“Blue Mind” – Bí quyết sống hạnh phúc dưới góc nhìn khoa học
Kể từ lúc con người hình thành những nhận thức đầu tiên về hành tinh, nước đã có mặt ở đó. Con người băng qua đại dương bao la, tạo nên những cuộc viễn du khai phá và thay đổi tiến trình lịch sử; men theo dòng nước mà mở ra chân trời mới cho nhân loại.
Những khi có cơ hội du lịch, chúng ta thường tìm kiếm đường thủy cho kỳ nghỉ hay lái xe dọc bờ biển nhìn ngắm trời nước mênh mang. Chúng ta khao khát trở lại không gian xanh thân thuộc, nơi khiến tâm trí được bình yên. Năm này tháng nọ, nước luôn được “ân sủng” hiện diện trên trang bìa các tạp chí du lịch. Tất cả là vì nước là một trong những nguyên tố khiến con người sống hạnh phúc hơn.
Cảm giác bình yên vô tận mà ta cảm nhận được từ nước là thứ mà nhà sinh vật học biển Wallace J Nichols gọi là “blue mind” (tâm trí màu xanh). Nó là cách cổng giúp ta thoát khỏi trạng thái siêu kết nối, bị kích thích quá mức của cuộc sống hiện đại, đưa ta vào khoảnh khắc chiêm nghiệm cô đơn hiếm có. Nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra, con người bị thu hút bởi sắc xanh của Mẹ thiên nhiên bởi khả năng phục hồi của nó. Ví như từ xưa, các bác sĩ luôn xem không khí biển là phương thuốc trị bách bệnh, từ biến chứng ở phổi đến tình trạng sức khỏe tâm thần.
Nhiều nghiên cứu trước nay đã phát hiện ra, những người ở gần bờ biển thường sống hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy những bức ảnh về không gian xanh tự nhiên làm giảm mức độ căng thẳng của người xem. Không những thế, bức ảnh càng nhiều không gian xanh thì càng được yêu thích. Nichols, người đã dành 25 năm cuộc đời để nghiên cứu mối liên hệ giữa con người và nước, đã cảm nhận mọi thứ về nước từ giọt sương đọng trên phiến hoa đến sự bao la mang cảm giác tĩnh tâm của Thái Bình Dương, và nhận ra rằng nước có thể khiến con người sống hạnh phúc hơn.
“Giọng nói con người được xem là nguồn gây căng thẳng số một tại nơi làm việc”
Dữ liệu từ ngành bất động sản cho thấy chế độ bảo hiểm tăng thêm 116,1% mức phí cho một tài sản gần nước. Các số liệu trong thực tế cũng tiết lộ, chúng ta sẵn sàng trả thêm từ 10% đến 20% cho cùng một phòng với tầm nhìn ra biển trong khách sạn. Để tận hưởng sự sang trọng, người ta thường tìm đến những ngôi nhà gỗ ở Maldives hoặc các khách sạn dưới nước trên khắp thế giới. Và ngay cả những nơi nước không mấy dư dả, chẳng hạn các đô thị như Pittsburgh và Austin, thì đám đông cũng thường xuyên tân trang bờ sông và tụ tập trong các hồ nước ngọt.
Dường như ai cũng mang trong mình tình yêu với làn nước, và lý do đằng sau việc ta sẵn lòng chi trả một hóa đơn du lịch khổng lồ để gần nước hơn là điều khó mà lý giải tường tận. “Bạn đang trả tiền cho một cảm giác,” Nichols nói với Condé Nast Traveller US. “Khi yêu cầu mọi người diễn tả cảm giác đó, thật khó để có thể thốt lên bất cứ điều gì khác ngoài việc họ thật sự thích nó, cần nó và sẵn sàng chi tiền cho nó”.
