Nghệ thuật quyến rũ: 10 bí quyết giúp bạn trở thành một người dễ mến

Đăng ngày:

Mỗi chúng ta sinh ra với những ưu điểm của riêng mình, có người mang sức hút bẩm sinh, có người thông minh, có người quyến rũ, cũng có người rất dễ mến. Và những bí quyết sau đây sẽ giúp bạn trở thành một người dễ mến trong mắt mọi người.

Việc bạn có được người khác quý mến hay không không hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân bạn, còn rất nhiều yếu tố xung quanh tác động đến như bối cảnh, những điểm chung, thành kiến của mọi người… Nếu như một người không thích bạn, dù bạn có đối xử với họ tốt đến đâu, vẫn đổi lấy kết quả như thế. Trong cuộc sống, những người dễ mến thường được người khác sẵn lòng giúp đỡ, mối quan hệ xã hội cũng tốt đẹp hơn. Tuy vậy, để cho tất cả mọi người đều yêu thích mình là một việc không hề dễ dàng. Bạn có thể ứng dụng những bí quyết sau đây để xây dựng thiện cảm và thu hút sự chú ý của mọi người.

1. Biết lắng nghe

“Hãy học cách lắng nghe

Cơ hội có thể gõ cửa rất khẽ khàng”

– Frank Tyger –

Lắng nghe là kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống mà bất kỳ ai cũng có thể làm được. Nhưng thực tế, chúng ta lại có xu hướng nói nhiều hơn lắng nghe bởi mỗi cá nhân đều mong muốn được thể hiện, được người khác tôn trọng và đánh giá cao. Đôi khi, chính cái tôi thể hiện quá mức của mình đã phớt lờ lời nói của người khác. Trở thành một người biết lắng nghe là bí quyết khiến người khác yêu mến bạn nhiều hơn, bởi vì ai mà không thích được người khác chú ý vào lời mình nói?

bí quyết cô gái dễ mến tóc xoăn

Ảnh: pexels

2. Dùng chân thành đối đãi

Nếu ai đó chia sẻ với bạn về thành công của mình, hãy chân thành chúc mừng họ. Nếu như ai đó chia sẻ những nỗi buồn với bạn, hãy chân thành an ủi họ. Nếu như ai đó kế cho bạn về những trải nghiệm tuyệt vời, hãy chân thành bày tỏ niềm vui thích của mình. Bí quyết để mọi mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn chính là sự chân thành.

Trước khi nhận được hồi đáp từ người khác, chúng ta trước hết phải sống thật chân thành. Người chân thành sẽ luôn được người khác tin tưởng và quý mến, từ đó lời nói cũng trở nên có sức thuyết phục hơn. Chỉ cần thành tâm đối đãi, một ngày nào đó, những điều tốt đẹp sẽ đến bên cạnh bạn.

3. Sẵn sàng chia sẻ

Một người dễ mến là một người biết cách chia sẻ với người khác, dù cho đó là niềm vui hay nỗi buồn. Nếu như một người sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của họ với bạn, tức là họ đã đặt niềm tin vào bạn. Lúc này, bạn hãy bày tỏ sự quan tâm của mình đến câu chuyện như hỏi tiếp diễn biến câu chuyện, đưa ra lời khuyên hay chia sẻ cảm nghĩ.

Đừng bỏ lỡ cơ hội trở thành người dễ mến trong mắt người khác bằng những việc nhỏ bé như thế này. Sự chia sẻ của bạn có thể giúp đối phương cảm thấy bản thân được tôn trọng và thấu hiểu. Hay chia sẻ món ăn vặt với những người xung quanh cũng giúp bạn ghi điểm nhiều hơn.

4. Tìm kiếm điểm chung

Sự kết nối giữa người với người chính là cùng chia sẻ về những điểm chung của nhau như sở thích hay quan điểm. Chính vì vậy, bạn hãy cố gắng tìm kiếm điểm chung giữa mình và những người xung quanh như thời trang, âm nhạc, phim ảnh, sách truyện, quan điểm hay mối quan tâm… Biết đâu khi đã “dò đúng đài” rồi, bạn có thể cũng người đó nói chuyện cả ngày trời cũng không biết chán. Cũng chính từ đây, bạn sẽ trở nên dễ mến hơn trong mắt người khác.

cô gái dễ mến đeo kính bí quyết

Ảnh: pexels

5. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Lời nói dùng để biểu đạt suy nghĩ, còn ngôn ngữ cơ thể biểu hiện trạng thái người nói. Ngôn ngữ cơ thể được xem như một trong những bí quyết thành công của cuộc trò chuyện. Vì thông qua ngôn ngữ cơ thể, đối phương có thể biết được trạng thái của chúng ta như thế nào.

