5 cách đơn giản để bạn trở nên độc lập hơn về mặt cảm xúc

Đăng ngày:

Có bao giờ bạn ngờ vực bản thân khi có suy nghĩ khác với số đông? Có bao giờ bạn nhanh chóng chuyển từ trạng thái e dè sang tự tin khi thấy ai đó nêu lên ý kiến giống mình? Sự phụ thuộc về mặt cảm xúc đôi khi rất khó nhận diện nhưng nó lại âm thầm len lỏi vào nếp sống, dẫn đến một số rào cản trong suy nghĩ và hành động của bạn.

Phấn khởi và đầy năng lượng khi được người khác công nhận hay ngưỡng mộ là một loại cảm xúc phổ biến. Loại cảm xúc này cũng xuất hiện khi mọi việc trong cuộc sống diễn ra suôn sẻ theo đúng ý bạn. Tuy nhiên, nếu mọi việc tiến triển theo chiều hướng bạn không mong muốn, bạn dễ dàng trở nên ủ dột và mất hết năng lượng

Việc này có nghĩa là cảm xúc của bạn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố bên ngoài hay nói cách khác, bạn đang gặp khó khăn trong việc độc lập về mặt cảm xúc. 

Chuyển đổi từ việc phụ thuộc cảm xúc sang độc lập về mặt cảm xúc cũng là một cách để bạn theo đuổi và duy trì sự bình yên cho cuộc sống của mình. 

Như thế nào là độc lập về mặt cảm xúc?

Độc lập về mặt cảm xúc là khả năng điều chỉnh cảm xúc của bạn nhưng đồng thời vẫn cảm thấy hài lòng về bản thân ngay cả khi những tình huống “không ưng ý” xuất hiện. Độc lập về mặt cảm xúc cũng là khả năng cân bằng và tôn trọng những cảm xúc của chính bạn mà không cần tìm kiếm sự chấp thuận, chú ý hay xác nhận từ người khác.

Đó cũng là khả năng cân bằng giữa việc ý thức được những gì đang xảy ra bên ngoài nhưng vẫn kiểm soát tốt phản ứng của bản thân đối với những sự kiện đó. Khi thực sự trở nên độc lập về mặt cảm xúc, sức mạnh nội tại của bạn luôn được củng cố bởi bạn luôn có niềm tin cốt lõi vào bản thân. 

cô gái độc lập cảm xúc

Ảnh: Unsplash/Averie Woodard

5 cách giúp bạn độc lập về mặt cảm xúc

Thực hành chánh niệm

Thực hành chánh niệm là ý thức về những gì diễn ra bên ngoài và bên trong nội tâm (suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác). Đó là chấp nhận khoảnh khắc hiện tại, hay nói cách khác thực hành chánh niệm là việc chấp nhận tất cả những chuyện đang xảy ra mà không né tránh hay phê phán, đánh giá.  

Qua việc thực hành chánh niệm, bạn có cơ hội nhìn nhận rõ hơn về những sự vật, sự việc xung quanh để từ đó xây dựng sự độc lập về mặt cảm xúc. Bạn sẽ có suy nghĩ thoáng hơn về mọi chuyện, không quá đặt nặng những vấn đề trong cuộc sống. Dù thất bại hay nỗi buồn có tìm đến, bạn cũng sẽ chấp nhận và cho phép bản thân trải qua những phút yếu lòng. Từ đó, những cử chỉ, hành động và biểu hiện của bạn cũng vì thế mà thay đổi theo. 

cô gái thực hành chánh niệm độc lập cảm xúc

Ảnh: Pexels/Nicolle Kreisch

Đặt cho bản thân câu hỏi “Tại sao?”

Bạn có thể từ từ làm quen với sự độc lập bằng cách đặt cho mình những câu hỏi “tại sao?” để xác định rõ hơn lý do vì sao bạn mong muốn xây dựng cho mình một nội tâm mạnh mẽ hơn. 

