Lifestyle / Bí quyết sống

6 bí quyết đơn giản để duy trì cuộc trò chuyện

Giãn cách xã hội và những tiện nghi của cuộc sống hiện đại đã vô tình ảnh hưởng đến sự tương tác trực tiếp của con người, khiến chúng ta khó có thể dễ dàng trò chuyện cùng nhau. Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia tâm lý quan tâm và đưa ra lời khuyên để duy trì một cuộc trò chuyện.

Ngày nay, mọi người thích dành thời gian lướt mạng xã hội, sử dụng ứng dụng hẹn hò và chơi game thay vì dành thời gian cho những cuộc trò chuyện hay các kết nối thực tế. Một cuộc khảo sát vào năm 2021 bởi trang data.ai cho biết phần lớn người tham gia dành trung bình 4,8 tiếng một ngày sử dụng điện thoại di động – chiếm ⅓ thời gian hoạt động trong ngày. 

Sau “cơn lốc” đại dịch vài năm gần đây, thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của chúng ta ngày càng tăng lên và trong nhiều trường hợp, việc này đã vô tình ảnh hưởng tiêu cực đến các kỹ năng xã hội cần có ở mỗi người, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp.  

Joshua Klapow – chuyên gia tâm lý, Phó giáo sư thuộc khoa Sức Khỏe Cộng Đồng tại đại học Alabama – cho rằng những năm gần đây, con người gặp nhiều vấn đề liên quan đến khả năng tương tác xã hội: “Gần đây, chúng ta đã phải thích nghi với việc hạn chế trò chuyện trực tiếp và điều đó đã ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp, trò chuyện của nhiều người”.

Dù đang hẹn hò, làm việc tại công sở hay tán gẫu cùng bạn bè, đôi lúc sự thinh lặng khiến bầu không khí trở nên kỳ quặc và khó xử. Để duy trì cuộc trò chuyện và hạn chế những tình huống như trên xảy ra, dưới đây là những lời khuyên hữu ích từ chuyên gia mà bạn có thể tham khảo. 

Sử dụng câu hỏi mở

Các cô gái duy trì cuộc trò chuyện
Ảnh: Pexels/Maksim Goncharenok

Đặt câu hỏi mở là một trong những cách đơn giản nhất để duy trì một cuộc trò chuyện. Nếu đối phương bắt đầu mất kết nối và không còn tương tác nhiệt tình với bạn trong cuộc hội thoại, hãy đặt những câu hỏi gợi mở để họ được bày tỏ nhiều hơn cũng như đưa ra những câu trả lời chi tiết thay vì đặt những câu hỏi dạng “có-không”. Cách làm này vừa giúp các bạn kết nối được với nhau, vừa giúp bạn hiểu thêm về người bạn đang cùng trò chuyện. Đây cũng là cách giúp bạn rèn luyện kỹ năng lắng nghe và tiếp nhận thông tin từ người khác một cách rõ ràng. Một số câu hỏi gợi ý bạn có thể đặt cho người đối diện trong một cuộc hội thoại như: “Dạo này công việc của bạn như thế nào?”, “Cuộc sống dạo này có gì mới không?”, “Bạn thường làm gì vào cuối tuần?”…


Xem thêm

Những kiểu người tri kỷ chúng ta có thể gặp trong đời

5 mẹo nhỏ cho cuộc sống ngăn nắp hơn

7 lời khuyên để duy trì tình bạn bền lâu khi đã trưởng thành


Khuyến khích đối phương chia sẻ thêm

Một mẹo khác được chuyên gia Klapow khuyên áp dụng là gợi ý đối phương kể thêm về chủ đề họ đang chia sẻ. Cách này giúp họ cảm thấy dễ chịu và hạnh phúc khi được lắng nghe, từ đó họ có động lực để kể thêm cho bạn những góc nhìn khác.

Ví dụ, khi trò chuyện cùng một người bạn đang hoạt động ở lĩnh vực vẽ minh họa, bạn có thể đặt câu hỏi khuyến khích họ chia sẻ thêm những chi tiết như: “Bạn đang có những ý tưởng gì cho mùa Trung Thu sắp tới thế?”, “Theo bạn, bảng màu nào sẽ lên ngôi trong xu hướng thiết kế vào năm sau?”, “Bạn có thể nói thêm về dự án bạn đang thực hiện được không, chẳng hạn như điều gì khiến bạn nảy ra ý tưởng đó?”…

Đặt những câu hỏi khuyến khích người đối diện chia sẻ thêm thông tin là cách hữu hiệu khiến một người dù kiệm lời cũng sẽ sẵn sàng trao đổi thêm với bạn.

Nói về những chủ đề mà họ hứng thú 

cách duy trì cuộc trò chuyện
Ảnh: Unsplash/Katarzyna Grabowska

Nếu bạn nhận thấy cuộc trò chuyện đang có dấu hiệu đi vào “ngõ cụt”, hãy nghĩ đến những chủ đề có khả năng gây hứng thú cho đối phương để duy trì mạch trò chuyện. Chuyên gia Klapow khuyên rằng bạn nên đặt những câu hỏi tạo cơ hội cho đối phương nói về những điều họ yêu thích. Bạn có thể nói về bài đăng gần nhất của họ trên mạng xã hội, chẳng hạn như họ vừa chia sẻ về một cơ hội việc làm mới, một tác phẩm hội họa, một quán cà phê mới trong thành phố hay một bộ trang phục cá tính… Mọi người luôn thích chia sẻ về những thứ mình quan tâm, vì vậy, nếu bạn đặt những câu hỏi liên quan đến những điều đối phương hứng thú, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong cuộc trò chuyện.  