Cassie Abel, một quản lý truyền thông ở Sun Valley, Idaho, người lớn lên trên đảo Vashon, Washington, hòn đảo lớn nhất Puget Sound cho hay: “Tôi yêu nước vì nó “hùng vĩ” hơn bất kỳ thứ gì trên Trái Đất. Thật buồn, có lúc nước là sự hiện diện nguôi ngoai nhất, có lúc nó là sự tồn tại hỗn loạn nhất”.
Lara Rosenbaum, nhà văn và biên tập viên trong tòa soạn tại vùng đất không đất liền ở Columbia, cũng chia sẻ tình cảm tương tự: “Nước hút lấy tôi như cách mặt trăng hút nó khiến triều hạ triều dâng. Nó tồn tại đêm ngày trong xương máu của tôi. Nó giúp tôi cảm nhận cuộc đời thêm sâu sắc và bình tĩnh. Nó khởi nguồn sự sống bên trong tôi”.
“Những người thiếp đi trong tiếng nước chảy rì rào hay tiếng mưa rơi tí tách thường ngủ sâu hơn và nhớ tốt hơn”
Rosenbaum nói không ngoa. Bên cạnh chiếm khoảng 70% cơ thể con người (cũng như khoảng 70% bề mặt Trái Đất), thì nước cũng chiếm 31% cấu phần trong xương chúng ta. “Khi đắm mình vào làn nước, ta sẽ tách mình khỏi những ồn ào, huyên náo của xã hội hiện đại”, Nichols nói, “Nước là “chuyên gia” che giấu tiếng ồn, đặc biệt là âm thanh từ giọng nói con người”. Đừng quên rằng giọng nói của con người được xem là nguồn gây căng thẳng số một tại nơi làm việc.
Thanh âm của nước thậm chí còn giúp ta đi vào giấc ngủ. “Một số nghiên cứu cho thấy mọi người có thể ngủ ngon hơn khi ở gần thiên nhiên”, W Christopher Winter, tác giả cuốn The Sleep Solution (Giải pháp cho giấc ngủ), giải thích. “Không lấy gì làm lạ khi các thiết bị hỗ trợ giấc ngủ luôn lấy âm thanh của mưa, đại dương hoặc một dòng sông chảy”. Sức khỏe tinh thần là yếu tố cốt lõi tạo nên một cuộc sống hạnh phúc. Một nghiên cứu nhỏ từ Northwestern University đã phát hiện, thiếp đi trong lúc nghe những âm thanh như nước đổ ào ào hay mưa rơi tí tách không chỉ giúp người trải nghiệm ngủ sâu hơn, mà còn thúc đẩy ký ức của họ hiện hữu rõ ràng hơn.
Jim Tselikis, đồng sáng lập Cousins Maine Lobster, lớn lên tại một thị trấn nhỏ ven biển ở Maine, nơi thủy triều lên xuống, bầu không khí trong lành, hương biển mằn mặn. Anh mãi nhớ một tiếng còi sương mù từ Portland Head Light, cách phòng ngủ của anh một dặm. “Âm thanh rất nhẹ nhàng. Nó đại diện cho đại dương mà tôi yêu vô ngần vào những ngày Hè oi bức, nơi tôi muốn đến để thoát khỏi sự căng thẳng của trường học hoặc công việc, nơi tôi muốn tìm về cho tâm hồn bình yên”.
Hiện đang sinh sống ở Los Angeles, Tselikis nói: “Khi chìm vào giấc ngủ, tôi lại nghĩ về cái còi sương mù ở quê nhà, nó khiến tôi tha thiết tìm về vào một ngày nào đó”.
Khi xuống nước, cơ bắp ta dùng hằng ngày được thả lỏng, thay vào đó, những bộ phận khác ít được sử dụng thường xuyên hơn có cơ hội tập trung. Không chỉ vậy, khi bỏ qua lực hấp dẫn, như thể có gì đó khai thông cho não bộ. Với nhiều người, thời gian ngâm mình trong nước là cơ hội để chiêm nghiệm sâu sắc, khơi nguồn sáng tạo và đưa ra những quyết định hiệu quả, từ đó dần hình thành một lối sống hạnh phúc.
