Stress cũng như cảm xúc tiêu cực được xem là một vấn đề phổ biến hiện nay, đặc biệt là đối với người trẻ. Căng thẳng nếu kéo dài sẽ khiến cho chúng ta rơi vào tình trạng bế tắc, cùng cực, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tâm lý. Như cách chúng ta vẫn thấy, trạng thái căng thẳng hay cảm xúc tiêu cực thường xuất hiện bởi các lý do như: áp lực công việc, tình cảm, buồn chuyện gia đình hay sang chấn tâm lý… Điều đó tạo cảm giác mệt mỏi, khó chịu, thậm chí là cáu ghét.
Thật ra, theo lời khuyên từ các chuyên gia, chúng ta có thể chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành năng lượng tích cực bằng nhiều cách. Thay vì cảm thấy bức bách hay dung dưỡng những cảm xúc tiêu cực, hãy nhanh chóng giải thoát và biến nó thành điều mới mẻ, có ích cho bản thân. Nói có vẻ dễ dàng nhưng hành động thì thật khó khăn. Phải có biện pháp và kế hoạch hợp lý thì “quá trình chuyển hóa” mới thành công được. Bằng không, chẳng những không thay đổi được gì mà ngược lại còn làm tình trạng căng thẳng thêm “khó nhai” hơn.
Dưới đây là 4 suy nghĩ giúp bạn chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành năng lượng tích cực trong cuộc sống. Cùng xem đó là những biện pháp gì nhé!
Tăng động lực
Stress có thể dẫn đến những vấn đề liên quan đến tâm lý. Thế nhưng đồng thời, stress cũng giúp bạn tăng động lực và tạo khả năng tập trung cao. Chẳng hạn như trong công việc, khi deadline dồn dập, sự đốc thúc từ sếp cũng như những yêu cầu của khách hàng khiến bạn cảm thấy áp lực. Chính áp lực đó bắt buộc bạn phải nhanh chóng hoàn thành mục tiêu đúng hạn theo cách tốt nhất.
Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên cảm thấy chán nản và rơi vào trạng thái của cảm xúc tiêu cực. Thế nhưng, thay vì buồn bã theo chiều hướng xấu, hãy linh hoạt thay đổi suy nghĩ và nhìn cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn.
Kinh nghiệm sống
Giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi của Đại học Y Washington Peter Vitaliano cho rằng, những người thường bị stress hay rơi vào cảm xúc tiêu cực có khả năng tự phục hồi nhanh và ngày càng tự tin. Những người này có xu hướng ít bị đe dọa hơn cũng như có thể kiểm soát tốt mọi tình huống xảy ra, dẫu bất ngờ.
Allison Berwald, một nhân viên làm việc ở phòng khám tại New York nói rằng, sử dụng áp lực để đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình có thể giúp bản thân có thêm những kinh nghiệm sống quý giá. Thay vì tìm cách tránh né, cuối cùng bạn cũng có thể mạnh dạn đối đầu với những thách thức hay nỗi sợ hãi. Sau khi trải qua những cảm xúc tiêu cực như vậy, bạn dần tìm ra được đâu là điều tốt, đâu là điều xấu cho bản thân mình.
BÀI LIÊN QUAN
Kết nối cộng đồng
Một trong những lợi ích không ngờ của căng thẳng là kết nối cộng đồng. Khi cảm thấy mệt mỏi hay bị bủa vây bởi vô vàn những cảm xúc tiêu cực, mọi người có xu hướng muốn chia sẻ và tâm sự. Những lúc như vậy, dù là một người lạ hay quen, nếu có thể lắng nghe nỗi phiền muộn của bạn thì tốt biết bao. Việc tìm kiếm một người giúp bản thân trút đi bầu tâm sự khiến bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn hẳn. Hành động này vô tình tạo một sợi dây liên kết giữa bạn với những người xung quanh.
Như vậy, nỗi buồn cùng cảm xúc tiêu cực trong bạn không “đánh” mà “chạy” đi mất, để lại đó cảm giác dễ chịu khi nói ra được nỗi lòng mình. Thế nên, một cách hữu hiệu để giúp chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành năng lượng tích cực là hãy chia sẻ và tâm sự với những người bạn tin tưởng.
Một phần cuộc sống
Trên hết, hãy cứ thừa nhận giá trị mà căng thẳng, áp lực mang lại cho chúng ta. Hãy xem áp lực như một phần của cuộc sống mà nếu thiếu nó, cuộc sống này chẳng còn ý nghĩa hay giá trị gì nữa. Thử tưởng tượng ra viễn cảnh của một cuộc sống màu hồng, nơi mà mọi thứ đều diễn ra theo cách thuận lợi và suôn sẻ nhất có thể, bạn sẽ cảm thấy như thế nào, có phải vô vị lắm không?
Vậy nên, thay vì tức giận, hãy nghĩ rằng áp lực khiến bạn trưởng thành hơn, giúp cho cuộc sống thêm màu sắc và ý nghĩa. Chỉ khi làm được điều đó, bạn mới thực sự có thể biến cảm xúc tiêu cực thành năng lượng tích cực và thoải mái hưởng thụ cuộc sống được.
_
Xem thêm
Nhận biết người có lòng đố kỵ với bạn qua những dấu hiệu sau
Cách tạo ra sự khác biệt ngay cả khi bạn là “người vô sản”
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Ánh Trâm Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE Nguồn: Travelandleisure.com