5 bí quyết của người luôn làm việc vui vẻ và sống tích cực
Bạn thắc mắc tại sao đồng nghiệp của mình làm việc luôn rất vui vẻ và còn mang lại hứng khởi cho người xung quanh nữa? Họ không biết buồn? Họ luôn gặp thuận lợi? Thật ra, ai cũng có lúc tâm trạng không tốt và phải đối mặt nhiều phiền não, áp lực. Song, có những bí quyết sống tích cực không hề phức tạp mà rất hữu ích cho bạn duy trì tâm trạng tốt trong công việc.
1. Chú trọng trật tự
Cuộc sống có trật tự sẽ khiến bạn đầu óc minh mẫn, tâm trạng thoải mái mỗi ngày. Có thể ban đầu, bạn phải học cách trật tự, nhưng dần dần nó sẽ trở thành thói quen và bạn làm một cách tự nhiên, thư thả. Chẳng hạn như, mỗi ngày trước khi tan sở chỉnh lý lại bàn làm việc; xóa bớt những file hay email không cần thiết có định kỳ; hoặc đơn giản là tắt đèn trước khi rời khỏi văn phòng v.v… Thói quen sống tích cực và làm việc có trật tự giúp bạn dễ dàng hành động khi cần và giữ được môi trường làm việc ngăn nắp.
Ngoài ra, đừng xem nhẹ cuộc sống gia đình. Thành công trong sự nghiệp luôn có quan hệ trực tiếp với cuộc sống trong gia đình. Một buổi sáng thức dậy đúng giờ và thư thả, một bữa sáng phong phú sẽ quyết định hiệu suất làm việc và tâm trạng cả một ngày của bạn. Không ai bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả với cái đầu bù xù và cái bụng đói.
2. Duy trì vận động thân thể
Một cuộc sống tích cực không thể thiếu việc mỗi ngày ít nhất bạn nên có một hoạt động tập luyện và thời gian không ít hơn 30 phút. Vận động đổ mồ hôi không những có lợi cho thể chất mà còn giúp tinh thần giải phóng áp lực. Ngoài ra, nếu có thể hãy dành một góc yên tĩnh ở nhà, mỗi ngày ngồi tĩnh lặng ở đó khoảng 10 phút và chỉ nghĩ đến những chuyện khiến bạn vui vẻ, tích cực. Khoảng thời gian ngắn ngủi này sẽ “nạp điện” cho tâm trạng ngày hôm sau của bạn.
3. Tìm hứng thú trong công việc
Bạn cần phải làm rõ thứ mình muốn nhất là gì? Tiền bạc, một cuộc sống đầy biến đổi, thử thách hay là việc trở thành một người ưu tú hơn? Sau đó, nghĩ thử xem công việc hiện tại có thể cho bạn những giá trị vật chất hay tinh thần này không. Nếu như cả hai cách nhau quá xa, bạn nên suy nghĩ đến việc đổi công việc mới, bởi vì nếu cứ mãi theo đuổi việc mà mình không thấy vui khi làm, bạn sẽ lãng phí thời gian, sức lực của mình mà hiệu quả làm việc lại rất thấp.
4. Mượn ám thị tâm lý để đối mặt mọi vấn đề
Nếu bạn là người lao động trí óc thì ít khi nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi là do công việc quá tải, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ những lo âu, căng thẳng và tâm trạng xấu. Hãy thử “giả vờ” tràn đầy nhiệt tình và hứng thú với việc mình đang làm, mỉm cười khi tiếp mọi cuộc gọi khách hàng hoặc tích cực trao đổi vấn đề với cấp trên v.v… Đừng nghĩ rằng kiểu giả vờ này chỉ phí công và nhạt nhẽo, thực tế đã chứng minh “ám thị tâm lý” là phương pháp cực kỳ quan trọng và hữu ích trong tâm lý học.
5. Quan tâm đến việc điều chỉnh tâm lý
Không ai tránh khỏi gặp phải những chuyện không như ý, không vui vẻ. Người này hơn người kia chính là ở chỗ biết cách điều chỉnh tâm lý của mình hay không. Đừng phó mặc tâm lý dẫn dắt bạn, hãy học cách nắm bắt tâm trạng của mình và kịp thời điều chỉnh nó.
—
Xem thêm
Giữa ngã rẽ cuộc đời, lựa chọn hướng đi nào cho riêng mình?
Tạ Lê Phương (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)