Lifestyle / Bí quyết sống

15 mẹo giúp giảm căng thẳng nhanh chóng mà bạn nên thử

Giữa nhịp sống hiện đại với tốc độ phát triển nhanh chóng, áp lực cơm áo, trách nhiệm công việc cùng nỗi lo không bắt kịp xu thế đang khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng và có nguy cơ dẫn đến trầm cảm.

Trong cuộc sống hiện đại, căng thẳng dường như đã trở thành một điều khó có thể tránh khỏi. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cũng dần được xem là chìa khóa quan trọng giúp giải quyết tình trạng này, duy trì sự cân bằng nội tại và thu hút nguồn năng lượng tích cực. Để giúp bạn thêm vững vàng khi đối diện với những tình huống khó khăn, ELLE xin gợi ý 15 mẹo đơn giản có thể giúp bạn giảm căng thẳng, tìm lại bình yên và niềm vui trong cuộc sống.

1. Hít thở

Hít thở chậm và sâu có tác dụng trong việc giảm huyết áp và điều hòa nhịp tim. Bạn có thể thực hành kỹ thuật thở Pranayama, một phương pháp kiểm soát hơi thở trong yoga. Các nghiên cứu cho thấy, luyện tập hít thở sâu với các kỹ thuật Pranayama mỗi ngày sẽ giúp bạn tăng lượng ôxy cần thiết cho cơ thể, tăng dung tích phổi, cải thiện chất lượng giấc ngủ, tạo sự thư thái và giải tỏa cảm giác căng thẳng. 

cách giải toả căng thẳng
Ảnh: Unsplash/Manny Moreno

2. Nghe nhạc

Âm nhạc luôn được xem là phương thuốc hữu hiệu cho việc chữa lành và đẩy lùi cảm giác căng thẳng. Đôi khi, giữa những dòng cảm xúc hỗn loạn, một giai điệu yêu thích vang lên lại có thể giúp bạn bình tâm và quay về trạng thái trung lập.

3. Đi bộ

Những lúc cảm thấy bí bách, khó có thể tập trung vào công việc, hãy thử dành ra 15 đến 30 phút đi dạo để hít thở bầu không khí trong lành, có thể là ở công viên hoặc quanh khuôn viên nhà. Dù đơn giản nhưng hoạt động thể chất này sẽ giúp bạn có khoảng thời gian một mình để quan sát cảm xúc bản thân và lắng nghe những gì trái tim đang mách bảo.

đi bộ giảm căng thẳng
Ảnh: Pexels/elene karenashvili

4. Tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời

Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, những tia nắng ấm buổi sớm mai có khả năng thúc đẩy quá trình sản sinh serotonin – một chất dẫn truyền hóa học đóng vai trò ổn định tâm trạng, là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm và cả những người khỏe mạnh. Ngoài việc phục hồi năng lượng, giải tỏa căng thẳng và cân bằng cảm xúc, tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời còn giúp bạn tăng cường sức đề kháng, cải thiện trí nhớ, ngăn ngừa bệnh tiểu đường và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

5. Giãn cơ

Bạn có thể kết hợp phương pháp hít thở sâu với các kỹ thuật giãn cơ như xoa bóp, yoga giãn cơ toàn thân hoặc các động tác massage cơ mặt để cơ thể được thả lỏng, điều hoà cảm xúc và thúc đẩy sự thư giãn.

học cách thư giãn khi căng thẳng
Ảnh: Unsplash/Tetiana Kobzeva

6. Đếm ngược

Khi cảm thấy bản thân đang căng thẳng vì một vấn đề nào đó, bạn hãy thử áp dụng phương pháp đếm ngược, có thể bắt đầu từ 10 hoặc 100. Phương pháp này sẽ giúp bạn điều hoà nhịp tim, giải tỏa căng thẳng, từ đó trở nên bình tĩnh, sáng suốt hơn.

7. Nhắm mắt

Bạn cũng có thể cho phép bản thân nghỉ ngơi, nhắm mắt trong vài phút để điều hoà cảm xúc, lấy lại sự bình tĩnh và tập trung.

cô gái đang có cảm giác căng thẳng áp lực
Ảnh: Pexels/Dmitriy Zub

Xem thêm

• Trắc nghiệm: Tư thế đứng tiết lộ gì về tính cách của bạn?

• 8 cử chỉ ngầm phơi bày sự thiếu tự tin của bạn

• 12 cung hoàng đạo chăm sóc bản thân như thế nào khi cuộc sống trở nên căng thẳng?