Hãy thể hiện cho người khác thấy sự tự tin hay sự tập trung của bạn bằng ngôn ngữ cơ thể như qua cách bắt tay, tư thế cơ thể, giao tiếp bằng mắt hay một nụ cười… Con người chúng ta thường có xu hướng ghi nhận ngôn ngữ cơ thể một cách vô thức và đó là cách làm tăng thiện cảm của người khác.

6. Đặt điện thoại xuống

Trong giao tiếp, việc bạn chú ý quá nhiều vào chiếc điện thoại sẽ làm đối phương cảm thấy khó chịu và bản thân cũng bỏ lỡ mất những thông tin quan trọng. Trộm nhìn điện thoại thể hiện sự phân tâm của bạn hay nhàm chán với cuộc trò chuyện đang diễn ra. Hay thậm chí, một số người sẽ cảm thấy không được tôn trọng khi bạn cứ mãi mê lướt điện thoại nữa.

cô gái tóc xoăn dễ mến bí quyết

Ảnh: pexels

7. Đừng phàn nàn

Nếu bạn muốn trở thành một người dễ mến, hãy luôn thể hiện sự tích cực của mình dù mắc kẹt trong hoàn cảnh khó khăn đi nữa. Việc bạn cứ mãi phàn nàn về những điều tồi tệ trong cuộc sống với mọi người xung quanh có thể làm họ khó chịu. Hãy thử chia sẻ về những điều tốt đẹp hơn mà bạn hy vọng được đón nhận. Sự lạc quan của bạn cũng giúp người khác cảm thấy tràn đầy năng lượng và có niềm tin hơn vào cuộc sống này.

8. Hãy lịch thiệp và đừng ngắt lời người khác

Việc thể hiện thái độ lịch thiệp sẽ khiến người khác cảm thấy được tôn trọng và ghi thêm điểm cộng cho bạn. Trong giao tiếp xã hội, hãy luôn giữ phép lịch sự bằng việc nói lời cảm ơn, xin lỗi từ những điều nhỏ nhặt nhất. Thông qua những việc nhỏ bé ấy, người khác sẽ thấu hiểu hơn về con người bạn.

Đặc biệt, trong những cuộc trò chuyện, việc ngắt lời người khác là hành động thiếu tôn trọng với đối phương. Dù có nóng vội bày tỏ ý kiến đến thế nào, hãy đợi đối phương kết thúc rồi mới trình bày quan điểm của mình. Điều này thể hiện bạn là một người nhã nhặn, lịch thiệp và khéo kéo trong giao tiếp.

cô gái tóc ngắn dễ mến bí quyết

Ảnh: pexels

9. Không khoe khoang

Sự thành công của bạn là điều đáng tự hào nhưng không phải để khoe khoang, cho dù đó là “humble brag” – một sự khoe khoang nhưng mang dáng vẻ khiêm tốn. Việc bạn luôn khoe khoang về mình sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến người khác, chẳng hạn như tạo cảm giác căng thẳng, thiếu tự tin hay thậm chí là khó chịu với bạn.

Khi một người biết làm chủ cảm xúc của bản thân, ngừng khoe khoang sẽ tăng thêm phần thiện cảm trong mắt người khác và cũng được đánh giá cao hơn. Những người thành công thường ít khi khoe khoang về thành tựu của mình.

10. Giữ sự bất đồng ở mức tối thiểu

Đôi khi, sự bất đồng về quan điểm sẽ gây ra vết rạn nứt cho một mối quan hệ. Đừng cố gắng tranh cãi chỉ để chứng minh quan điểm của bản thân mình đúng, đối phương sai. Dù cho bản thân có bao nhiêu lập luận thuyết phục, điều này chẳng mang lại lợi ích gì cho bạn mà chỉ khiến mọi người thêm căng thẳng với nhau hơn mà thôi.

Nếu như sự bất đồng ý kiến diễn ra, bạn có thể ngưng thảo luận về đề tài đó hoặc đưa ra những lời nhận xét mang tính xây dựng và tôn trọng đối phương hơn. Ngay cả khi đề cập đến những điểm bất đồng đó, bạn nên cố gắng giảm thiểu nó ở mức thấp nhất để không khiến ai phải khó chịu cả.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Hồng Tuyết

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: psychologytoday

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more