Có bao giờ bạn bước vào một căn phòng đầy người lạ và cảm thấy như từng bước chân của mình đang bị họ theo dõi sát sao? Trên thực tế thì không mấy ai để tâm đến sự xuất hiện của bạn, trừ khi bạn là một nhân vật quá đỗi đặc biệt. Vậy từ đâu chúng ta lại có cảm giác không thoải mái với sự suy tưởng có phần quá đà này? Đó là chứng lo âu xã hội mà khá nhiều người đang phải đối mặt.
Chứng lo âu xã hội ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt khi định kiến về một con người có thể đem lại tác động tiêu cực cho một cá thể. Kể từ đó, chúng ta dần thu mình lại và ngại nói ra quan điểm cá nhân. Không những thế, chúng ta còn lo lắng về trang phục, vẻ ngoài của mình vì có thể chúng sẽ không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Chứng lo âu xã hội luôn làm chúng ta cảm thấy bồn chồn, lo lắng khi phải gặp gỡ một người xa lạ. Bạn muốn tiếp cận và làm quen họ, tuy nhiên nỗi sợ vô hình này ngăn bạn lại. Một tin vui cho bạn rằng chứng lo âu xã hội hoàn toàn có thể khắc phục được, miễn là bạn có đủ dũng cảm và sự kiên nhẫn để vượt qua chúng.
Tìm ra nguồn gốc của nỗi sợ
Chứng lo âu xã hội có thể đến từ nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Có những người sẽ cảm thấy sợ hãi khi phải nói chuyện trước đám đông, có người lại ngại dùng bữa trước mặt người lạ. Để khắc phục triệt để nỗi sợ vô hình này, bạn cần xác định rõ đâu là yếu tố khiến mình cảm thấy không thoải mái để từ đó chúng ta sẽ có phương án khắc phục thích hợp.
Yêu cầu sự hỗ trợ từ các chuyên gia
Bạn không thể tự tin hơn khi suốt ngày quanh quẩn với chính mình, vì thế bạn nên tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia tâm lý cũng là những người “lạ” đối với bạn và trước khi có thể mở lòng mình với đám đông, bạn hãy thử trò chuyện với họ. Một khi bạn có đủ tự tin để đến gặp gỡ một người lạ, chia sẻ với họ những nỗi sợ của mình, bạn sẽ thấy rằng xung quanh mình còn rất nhiều người đáng quý. Sự chia sẻ của bạn sẽ phần nào giúp bạn nhìn nhận lại được bản thân, đồng thời giúp các chuyên gia có thể hiểu rõ nỗi sợ của bạn và giúp bạn tìm ra giải pháp thiết thực.
BÀI LIÊN QUAN
Đặt ra mục tiêu thực tế
Đa phần những người có chứng lo âu xã hội thường đặt quá nhiều kỳ vọng về phản ứng từ những người xung quanh. Họ không đơn thuần là muốn đưa ra cảm nghĩ của mình mà hơn hết là muốn được mọi người công nhận tiếng nói, thành quả của bản thân. Chính vì “tham vọng” này mà họ dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng khi có ai đó bất đồng quan điểm với mình. Thay vì trông đợi sự tán thành của người khác, chúng ta chỉ nên xem ý kiến của mình mang tính chất xây dựng và sẵn sàng lắng nghe cảm nhận của người khác để đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè
Các chuyên gia tâm lý chỉ có thể giúp bạn về mặt lý thuyết. Về phần thực hành, bạn phải tìm cho mình những người thân tín để cùng bạn vượt qua nỗi sợ này. Gia đình và bạn bè được xem là hai đối tượng “uy tín” nhất có thể giúp bạn giải tỏa nỗi lo cũng như tập làm quen với việc trao đổi thông tin với một ai đó. Nếu bất chợt gặp một người lạ trong tình huống này, khả năng cao bạn sẽ cảm thấy căng thẳng hơn trước. Chính vì thế, bạn nên thực hành với những người mà bạn tin tưởng, tiết lộ cho họ nỗi lo lắng của mình và bắt đầu trò chuyện với họ nhiều hơn. Khi đã có kỹ năng giao tiếp cơ bản, bạn sẽ có thể bắt chuyện với mọi người dễ dàng hơn.
Đối mặt với nỗi sợ của mình
Dù cho bạn đã lắng nghe bao nhiêu lời khuyên từ các chuyên gia, trò chuyện hết thảy với các thành viên trong gia đình thì đến cuối cùng, bạn vẫn phải một lần đối diện với nỗi sợ ấy. Như một cô bé lần đầu tập bơi, bạn sẽ thấy mọi thứ vượt quá sức chịu đựng của mình nhưng nếu bạn đủ dũng cảm để bước ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ thành công.
—
Xem thêm:
Trắc nghiệm tâm lý: Những nỗi sợ hãi ẩn giấu bên trong mỗi người
Những nỗi sợ khiến 12 cung hoàng đạo cảm thấy ám ảnh nhất
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Đào Dreamer Ảnh: Unsplash Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE