14 bí quyết giúp bạn cải thiện trí nhớ

Đăng ngày:

Chỉ cần một chút thay đổi trong chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng sẽ góp phần cải thiện trí nhớ của bạn.

Ai trong chúng ta cũng từng rơi vào tình trạng quên trước quên sau, đặc biệt là vào những lúc bận rộn. Tuy nhiên, nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ như di truyền, vấn đề tuổi tác, các loại bệnh lý… Mặc dù chúng ta không thể hoàn toàn tránh các yếu tố này nhưng cũng có những biện pháp giúp cải thiện trí nhớ và tăng cường sức khỏe của não bộ. 

1. Thiền định

Thiền định giúp tâm trí chúng ta được thư giãn, giải tỏa lo âu, căng thẳng, giảm nguy cơ bị trầm cảm, tăng cường khả năng tập trung và cải thiện trí nhớ. Thường xuyên luyện tập thiền định không chỉ giúp bạn kiểm soát cảm xúc của mình mà còn tăng độ dẻo dai của não, giữ cho não luôn được khỏe mạnh. Đây là một phương pháp đơn giản, không tốn nhiều thời gian, công sức nhưng lại mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tinh thần.

thiền giúp cải thiện trí nhớ

Ảnh: Pexels/ olia danilevich

2. Sắp xếp công việc hiệu quả

Khi có nhiều công việc cần giải quyết, bạn sẽ dễ bị quá tải và bỏ sót một vài nhiệm vụ quan trọng. Để tránh xảy ra tình trạng này, bạn nên lập danh sách những công việc trong ngày, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để thuận tiện theo dõi tiến trình và dễ dàng ghi nhớ những công việc quan trọng. 

3. Duy trì cân nặng ổn định

Một số nghiên cứu cho thấy béo phì là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nhận thức. Béo phì có thể dẫn đến kháng insulin và gây viêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ, tăng nguy cơ bị mắc bệnh Alzheimer ở người cao tuổi. Do đó, chúng ta cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp luyện tập thể thao hằng ngày để có một cơ thể khỏe mạnh. 

duy trì cân nặng tốt cho trí nhớ

Ảnh: Pexels/ Elina Fairytale

4. Ngủ đủ giấc

Nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ của mỗi người, khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin hay tiếp nhận thông tin mới. Một người trưởng thành cần được ngủ khoảng 7-9 tiếng vào ban đêm. Duy trì một giấc ngủ trọn vẹn không chỉ giúp bạn luôn trong trạng thái tỉnh táo, minh mẫn, mà còn góp phần cải thiện trí nhớ và tư duy sáng tạo.

ngủ đủ giấc cải thiện trí nhớ

Ảnh: Pexels/ Polina Kovaleva

5. Rèn luyện não bộ

Tương tự việc tập luyện cơ bắp, trí não cũng cần được rèn luyện mỗi ngày để tránh bị lão hóa. Một cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 42 người trưởng thành bị suy giảm nhận thức cho thấy việc chơi các trò chơi rèn luyện trí não 8 giờ trong 4 tuần giúp họ cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung. Bên cạnh các trò chơi trí tuệ, bạn cũng có thể học một ngôn ngữ mới, viết lách, đọc sách… để cải thiện các chức năng của não bộ, tăng cường khả năng tư duy

6. Tập thể dục

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thường xuyên tập thể dục góp phần tăng sự bài tiết các protein bảo vệ thần kinh, giúp các tế bào thần kinh phát triển, cải thiện sức khỏe của não bộ. Duy trì việc tập thể dục hàng ngày không chỉ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái mà còn tăng cường trí nhớ và khả năng tư duy, cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm lo âu, căng thẳng.

tập thể dục cải thiện trí nhớ

Ảnh: Pexels/ Marta Wave

7. Bổ sung vitamin D

Chắc chắn rằng chúng ta đều biết vitamin D giúp xương khớp chắc khỏe nhưng bên cạnh đó, bổ sung đủ vitamin D cho cơ thể còn góp phần cải thiện trí nhớ và sức khỏe của não bộ. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người bị thiếu vitamin D có nguy cơ bị suy giảm trí tuệ hơn so với người bình thường. Chính vì vậy, chúng ta cần chú trọng bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D hoặc thường xuyên tắm nắng mặt trời vào buổi sáng để cải thiện toàn diện sức khỏe của cơ thể.

