Bạn đã sẵn sàng để nghe thống kê kinh hoàng chưa? Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy 52% nhân viên tham gia vào những tin đồn liên quan đến công việc và 33% nhân viên có đưa ra những suy nghĩ chống lại công ty và đồng nghiệp. Chắc chúng ta ai cũng một lần tham gia vào những buổi chuyện trò nơi công sở rồi đúng không? Bạn sẽ chỉ nghĩ đơn giản rằng nó vô hại và nếu tất cả mọi người cùng bàn luận, sẽ không ai bị đổ lỗi cả.
Nhưng nếu tin đồn chỉ là khởi đầu thì sao? Như nghiên cứu cho thấy, tin đồn có thể tạo nên tác động tiêu cực trong không gian làm việc. Và còn rất nhiều thứ khác (đáng sợ hơn) bên cạnh tin đồn. Làm thế nào để bạn có thể trụ vững giữa những lễ nghi văn phòng? Nếu xác định làm việc lâu dài ở môi trường công sở, bạn có lẽ sẽ muốn có vài bí kíp phòng thân đấy.
Đừng gieo rắc ác ý
Hãy bắt đầu với chiến thuật đơn giản nhất: thể hiện thiện chí của mình. Quay trở lại với câu chuyện tin đồn, đừng bao giờ lan truyền tin đồn hay trút giận lên một đồng nghiệp nào bằng cách tạo ra tin đồn cả. Và hãy nhớ, luôn tôn trọng mọi người, dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa.
Nếu bạn nhận được lòng tốt và sự ủng hộ của đồng nghiệp, không ai có thể vặn vẹo lời nói của bạn hoặc cho rằng bạn không chuyên nghiệp ở nơi làm việc. Cũng giống như làm chính trị, văn phòng đóng vai trò như một nơi mà bạn phải “được lòng” đa số mọi người.
Đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai
Khi bạn không thực hiện tốt nhiệm vụ đúng thời gian quy định hay mắc sai lầm lúc giao dịch với khách hàng, đó là lỗi của bạn. Đừng đổ lỗi cho cho thực tập sinh, trợ lý, hoặc người đồng nghiệp khó gần.
Thay vào đó, bạn nên chịu trách nhiệm cho hành động của mình và chấp nhận những lời góp ý mang tính xây dựng. Bên cạnh việc có thể đối diện với sai lầm và sửa đổi, bạn cũng sẽ “ghi điểm” trong mắt mọi người vì tính thành thật và dám chịu trách nhiệm của mình.
Dũng cảm nói lên suy nghĩ của bản thân
Bây giờ thay đổi tình hình một chút nhé, bạn không phải là người đổ lỗi mà là người bị đổ lỗi. Điều này có thể gây sốc, đặc biệt là khi sự đổ lỗi đến từ cấp trên của mình. Bạn sẽ cảm thấy tê liệt như chứng kiến “sét giữa trời quang” hoặc sẽ muốn cho qua không bàn tới nữa. Nhưng không, bạn phải đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc khi đứng lên vì chính mình. Nếu bạn đã bị đổ lỗi cho chuyện gì đó, bạn có thể tự bảo vệ mình một cách đúng đắn. Hãy thảo luận thẳng thắn với người quản lý của bạn hoặc bất kỳ ai là bên có tội. Trao đổi về lý do tại sao bạn bị đổ lỗi và tại sao nó không công bằng để mọi người cùng đối mặt với vấn đề. Sự kiện này không ghi nhận thắng – thua rạch ròi hay điều gì tương tự thế, bạn đơn thuần đứng lên vì lợi ích của mình để chứng tỏ bạn cần được tôn trọng.
“Đánh dấu lãnh thổ” của bạn
Hãy chắc chắn rằng, công sức bạn bỏ ra được ghi nhận lại. Điều này không có nghĩa bạn phủ nhận công sức của đồng đội hay những người giúp đỡ, mà nó đảm bảo bạn xứng đáng nhận được sự ghi nhận.
Hãy theo dõi thành tích cá nhân của mình và nhắc nhở người quản lý về chúng trong quá trình đánh giá hàng năm. Thêm những thành tích hay danh sách đối tác, khách hàng trên LikedIn cá nhân nếu bạn tự hào về thành quả mình đạt được. Tuy nhiên, hãy cẩn thận để tránh rơi vào chiếc bẫy “tự kiêu” nhé. Bạn chỉ cần nhắc về những điều mình đạt được một lần thôi.
Luôn luôn đề cao cảnh giác
Những mối quan hệ nơi công sở giống với gia đình bạn ở chỗ: Không cần biết xích mích to đến mức nào, đến cuối cùng, mọi người vẫn sẽ làm hòa với nhau. Không chỉ vì tương lai sự nghiệp mà còn bởi, bạn dành hơn 40 giờ một tuần ở chỗ làm, nếu cứ giận hờn mãi thì cũng rất khó khăn. Thêm nữa, cho dù bạn không thích hay không tin (những) người đó đi chăng nữa, thì giữ thái độ thù địch không phải là chuyện tốt.
Sẽ rất tốt nếu bạn giữ mối hòa hảo sau khi xích mích nổ ra. Nhưng sẽ rất khó để mọi thứ trở về như cũ. Do đó, hãy đề phòng với người đồng nghiệp bạn có xích mích trong quá khứ. Bởi vì bạn có thể tha thứ, nhưng không được quên đề cao cảnh giác.
BÀI LIÊN QUAN
Giao tiếp một cách rõ ràng
Bạn đã từng nghe câu nói vui: “Nếu tôi có một đô la cho mỗi rủi ro giao tiếp tôi chứng kiến nơi công sở, tôi sẽ không cần phải đi làm nữa” chưa? Giao tiếp trong công việc thực sự rất khó khăn. Mọi người có thể bận rộn, mất tập trung, cảm thấy không an toàn, lo lắng và xúc động trong công việc. Vì thế, họ rất dễ truyền thông tin sai lệch.
Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi nói. Đôi khi, một email sẽ tốt hơn việc nói chuyện trực tiếp. Và bạn đừng e sợ việc giải thích nếu có bất cứ hiểu lầm nào. Hãy thoải mái nói chuyện riêng với đồng nghiệp rằng: “Mình nghe ABC đề cập là bạn hiểu sai ý XYZ của mình, để mình giải thích rõ hơn nhé”. Cứ nhận hết những lỗi lầm về bản thân mình và đảm bảo lần này, mọi người sẽ hiểu rõ hơn thông điệp của bạn nhé!
Hoàn thành tốt công việc
Đồng ý là môi trường nơi công sở có rất nhiều người đáng sợ. Họ thích lập luận, thao túng và lập kế hoạch. Do đó, chỉ có chứng tỏ bản thân thông qua thành tích công việc mới giúp bạn tránh xa những “chiêu trò” ở văn phòng.
Bạn không cần quan tâm đến thứ gì khác ngoài công việc của chính bạn. Nếu bạn thực sự tập trung vào thành công trong công việc của mình, không gì có thể hạ gục bạn. Vì thế, làm việc chăm chỉ là những gì tốt nhất cho sự nghiệp và lương tâm của bạn!
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Ánh Xuân Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Every Girl