Một số gợi ý cho dạng câu hỏi này mà bạn có thể thử bao gồm:

  • Tại sao trở nên độc lập về mặt cảm xúc lại quan trọng đối với bạn?
  • Bạn cảm thấy thế nào khi phải phụ thuộc vào người khác hoặc những yếu tố bên ngoài?
  • Bạn đã có những trải nghiệm như thế nào về sự phụ thuộc cảm xúc này?
  • Trở nên độc lập về cảm xúc có ý nghĩa gì đối với bạn. Cuộc sống của bạn đã thay đổi như thế nào khi bản thân có thể kiểm soát trạng thái cảm xúc của mình?

Hiểu rõ về bản thân hơn qua các câu hỏi “tại sao?” cũng là một dạng động lực để bạn làm việc hiệu quả và vui sống. 

Viết lại những suy nghĩ của mình

Viết ra những suy nghĩ và niềm tin vô tình khiến cảm xúc của bạn luôn bị phụ thuộc vào những yếu tố xung quanh. Ví dụ: “Tôi sẽ cảm thấy khá hơn nếu được người khác công nhận” hoặc “Tôi cần mọi thứ diễn ra theo ý mình để có thể dễ dàng kiểm soát cuộc sống và cảm thấy thoải mái hơn“.

Khi bạn bắt đầu có những suy nghĩ này, hãy tập thay thế chúng bằng một ý nghĩ khác mang tính trung lập và tích cực hơn, chẳng hạn như: “Tôi có thể xoay xở những cảm xúc tiêu cực khi chúng xuất hiện” hoặc “Tôi cảm thấy trân quý bản thân mình dù ai đó có thể có cảm nhận khác về tôi “.

Vì thế, hãy luyện tập thói quen suy nghĩ trung lập và tích cực hơn, thay thế lại toàn bộ hệ thống thông điệp trước đó để củng cố lại dòng suy nghĩ của mình. 

cô gái che mặt

Ảnh: Unsplash/Joshua Rondeau


Xem thêm

• 9 cách cải thiện cảm xúc và tinh thần cho người hướng nội

• Ask ELLE: Làm sao để đầy lùi cảm xúc tiêu cực?

• 10 đặc điểm của người có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao


Học cách công nhận cảm xúc của mình

Thông thường, phụ thuộc cảm xúc ở một số khía cạnh nào đó cũng tương đồng với việc “cố làm hài lòng người khác”. Việc này giống như bạn đang thu mình lại và tự gỡ bỏ một số giới hạn của bản thân để phù hợp với mong muốn của người khác. 

Công nhận cảm xúc của chính mình có nghĩa là bạn cho phép bản thân được bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Chẳng hạn, khi bạn đối diện với một người có lối suy nghĩ không giống mình, bạn hoàn toàn có quyền bày tỏ quan điểm và cảm xúc của bản thân, bảo vệ sức khỏe tinh thần bằng cách khéo léo thiết lập một số giới hạn. Trong các tình huống giao tiếp xã hội, nếu bạn và đối phương không tìm được điểm chung về một vấn đề, bạn có quyền kết thúc cuộc trò chuyện để tránh những tranh cãi không đáng có, làm tổn hại đến nguồn năng lượng của cả hai. 

cô gái ngồi trên xe

Ảnh: Unsplash/Joshua Rondeau

Học cách buông bỏ

Thực hành việc buông bỏ nghĩa là không quan tâm người khác đang nghĩ gì về mình và tập trung nhiều hơn vào bản thân. Khi bạn không còn đặt nặng một số những kỳ vọng kém thực tế, bạn cũng đồng thời tôn trọng những cảm xúc của bản thân hơn bằng cách không để chúng nương theo các yếu tố ngoại cảnh. 

Đây cũng là một cách thức khác của việc thực hành chánh niệm và công nhận cảm xúc của bản thân. Bạn sẽ buông bỏ thành công khi bạn có thể thừa nhận rằng người khác có quyền có những cảm xúc của riêng họ dành cho chúng ta, nhưng điều này không thể thay đổi cốt lõi của con người chúng ta và cách chúng ta cảm nhận về bản thân.

Nhóm thực hiện

Bài: Vy Dương Thảo

Tham khảo: Mind Body Green

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more