vitamin d giúp cải thiện trí nhớ

Ảnh: Pexels/ Olga Lioncat

8. Sử dụng dầu cá

Dầu cá cung cấp các axit béo omega-3 cần thiết cho sự phát triển của não bộ như EPA và DHA. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu hụt omega-3 có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như trầm cảm, thiếu tập trung, chậm tiếp thu, kém thông minh, suy giảm khả năng nhận thức… Vì vậy, bổ sung dầu cá cho cơ thể sẽ giúp cải thiện trí nhớ và các chức năng của não bộ, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Các chất béo này được tìm thấy trong hải sản như cá béo, tảo… và một số sản phẩm từ động vật ăn cỏ như thịt, sữa.

9. Sử dụng thực phẩm kháng viêm

Một số thực phẩm chứa chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn chặn ảnh hưởng của các gốc tự do đến tế bào não, giảm nguy cơ mất trí nhớ và suy giảm nhận thức. Các chất chống oxy hóa thường có trong các loại quả mọng, rau và trà xanh.

10. Bổ sung curcumin

Curcumin là một chất chống oxy hóa được tìm thấy trong củ nghệ. Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy curcumin có tác dụng giảm viêm và giảm số lượng mảng amyloid – thành phần tích tụ trên các tế bào thần kinh, gây chết tế bào và mô, dẫn đến suy giảm trí nhớ và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

curcumin giúp cải thiện trí nhớ

Ảnh: Pexels/ Karl Solano

11. Thêm cacao vào chế độ ăn uống

Cacao chứa nhiều flavonoid – chất chống oxy hóa mạnh đặc biệt có lợi cho não. Flavonoid có tác dụng kích thích sự phát triển của các mạch máu và tế bào thần kinh, đồng thời tăng lưu lượng máu đến các bộ phận của não. Bạn nên chọn socola đen có hàm lượng cacao từ 70% trở lên để đảm bảo cung cấp đủ lượng flavonoid cho cơ thể.

socola đen tốt cho trí nhớ

Ảnh: Pexels/ Vie Studio

12. Tránh lạm dụng đồ uống có cồn

Thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn sẽ tác động tiêu cực đến vùng hồi hải mã – nơi hình thành và duy trì ký ức trong não bộ. Nghiên cứu cho thấy rượu bia làm gián đoạn hoạt động của các dây thần kinh trong não, dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ngắn hạn, về lâu dài có thể dẫn đến sa sút trí tuệ và mất trí nhớ. Vì vậy, bạn nên tránh các loại đồ uống có cồn hoặc hạn chế sử dụng để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

13. Cắt giảm lượng đường

Một chế độ ăn uống có nhiều đường sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm nhận thức, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Một cuộc nghiên cứu trên 4.000 người cho thấy những người thường xuyên tiêu thụ đồ uống nhiều đường như soda có trí nhớ kém hơn những người tiêu thụ ít đường. Các loại đồ uống nhiều đường sẽ làm giảm tổng thể tích não, đặc biệt là vùng lưu trữ trí nhớ ngắn hạn, có khả năng dẫn đến bệnh Alzheimer. Vì vậy, một chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng các thực phẩm ngọt tự nhiên như trái cây sẽ đem lại nhiều lợi ích cho não bộ và sức khỏe của bạn.

bí quyết cải thiện trí nhớ

Ảnh: Pexels/ Askar Abayev

14. Cắt giảm lượng tinh bột tinh chế

Các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate tinh chế như bánh ngọt, bánh mì trắng, ngũ cốc… có chỉ số đường huyết cao, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, dẫn đến suy giảm khả năng nhận thức và các chức năng của não. Vì vậy, chúng ta cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm trên để tránh gây ảnh hưởng đến trí nhớ của mình.

hạn chế carbohydrate tinh chế để cải thiện trí nhớ

Ảnh: Pexels/ ROMAN ODINTSOV

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Linh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: healthline, mayoclinic

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more