6 bí quyết giúp bạn kiểm soát thói quen mua sắm online quá mức

Đăng ngày:

Như một cách giải tỏa căng thẳng được nhiều người áp dụng, mua sắm online giúp người tiêu dùng đắm chìm trong cảm giác hạnh phúc khi lựa chọn, chờ đợi và nâng niu món hàng mình yêu thích trên tay. Tuy nhiên, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “vung tay quá trán” nếu như không cẩn thận và lý trí.

So với hình thức trực tiếp, mua sắm online thường khiến chúng ta tiêu nhiều tiền hơn vì thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, mã giảm giá hấp dẫn cùng các thuật toán cá nhân hóa. Vô hình trung, chúng ta sẽ giảm bớt tâm lý phòng bị khi thấy một món đồ với giá hấp dẫn. Nếu không cẩn thận cưỡng lại những cám dỗ ấy, bạn có thể bị cuốn vào cơn nghiện mua sắm online quá mức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quỹ tài chính cá nhân. Hãy cùng ELLE tìm hiểu 6 bí quyết giúp bạn kiểm soát hành vi khi mua sắm online nhé!

Những dấu hiệu cho thấy bạn đang nghiện mua sắm online

Đã bao giờ bạn cảm thấy buồn chán sau đó mở các ứng dụng mua sắm đặt thật nhiều đơn để giải tỏa căng thẳng? Hay bạn có cảm giác bất ngờ vì tiền “bỗng dưng” hết sạch sau những lần tự thưởng cho bản thân? Đặc biệt, vào những ngày sale lớn, bạn có xu hướng mua những sản phẩm giá hời dù hiện tại bạn chưa thật sự cần đến. Khi bạn thường xuyên mua sắm nhiều hơn dự định và khó kiểm soát hành vi này, bạn có thể cảm thấy vô cùng hạnh phúc và sung sướng khi thanh toán hàng loạt đơn hàng, nhưng sau đó nhanh chóng hối tiếc hoặc lo lắng vì đã chi tiêu vượt quá ngân sách cá nhân.

cô gái có thói quen mua sắm online trên máy tính

Ảnh: Pexels/This is Engineering

Ngoài ra, thói quen dành quá nhiều thời gian cho việc mua sắm online và bỏ bê các công việc khác sẽ khiến bạn tốn hàng giờ mỗi ngày để duyệt web, tìm kiếm sản phẩm giảm giá và tham gia các chương trình khuyến mãi. Điều này có thể gây ra vấn đề tài chính nghiêm trọng và tích trữ nhiều hàng hóa không cần thiết.

Trong trường hợp tình trạng này kéo dài, đây là hồi chuông báo động cho thấy bạn cần quản lý chi tiêu một cách chặt chẽ hơn.

Bí quyết giúp bạn mua sắm thông minh

1. Hiểu rõ hành vi và nhu cầu của bản thân

Hiểu rõ thói quen mua sắm của mình giúp bạn nắm quyền chủ động thay vì cuốn theo các chương trình khuyến mãi hay quảng cáo hấp dẫn. Chẳng hạn, mỗi khi thấy một chiếc váy hay áo mới đang được giảm giá, bạn thường không suy nghĩ nhiều và bấm mua ngay. Hiểu rõ hành vi này, bạn nên đặt một số câu hỏi trước khi quyết định xuống tay chốt đơn như: “Mình có thực sự cần món đồ này không?”, “Liệu mình đã có món đồ tương tự trong tủ quần áo chưa?”, “Mình sẽ ứng dụng nó ở đâu và khi nào?”. Bằng cách trả lời những câu hỏi này, bạn dễ dàng nhận ra nhiều món đồ bạn vô thức muốn mua khi lướt mạng thực chất không cần thiết.

cô gái làm việc trên máy tính hiểu rõ nhu cầu của bản thân khi mua sắm online

Ảnh: Pexels/Karolina Grabowska

Ngoài ra, khi cơn nghiện mua sắm online đến từ việc thường xuyên lướt điện thoại và từ các cơn lo âu, căng thẳng, bạn có thể đối phó và thỏa hiệp với chúng bằng cách tạm thời tránh xa các thiết bị điện tử để nghỉ ngơi, làm những việc khác khiến bạn tập trung vào thực tại nhiều hơn như: nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa… và đợi khoảng thời gian 24 tiếng để suy xét kỹ lưỡng xem bạn có thật sự muốn mua món đồ ấy và điều đó sẽ có những ảnh hưởng gì đến túi tiền của bạn. Bằng cách này, bạn không chỉ kiểm soát được hành vi mua sắm của mình mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, sử dụng phương pháp lành mạnh hơn để đối phó với các vấn đề tinh thần và bảo vệ tài chính cá nhân hiệu quả.

2. Vượt qua những cám dỗ

Đã bao giờ bạn thử quy đổi giá trị những món đồ muốn mua bằng số giờ làm việc để mua được chúng? Khi bạn thấy rằng số tiền định chi tiêu có thể tương đương với một khoản thời gian làm việc đáng kể, bạn sẽ dễ dàng cân nhắc xem có nên dành số tiền đó cho những cơ hội khác như đầu tư, tiết kiệm, hoặc những hoạt động có giá trị lâu dài hơn.