Hỏi về những điều họ thích và không thích

Hỏi về những điều đối phương thích và không thích là một trong những cách “chữa cháy” hữu hiệu khi bạn chưa đủ thân với người đối diện để có thể khai thác nhiều chủ đề xoay quanh họ. Ở mẹo này, bên cạnh việc đặt câu hỏi, bạn có thể chia sẻ thêm quan điểm của bản thân liên quan đến điều đối phương thích hoặc không thích, điều đó cho thấy sự tương tác qua lại giữa người nói và người nghe, từ đó đối phương sẽ cảm thấy được tôn trọng và thoải mái chia sẻ cùng bạn. 

Ví dụ, khi nghe đối phương nói về quán chay yêu thích, bạn cũng có thể đóng góp vào chủ đề đó bằng cách chia sẻ thêm về quán chay bạn từng ăn và trải nghiệm của bạn tại đó, đánh giá của bạn dành cho các món chay tại quán như thế nào và hỏi xem nếu họ có gợi ý địa điểm nào khác cho bạn… 

Sử dụng kỹ thuật phản chiếu (mirroring) 

Các vô gái nâng ly trò chuyện với nhau
Ảnh: Pexels/Koolshooters

Một bí quyết hữu hiệu khác để duy trì cuộc trò chuyện đồng thời cho đối phương thấy rằng bạn đang lắng nghe họ đó là hãy “phản chiếu” hoặc bắt chước cử chỉ, điệu bộ hoặc tông giọng của đối phương khi trò chuyện. 

Thông thường, trong những cuộc trò chuyện thú vị, kéo dài hàng giờ đồng hồ, con người có xu hướng lặp lại điệu bộ, dáng vẻ của nhau một cách vô thức. Tuy nhiên, bạn cũng có thể chủ động thực hiện phương pháp “phản chiếu” này trong cuộc trò chuyện để tạo thiện cảm với đối phương, đồng thời khiến họ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. 

Đầu tiên, bạn nên tập trung vào câu chuyện mà người đối diện đang chia sẻ. Hãy chú ý đến cách nói chuyện của họ. Nếu họ nói nhanh và to rõ, hãy điều chỉnh tốc độ và tông giọng tương ứng. Nếu họ nói chuyện nhẹ nhàng, bạn cũng nên nói chậm rãi và dịu dàng hơn. 

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bắt chước hành động và cử chỉ của họ. Nếu họ khoanh tay, bạn cũng hãy khoanh tay. Nếu họ ngả lưng ra ghế, bạn cũng làm động tác tương tự. Tuy nhiên, để hành động bắt chước không quá rõ ràng và gây khó chịu cho người đối diện, bạn có thể lặp lại cử chỉ của họ sau vài giây. Bạn chỉ cần “phản chiếu” một vài cử chỉ nhất định, không cần phải “sao chép” toàn bộ hành động của đối phương trong cuộc trò chuyện. 

Phương pháp này giúp bạn tạo được kết nối sâu sắc với người đối diện, đồng thời cho họ thấy bạn đang thật sự lắng nghe và quan tâm đến những gì họ đang chia sẻ. 


Xem thêm

9 điều bạn nên làm với chị, em gái của mình ít nhất một lần trong đời

16 dấu hiệu cho thấy bạn đang làm mọi thứ tốt hơn bạn nghĩ

9 cách để phát triển bản thân lành mạnh và hạnh phúc hơn


Thái độ chân thành

cách duy trì cuộc trò chuyện
Ảnh: Unsplash/Kelsey Chance

Đối với nhiều người, trò chuyện với bạn bè thân thiết cho họ sự an toàn và cảm giác thoải mái khi tương tác. Về mẹo này, chuyên gia Klapow cho rằng tùy thuộc vào mức độ thân thiết của bạn với đối phương mà bạn sẽ có những cơ chế phòng vệ khác nhau, nhưng hãy luôn tỏ ra chân thành khi nói chuyện. Hãy chú ý đến những khoảnh khắc và thành thật với cảm xúc của bản thân trong quá trình trò chuyện. Đặc biệt, hãy cho họ biết bạn cảm thấy hạnh phúc như thế nào khi được làm bạn với họ. Khi bạn cho đối phương biết rằng bạn cũng rất sẵn lòng với những câu bông đùa, cuộc trò chuyện sẽ trở nên thoải mái, gần gũi hơn. Đồng thời, mẹo cuối cùng này cũng giúp củng cố sự tin tưởng giữa hai người trong cuộc trò chuyện.  

Tóm lại, trong mọi cuộc trò chuyện, điều quan trọng nhất là thể hiện cá tính thật của mình. Đôi lúc, những khoảnh khắc ngại ngùng có thể xảy ra trong lúc đang trò chuyện. Dù thế nào đi chăng nữa, hãy trò chuyện một cách chân thành, điều đó là “chất keo” kết nối mọi người hữu hiệu nhất.

Nhóm thực hiện

Bài: Vy Dương Thảo

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE 

Tham khảo: Bustle 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)