“Một khi gần gũi với ai đó, họ sẽ đặt chân vào vòng tròn riêng tư của ta, đưa các cuộc trò chuyện thêm phần thân mật; và một cuộc trò chuyện thân mật khi dạo bộ trên bãi biển, bên tiếng sóng vỗ dạt dào sẽ trở nên riêng tư hơn bao giờ hết”, Nichols cho biết. “Mọi người ở cách xa không thể nghe thấy những lời ta nói và 180º xung quanh là không gian non nước trong xanh”.
Marie Stanislaw, sống trên đảo Vashon, Washington, cho biết thêm: “Lúc bơi trong hồ và đại dương, nước bao bọc lấy tôi… tôi có thể trôi nổi trong làn nước và thấy ngập tràn bình yên”.
“Ô nhiễm, sự cố tràn dầu và hạn hán không chỉ gây thiệt hại cho sinh thái, kinh tế, mà còn cho cả cảm xúc”
Là một cư dân California, Nichols nhớ lại các thảm họa tự nhiên như hạn hán kéo dài nhiều năm của tiểu bang: “Những điều đơn giản như đi tắm thôi cũng khiến bạn cảm thấy tội lỗi”, anh nói. “Nhưng nếu thời gian dành cho vòi sen hoặc bồn tắm là khoảnh khắc cô độc, thấu triệt và ngắt kết nối với thế giới bên ngoài của bạn – nếu đó là blue mind của tâm hồn bạn, thì một khi bị tước đoạt mất đi, nó sẽ gây nên căng thẳng, sợ hãi và giận dữ”.
Vì vậy, các vấn đề như ô nhiễm, sự cố tràn dầu và hạn hán không chỉ gây tác hại cho sinh thái và kinh tế, mà nó còn ảnh hưởng đến cảm xúc, Nichols lập luận: “Ô nhiễm phá vỡ trải nghiệm blue mind của chúng ta – ngay cả khi đang ở những nơi xinh đẹp, hữu tình”, ông nói. “Khi đó, bãi biển sẽ làm bạn buồn. Đại dương sẽ khiến bạn tức giận hoặc thất vọng”.
Trong một nghiên cứu của Anh vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã quan sát du khách đến tham quan thủy cung: những du khách đã xem một bể nước rỗng; một bể chỉ chứa một phần hang cá, động vật giáp xác và thực vật; và cuối cùng là một bể chứa đầy, với số lượng gấp đôi các loài. Các thí nghiệm sau đó liên quan đến việc đo nhịp tim và huyết áp của mọi người trong khi tham quan bể chứa rỗng, bể trữ một phần và bể chứa đầy đủ. Khi kết quả được đưa ra, thậm chí chỉ cần nhìn vào một vùng nước trống rỗng của bể cá, chúng ta cũng đã thư giãn. Nhưng trải nghiệm này cũng nhanh chóng nhàm chán chỉ sau một thời gian. Giải pháp cho việc điều này chính là đa dạng sinh học.
Thiên nhiên hoang dã, động thực vật phong phú trong bể nước mang lại lợi ích cho việc trị liệu. Với nhiều động thực vật hoang dã hơn, huyết áp và nhịp tim của mọi người giảm xuống – và họ cũng muốn ở lại lâu hơn. Đây là một lập luận sâu sắc để giữ cho hành tinh của chúng ta luôn khỏe mạnh và con người thì sống hạnh phúc hơn.
“Đại dương, sông nước và cuộc sống mà nó chứa đựng có nhiều hơn là giá trị sinh thái, kinh tế mà ta được học. Nó mang lại lợi ích lớn lao cho tình cảm. Nó mang lại sự sống trên Trái Đất, và khiến hành tinh này đáng sống hơn”, ông Nichols nói. “Tôi tưởng tượng thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn, nếu tất cả chúng ta đều hiểu điều này đúng đắn nhường nào. Nước chính là liều thuốc tiên, cho người, cho đời”.
Lược dịch: Huyết Vy
Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Nguồn: cntraveller.com