartphone (điện thoại thông minh). Dù cho smartphone chỉ là một đồ vật nhỏ bé để trong túi, thế nhưng, chúng đang dần thay đổi cách con người tương tác với thế giới. Những người trẻ tuổi sử dụng các thiết bị điện tử thường có xu hướng bị trầm cảm hoặc thường xuyên rơi vào trạng thái buồn bực. Đặc biệt, smartphone còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ, dẫn đến các tương tác xã hội có chất lượng thấp và thậm chí là vô cảm.

Vậy nên, làm thế nào để bảo vệ mối quan hệ của bạn khỏi những tác hại của smartphone? Những lời khuyên được đúc kết từ các nghiên cứu sau đây có thể giúp bạn bảo vệ mối quan hệ khỏi những tác hại do smartphone gây ra.

Hình smartphone 0
Dù chỉ là một vật dụng nhỏ bé nhưng nó đã thay đổi rất nhiều cách con người tương tác với thế giới. (Ảnh: pexels.com)

1. Đừng thay thế tương tác trực tiếp bằng tương tác điện tử

Thời gian con người sử dụng các phương tiện liên lạc điện tử đang dần tăng lên từ khi có sự xuất hiện của smartphone. Chúng ta ai cũng chỉ có 24 tiếng mỗi ngày, vậy nên khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử tăng lên thì thời gian tương tác với xã hội xung quanh phải giảm xuống. Điều này gây nên những tác động tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta.

Một nghiên cứu cho thấy việc xây dựng các mối quan hệ xã hội giúp con người cải thiện sức khỏe cả về tinh thần lẫn thể chất. Tham gia vào các tương tác xã hội (gặp mặt nhau trực tiếp) giúp cải thiện tâm trạng và giảm triệu chứng trầm cảm. Các hoạt động khác như giao lưu văn hóa hay thể dục thể thao cũng mang lại những tác động tích cực cho sức khỏe tinh thần. Nếu không có những tương tác này, sức khỏe tinh thần của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.

Hình smartphone 1
(Ảnh: pexels.com)

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của smartphone trong việc truyền đạt những tương tác xã hội có ý nghĩa. Chỉ có 23% người được khảo sát chia sẻ rằng họ dùng smartphone để tránh phải gặp mặt với người khác. Số còn lại lựa chọn smartphone để thực sự thay thế các tương tác xã hội. Điều này có thể nhận thấy dễ dàng khi thực tế chúng ta có xu hướng thích xem Facebook của người khác hơn là trò chuyện trực tiếp. Có người lại thích ở nhà xem phim hơn là đi ra rạp với bạn bè. Cách để chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt nhất là lựa chọn tương tác xã hội trực tiếp càng nhiều càng tốt.

2. Không dùng điện thoại khi đang ở cạnh người khác

Để xây dựng một mối quan hệ chất lượng, chúng ta phải ý thức được việc sử dụng smartphone khi đang ở cạnh người khác.

Khi bạn đang trò chuyện với một người và người đó bắt đầu sử dụng điện thoại, đây có thể được coi là một cuộc hội thoại kém chất lượng. Như bạn cũng nhận thấy, việc dùng điện thoại có thể phá vỡ kết nối, trì hoãn cuộc trò chuyện và làm bạn cảm thấy tiếng nói của mình không được lắng nghe. Mọi người cho rằng, không nên sử dụng điện thoại trong các sự kiện xã hội và 82% người được khảo sát tin rằng việc sử dụng smartphone có thể phá hỏng các cuộc trò chuyện.

Hình smartphone 5
(Ảnh: unsplash.com)

Một tác hại nữa trong việc sử dụng smartphone đó là nó làm giảm cảm xúc trong các trải nghiệm thực tế. Một người sử dụng smartphone khi đi ăn với bạn bè sẽ cảm thấy ít hứng thú và chán nản hơn so với người không dùng smartphone trong bữa ăn đó.

Vậy nên, khi bạn có ý định sử dụng smartphone trong những sự kiện xã hội, hãy nhớ rằng việc đó đã từng mang lại cảm giác khó chịu cho chúng ta khi người khác cũng làm như vậy.

3. Đưa smartphone tránh xa khỏi những cuộc trò chuyện

Một số nghiên cứu cho thấy, việc để smartphone trên bàn trong cuộc trò chuyện, mặc dù không sử dụng cũng có thể làm giảm sự đồng cảm, tin cậy và chất lượng mối quan hệ giữa con người.

Hình smartphone 2

Hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào khi đang chia sẻ hết tâm tư của mình cho ai đó nhưng họ không thấu hiểu hay lắng nghe bạn, chỉ vì họ đang bận dán mắt vào màn hình điện thoại. Khả năng lắng nghe chăm chú là chìa khoá để xây dựng niềm tin với người khác. Và nếu chúng ta không làm được điều đó, thì có nghĩa các mối quan hệ của chúng ta gặp vấn đề. Vậy nên, hãy loại bỏ smartphone ra khỏi những cuộc trò chuyện quan trọng của bạn.

