BÀI LIÊN QUAN
Ngôn ngữ cơ thể 1: Chạm mắt
Muốn tạo một mối quan hệ tốt đẹp và giành được lòng tín nhiệm của người khác, điều kiện quan trọng đầu tiên chính là tiếp xúc ánh nhìn của đối phương. Cho dù ở mức độ thân sơ thế nào, một khi ánh mắt của bạn cứ liên tục đảo xung quanh sẽ khiến đối phương cảm giác bạn không chân thành, thậm chí là giả tạo. Họ nghĩ rằng những lời bạn nói thiếu thành thật hoặc không đủ tôn trọng mối quan hệ này.
Khi giao tiếp với người khác, bạn cần luôn tự nhắc nhở mình phải nhìn vào mắt đối phương, bất kể bạn đang là người lắng nghe hay người phát ngôn. Một ánh nhìn chuyên tâm, kiên định lúc nào cũng khiến người khác cảm thấy bạn là người chững chạc, tự tin và đáng tin cậy. “Cửa sổ tâm hồn” thật sự là một ngôn ngữ cơ thể tuyệt vời để truyền tải cảm xúc.
Ngôn ngữ cơ thể 2: Tướng đứng
Thông thường, khi bạn có thế đứng gù lưng thì hai vai tự nhiên sẽ có xu hướng gồng ra phía trước, đem đến cho người khác cảm giác mệt mỏi, thiếu tự tin, cứng nhắc. Vì vậy, nếu bạn chưa có thế đứng ổn định, hãy luyện tập ngay từ lúc này bằng cách tựa vào tường, giữ cho cơ thể duy trì ở tư thế thẳng nhưng vẫn giữ được sư tự nhiên, không gò bó.
Bạn có từng để ý đa số những người lãnh đạo hoặc người ở vị trí xã hội quan trọng thường có tư thế đứng ra sao hay không? Đặc biệt là đôi vai của họ sẽ được đặt như thế nào? Đơn cử như tư thế đứng của tổng thống Mỹ Obama, chỉ cần bước vào không khí phát ngôn chính thức, ông luôn đứng thẳng người và hơi ưỡn ngực, không khom lưng cũng không phải gồng hai vai lên một cách gượng gạo. Điều này luôn tạo cảm giác lịch lãm và đầy khí chất cho người đối diện. Ngôn ngữ cơ thể có thể khiến đối phương cảm thấy bạn là người thành thực và đáng tin cậy.
Ngôn ngữ cơ thể 3: Cánh tay không nghiêm túc cũng không trói buộc
Cho dù khi đứng hay ngồi, lúc giao tiếp với người khác, bạn nên nhớ để hai cánh tay buông thõng tự nhiên rộng bằng hai bên vai và hơi cong ở một mức độ nhất định chứ không cần buông thẳng cứng.
Ngoài ra, khi nói chuyện, bạn nên phối hợp những cử động của tay để minh họa cho vấn đề đang nói, giúp cuộc đối thoại thêm sinh động, thu hút sự chú ý của đối phương và tăng cường cảm giác tin cậy.
Con người thường có 2 thói quen đặt tay, một là chắp hai tay sau lưng, tư thế này nhìn rất cứng mà còn khiến người đối diện cảm thấy bạn có phần giả tạo, thiếu tự nhiên. Hai là khoanh tay trước ngực, cảm giác rất nghiêm túc nhưng còn mang theo tính thị uy, khó gần.
Ngôn ngữ cơ thể 4: Bàn tay cũng tạo nên thái độ và tính chuyên nghiệp
“Đôi bàn tay thừa thải” là tình trạng mà không ít người cảm thấy khó khăn trong giao tiếp. Khi ngồi đối diện với người khác, bàn tay nên đặt trên bàn hay trên đùi là thích hợp? Các ngón tay nắm chặt lại hay mở ra cho tự nhiên? Tất cả những vấn đề này đều có thể ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp mà lại rất dễ bị bỏ qua. Bên cạnh đó, nhiều người còn có thói quen “nghịch” ngón tay hay thậm chí là cắn móng tay trong cuộc trò chuyện.
BÀI LIÊN QUAN
Nghệ thuật giao tiếp giúp tạo ấn tượng tốt
Vậy rốt cục bàn tay nên xử lý thế nào mới phù hợp nhất? Rất đơn giản, tự nhiên là được. Tự nhiên ở đây chính là không mắc các tật xấu với bàn tay, chẳng hạn không ngừng gõ ngón tay trên bàn hoặc búng tay nghe tanh tách. Chỉ cần bạn đặt hai bàn tay sao cho bản thân cảm thấy thoải mái, tự nhiên và không gây chú ý cho đối phương là ổn.
Ngoài ra, cách bắt tay đối phương cũng là vấn đề cần học. Cái bắt tay sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định đối phương có tin cậy bạn hay không. Khi bắt tay, bạn nên dùng một chút sức để cho đối phương cảm giác kiên định, thành thực và biểu lộ sự tự tin của bạn, nhưng tránh bắt tay quá mạnh vì có thể làm đau người đối diện và sinh ra cảm giác thiếu thân thiện. Đồng thời, bạn nên nhìn vào mắt đối phương, mỉm cười để nhanh chóng tạo bầu không khí thoải mái, tin cậy.
Ngôn ngữ cơ thể 5: Hãy là tấm gương cho người đối diện
Đây là cách đơn giản nhất nhưng dễ tạo thiện cảm và niềm tin nơi đối phương nhất. Trở thành tấm gương cho người đối diện là như thế nào? Chính là mọi ngôn ngữ cơ thể của bạn khiến cho họ cảm thấy bạn là người đồng điệu với mọi cung bậc cảm xúc của họ.
Chẳng hạn khi một người đang chia sẻ chuyện vui với bạn, hãy phản ứng lại bằng những cái gật đầu kèm theo nụ cười để đối phương tin rằng bạn cũng đang vui cùng với họ, hiểu được cảm nhận của họ. Con người luôn có tâm lý muốn tiếp cận, gần gũi và mở lòng hơn với những người biết lắng nghe, cảm thông và tương tác hài hòa với mình.
Nhóm thực hiện
Lê Phương (nguồn tham khảo: aboluowang)