Theo bác sĩ tâm lý Judith Orloff M.D, tác giả cuốn sách The Ecstasy of Surrender, những suy nghĩ logic sẽ không thể cho bạn biết toàn bộ câu chuyện của một người. Đôi khi, bạn cần phải bỏ qua một số thông tin quan trọng và học cách quan sát các dấu hiệu phi ngôn ngữ để thấu hiểu người khác. Đánh giá một người dựa vào cảm nhận cá nhân dễ khiến bạn có những cái nhìn sai lệch về con người thật của họ. Vì vậy, trước khi cố gắng đọc vị người khác, bạn cần phải rèn luyện cho mình một tâm trí cởi mở, tập nhìn nhận mọi việc một cách khách quan, giữ quan điểm trung lập, không để cảm xúc và trải nghiệm trong quá khứ ảnh hưởng đến suy nghĩ của hiện tại.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn đọc vị tâm lý người đối diện trong giao tiếp.
1. Chú ý trang phục của đối phương
Thông thường, ấn tượng đầu tiên của chúng ta khi mới gặp một người không chỉ ở thái độ, cách cư xử, cách nói chuyện mà còn là cách ăn mặc. Dựa vào phong cách thời trang của từng người, chúng ta có thể biết được ít nhiều về sở thích cá nhân, xu hướng tính cách cùng quan điểm sống của họ. Ví dụ, người dễ gần, trẻ trung, năng động thường mặc những bộ quần áo rộng rãi, nhiều màu sắc. Người tỉ mỉ, cầu toàn ưa chuộng phong cách cổ điển, các bộ trang phục đơn giản, gọn gàng, thanh lịch.
BÀI LIÊN QUAN
2. Quan sát ngôn ngữ cơ thể
Nghiên cứu cho thấy trong giao tiếp, lời nói chỉ chiếm 7%, trong khi giọng nói chiếm 30% và ngôn ngữ cơ thể chiếm tới 55%.
Ngôn ngữ cơ thể không chỉ giúp chúng ta truyền đạt thông tin một cách sinh động, đa dạng mà còn phản ánh khá chính xác cảm xúc, sắc thái của người nói. Chỉ cần quan sát tư thế, cử chỉ, nét mặt, bạn có thể đọc vị được suy nghĩ và cảm nhận được tâm trạng hiện tại của người đối diện. Ví dụ, biểu cảm trên gương mặt cho thấy đối phương đang vui vẻ, thoải mái hay lo lắng, cáu gắt, nhìn vào ánh mắt sẽ cảm nhận được họ đang nói thật hay nói dối, đang tập trung hay lơ đễnh, tư thế đứng/ ngồi cho thấy họ là người tự tin, thân thiện hay kiêu căng, ngạo mạn.
3. Đừng né tránh các cuộc trò chuyện xã giao
Những cuộc nói chuyện xã giao, tán gẫu có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái nhưng nó lại cho bạn cơ hội để hiểu hơn về những người xung quanh. Đó là dịp để bạn quan sát cách ứng xử của người khác trong một tình huống bình thường và dùng nó làm cơ sở để đánh giá hành vi của họ khi nhận thấy có những dấu hiệu khác thường.
BÀI LIÊN QUAN
4. Chú ý cách nói chuyện của đối phương
Một trong những bí quyết đọc vị hiệu quả người đối diện là chú ý cách nói chuyện của họ. Nếu họ nói chuyện với một tốc độ bình thường, không quá nhanh cũng không quá chậm, điều đó cho thấy họ đang chia sẻ câu chuyện của mình một cách chân thành, thoải mái. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy giọng nói của đối phương có vẻ khác thường, có chút run rẩy, lo lắng hay quá to/ quá nhỏ, quá nhanh/ quá chậm, khiến bạn không thể nắm bắt được diễn biến câu chuyện, có khả năng họ đang không thành thật với lời nói của mình.
5. Tin vào trực giác của mình
Đã bao giờ bạn có linh cảm đặc biệt về một người mới gặp lần đầu? Bạn cảm nhận rằng mình có thể nhìn thấy được phần nào tính cách, con người bên trong của họ dù chưa tiếp xúc nhiều. Bên cạnh lời nói và ngôn ngữ cơ thể, trực giác cũng đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp. Nó giúp bạn trở nên nhạy bén trong mọi tình huống, có cái nhìn phong phú hơn về người khác thay vì chỉ dựa vào suy luận logic.
BÀI LIÊN QUAN
6. Tập quan sát mọi người
Phương pháp này đặc biệt có ích cho bạn trong việc giải mã ngôn ngữ cơ thể của người khác trong nhiều tình huống khác nhau. Bạn có thể tập quan sát hành vi, cử chỉ, biểu cảm của mọi người khi đi siêu thị, ở trung tâm mua sắm… hoặc thử tắt tiếng khi xem các chương trình trên tivi và dự đoán cảm nhận của họ thông qua nét mặt, hành động, sau đó tăng âm lượng và kiểm tra phán đoán của mình.
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Linh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: YourTango