Bạn có thể hủy đăng ký nhận thông tin về những chương trình khuyến mãi, tắt thông báo của sàn thương mại điện tử… để không phải nhận thông báo và tiếc nuối vì đánh mất những sản phẩm với giá cả hấp dẫn như một triệu chứng của FOMO (Fear Of Missing Out – nỗi sợ bỏ lỡ hoặc không cập nhật kịp xu hướng xung quanh).


Xem thêm

• 4 thói quen nhỏ giúp bạn tiết kiệm hiệu quả

• BTV ELLE mách bạn 5 lưu ý để chọn hộp cơm văn phòng chất lượng

• 21 vật dụng không thể thiếu khi bạn đi du lịch một mình


3. Nuôi dưỡng những thói quen mới

Để thay thế những thói quen tiêu cực, bạn có thể bắt đầu từ những thay đổi nhỏ để dễ duy trì và không tạo áp lực lớn. Thói quen mới cần thời gian để hình thành, vì vậy bạn nên kiên nhẫn và đừng từ bỏ khi gặp khó khăn ban đầu. Theo thời gian, chúng sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn.

kiểm soát mua sắm online bằng cách nuôi dưỡng thói quen mới

Ảnh: Pexels/Amina Filkins

Đầu tiên, bạn hãy tận dụng thời gian rảnh để chăm sóc bản thân, rèn luyện kỹ năng mới với các hoạt động như: đọc sách, tập yoga, thiền, đi dạo, chạy bộ, học nhảy, vẽ tranh, làm đồ handmade… Dần dà, bạn sẽ không còn hứng thú với việc ôm điện thoại hay máy tính lướt trong vô nghĩa, thay vào đó là tạo dựng những kế hoạch ý nghĩa hơn với bản thân.

4. Vạch ra chiến lược rõ ràng

Những người có kinh tế vững chắc thường có xu hướng chia nhỏ nguồn tiền và vạch ra các kế hoạch chi tiêu cụ thể để tiện theo dõi và tiến tới mục tiêu to lớn hơn như mua nhà, mua xe hoặc quản lý các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Vì vậy, bạn nên lập một tài khoản riêng và xác định rõ số tiền cho phép để mua sắm mỗi tháng là bao nhiêu. Khi vượt qua con số đã đề ra, bạn không được phép mua thêm và ngược lại, nếu tiền dư sẽ được xung vào tháng tiếp theo hay bỏ vào mục tiết kiệm. Điều này sẽ nhắc nhở bạn rằng bạn đã có một khoản nhất định để mua sắm, và bạn chỉ nên mua trong giới hạn số tiền đã đặt ra và phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định cho sản phẩm vào giỏ hàng.

Bên cạnh đó, hãy cẩn thận ghi lại số tiền bạn đã chi tiêu cho việc mua hàng online theo tuần hoặc theo tháng. Việc ghi lại những con số sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng, thực tế hơn về những lần mua sắm và kiểm soát việc chi tiêu tốt hơn.

5. Lên trước danh sách những sản phẩm cần mua

Việc tuân thủ danh sách mua sắm được thiết lập kỹ càng sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền. Thay vì vô thức lướt mắt qua những sản phẩm hấp dẫn, bị quyến rũ bởi những sản phẩm bạn thật sự không cần đến, hãy lập một danh sách tất cả những thứ cần mua trước khi mở app lên và bắt đầu “đi chợ”. Đừng quên xác định những mặt hàng quan trọng và cần ưu tiên mua trước để không sa đà vào việc chốt đơn.
Ví dụ, bạn cần mua các sản phẩm chăm sóc cơ thể cần thiết như sữa tắm hay sữa rửa mặt, hãy lên danh sách cụ thể từng món hàng và tập so sánh giá cả và bạn chỉ được mua đúng những mặt hàng trên, thay vì liên tục lướt trong vô thức, khiến bạn đắm chìm vào những món đồ hấp dẫn theo gợi ý của thuật toán như các sản phẩm làm đẹp khác khiến bạn phát sinh thêm món cần mua dù chưa cần dùng đến.

6. Tìm bạn đồng hành

tìm bạn đồng hành kiểm soát mua sắm online

Ảnh: Pexels/Amina Filkins

Khi bạn cảm thấy không thể tự chấm dứt cơn nghiện mua sắm online, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè. Họ sẽ đóng vai trò là người tư vấn bạn nên mua những sản phẩm nào, không nên mua những món đồ nào, giúp bạn kiểm soát ham muốn sở hữu một mặt hàng không cần thiết.

Ngoài ra, họ sẽ đồng hành và cổ vũ bạn nuôi dưỡng những điều tích cực nhằm chuyển đổi hành vi này sang thói quen tốt hơn – một bước ngoặt vô cùng quan trọng giúp bạn cải thiện mức độ mua sắm online khó kiểm soát của mình.

Nhóm thực hiện

Bài: Khánh Hà

Tham khảo: mindbodygreen

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more