4. Đừng để smartphone ngăn cản bạn làm quen với những người bạn mới

Việc tương tác với người lạ, dù đó chỉ là người bán cà phê hay nhân viên thu ngân, cũng đóng vai trò lớn trong việc kết nối xã hội. Việc sử dụng điện thoại thông minh ngăn cản việc thực hiện những tượng tác này và làm chúng ta bỏ qua cơ hội để kết nối với mọi người xung quanh.

Hình smartphone 4
Việc phụ thuộc vào smatphone khiến chúng ta trở nên lười tương tác với môi trường xung quanh. (Ảnh: unsplash.com)

Một nghiên cứu cho thấy, việc cầm smartphone trên tay khiến chúng ta phụ thuộc vào những chỉ dẫn trên điện thoại và không còn nhu cầu nhờ người khác giúp đỡ. Kết quả dẫn đến việc chúng ta lười tương tác với người khác. Những người có điện thoại thông minh thường cảm thấy ít được kết nối với xã hội, do đó cảm xúc của họ có xu hướng tiêu cực hơn. Điều này cho thấy smartphone có thể loại bỏ tương tác xã hội theo nhiều cách mà chúng ta không để ý, nhưng hậu quả lâu dài mà chúng đem lại là vô cùng khôn lường.

5. Nếu bạn đang kết nối trực tuyến, hãy tỏ ra năng động

Chúng ta thường được nghe quảng cáo rằng mạng xã hội như Facebook hay Twitter giúp chúng ta kết nối với nhau. Nhưng thực ra, việc kết nối xã hội bằng các thiết bị điện tử gần như không mang lại hiệu quả, kể cả trong các mối quan hệ ngắn hạn.

Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra tâm trạng và cảm xúc của chúng ta sẽ không phát triển khi chỉ giao tiếp trên mạng mà không giao tiếp trực tiếp ngoài xã hội. Người sử dụng mạng xã hội càng nhiều thì cảm xúc và tâm trạng của họ càng tồi tệ.

Hình smartphone 6
(Ảnh: pexels.com)

Kết nối là nhu cầu cần thiết của con người. Vì vậy, thay vì ngồi một mình lướt web, hãy chọn cho mình một hoạt động trực tuyến cần sự tham gia của người khác. Một nghiên cứu khác cho thấy, các học sinh trung học thường trò chuyện trực tuyến hay sử dụng máy tính cùng bạn bè có chất lượng tình bạn tốt hơn. Điều này cho thấy, công nghệ có thể được sử dụng như một công cụ hỗ trợ cho việc xây dựng các mối quan hệ.

6. Kết nối trên smartphone giúp bạn đối phó với nỗi đau

Mặc dù hầu hết các nghiên cứu đều khuyên bạn nên ưu tiên cho các hoạt động tương tác trực tiếp nhưng thực tế các hoạt động này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Đơn giản như nếu người thân của bạn đi du lịch xa hay bạn thân của bạn không ở cùng thành phố, bạn sẽ gặp họ trực tiếp bằng cách nào?

Các tương tác điện tử có thể có lợi cho việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ không thể gặp mặt trực tiếp. Việc chủ động liên lạc qua các thiết bị điện tử với những người bạn không thể gặp mặt mang lại cảm giác được kết nối xã hội hơn.

Hình smartphone 7
Nếu sử dụng đúng cách, smartphone sẽ là công cụ đắc lực giúp bạn kết nối. (Ảnh: pexels.com)

Trong một nghiên cứu, các bệnh nhân chuẩn bị bước vào cuộc tiểu phẫu được chia thành 4 nhóm với các yêu cầu hoạt động sau: nhóm sẽ nhắn tin cho người lạ, nhóm sẽ nhắn tin cho bạn bè, nhóm sẽ chơi một trò chơi (Angry Bird) trên điện thoại và nhóm còn lại không dùng thiết bị điện tử. Cuối cùng, nhóm bệnh nhân thực hiện nhắn tin cho người lạ hoặc cho bạn bè yêu cầu ít thuốc giảm đau hơn trong cuộc tiểu phẫu so với những người không sử dụng smartphone. Nghiên cứu này cho thấy, chúng ta nhận được nhiều lợi ích từ giao tiếp xã hội thông qua smartphone trong trường hợp không còn hình thức giao tiếp nào thay thế.

Tóm lại, smartphone có thể đem lại nhiều vấn đề nguy hại cho cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng cũng có đóng góp tích cực trong việc giúp con người hoàn thành công việc một cách dễ dàng hơn. Điều quan trọng là hãy biết khai thác những điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của smartphone để phục vụ cho cuộc sống của chúng ta một cách tích cực nhất.

Xem thêm

12 dấu hiệu chứng tỏ bạn không còn đặc biệt trong mắt người yêu

Từ giao tiếp thông thường đến quấy rối tình dục, đâu là giới hạn?

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Trần Ánh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/psychologytoday.com)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)