8. Sắp xếp lại không gian sống

Sự bừa bộn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, tạo cảm giác bức bối, gây hao hụt năng lượng và giảm năng suất làm việc. Khi trang hoàng lại bàn làm việc hoặc không gian sống, bạn cũng đang thanh lọc tâm trí của chính mình. Vì vậy, mỗi khi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, bạn hãy thử sắp xếp lại mọi thứ xung quanh và chỉ giữ lại những vật dụng thật sự cần thiết nhé.

9. Ăn chocolate

Được khoa học công nhận về hàm lượng chất chống ôxy hóa dồi dào, một thanh chocolate dịu ngọt vào những lúc căng thẳng có thể giúp bạn giải phóng năng lượng, giảm stress và cân bằng cảm xúc.

ăn chocolate khi căng thẳng
Ảnh: Unsplash/Jullliia

10. Cười

“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Khi bạn mỉm cười, cơ thể sẽ giải phóng lượng lớn hormone endorphin – thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể và hormone serotonin – chất dẫn truyền thần kinh mang đến cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn. Những chất hóa học tự nhiên này có tác dụng nâng đỡ tinh thần, thư giãn cơ bắp và làm giảm nỗi đau về mặt thể chất.

Khi đối diện với những tình huống căng thẳng, khó khăn, hãy hít thở sâu và mỉm cười thật tươi, nụ cười sẽ giúp cơ thể được thả lỏng, giải tỏa cảm xúc, giúp bạn lấy lại được tinh thần vui vẻ và cách giải quyết vấn đề từ đó cũng cởi mở, tích cực hơn.

11. Ngồi thiền

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng ngồi thiền hai lần mỗi ngày có tác dụng lớn trong việc giải tỏa căng thẳng và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, thiền chánh niệm còn giúp bạn cải thiện hình ảnh bản thân, tăng khả năng tập trung, khơi dậy sự sáng tạo và có góc nhìn tích cực hơn về cuộc sống.

ngồi thiền
Ảnh: Pexels/Cliff Booth

Bạn có thể chọn một không gian yên tĩnh, tạm gác công việc sang một bên, hít thật sâu, tập trung quan sát hơi thở và cảm nhận mọi ưu phiền đang dần tan biến.

12. Chơi đùa với thú cưng

Khi ôm ấp, vuốt ve thú cưng, cơ thể sẽ sản sinh hormone oxytocin. Hormone này có tác dụng xoa dịu căng thẳng, giảm lo âu và tăng cường cảm giác an toàn. Ngoài ra, việc chăm sóc vật nuôi cũng sẽ giúp bạn cảm nhận rõ hơn những giá trị tốt đẹp đang hiện hữu và trở nên tự tin hơn vào năng lực của bản thân. Thông qua thú cưng, bạn cũng có thể kết nối với những người có cùng sở thích, mở rộng vòng tròn bạn bè và tương tác xã hội cũng dần được cải thiện.

chơi đùa cùng thú cưng giúp giải toả căng thẳng
Ảnh: Unsplash/Tetiana Kobzeva

13. Trò chuyện cùng bạn bè

Thay vì cố giữ mãi những cảm xúc tiêu cực trong lòng, bạn có thể thử chia sẻ điều đó với một người mà bạn tin tưởng để có thêm lời khuyên và cả những góc nhìn mới.

14. Viết nhật ký

Gửi gắm tâm tư qua những trang nhật ký cũng là cách để bạn xoa dịu và chữa lành những tổn thương về mặt tinh thần. Bạn có thể viết về lòng biết ơn, về những trải nghiệm buồn vui hoặc viết để trút bỏ những cảm xúc hỗn loạn trong tâm trí. Đây không chỉ là hình thức giải tỏa căng thẳng hữu hiệu mà còn là cách để bạn sắp xếp lại những suy nghĩ của mình. Sau một khoảng thời gian thực hành viết nhật ký, bạn sẽ có thể xâu chuỗi lại những sự kiện đã đi qua, để thấu hiểu và tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề của bản thân.

thực hành viết nhật ký
Ảnh: Pexels/George Milton

15. Tạo không gian sống mang tính thiền định

Bạn có thể biến hóa một góc nhỏ yêu thích trong ngôi nhà thành không gian sống thiền, một “trạm dừng chân” cho tâm hồn, nơi đưa bạn trở về trạng thái bình an và tĩnh lặng. Bạn có thể ngồi thiền, đọc sách, tập yoga, nghe một bản nhạc yêu thích hay chỉ đơn giản là ngồi yên nhâm nhi một tách trà thơm, cảm nhận mùi trầm hương thoang thoảng và tận hưởng vẻ đẹp của những gì đang diễn ra trong thời khắc hiện tại.

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Thư

Tham khảo: Colorado Law

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)