Lifestyle / Bí quyết sống

Bữa tiệc cuối năm – Hạnh phúc hay trách nhiệm?

Ngoài chia sẻ, sum họp gia đình trong dịp Giáng sinh hay Tết đôi khi còn là một trách nhiệm. Có thật là tất cả các thành viên trong gia đình đều thỏa mãn và hài lòng với sự đoàn tụ này? Hay đó chỉ là... để cho xong?

-001

Còi tàu réo inh ỏi. Hà gần như là người cuối cùng kịp nhảy lên chuyến tàu này. Chỉ cần đủng đỉnh vài giây, cô sẽ phải chờ. Những 3 phút nữa mới có tàu tiếp theo. Lỡ một chuyến, cô sẽ đi làm muộn. Chỉ việc đi lại trong Paris cũng ngốn cả đống thời gian. 40 phút cho chặng đường từ nhà tới công ty, Hà thường tranh thủ đọc sách hay nghe nhạc. Nhưng sáng nay, đầu óc cô chỉ nghĩ đến Giáng sinh.

Cách đây vài hôm, mẹ chồng cô gọi điện kể, em gái chồng, đang làm việc ở Ma-rốc, sẽ đưa người yêu về Pháp dự tiệc cuối năm với gia đình. Ở nhà trẻ, cậu con trai của cô bắt đầu làm đồ thủ công để trang trí cho dịp này. Hôm qua thằng bé đem về một cây thông nhỏ bằng bìa cứng. Cô giáo cắt, còn nó thì dùng sáp màu tô vẽ nguệch ngoạc.

Sáng nay, khi xuống đường mua croissant và pain au chocolat chồng cô đã thấy những chiếc bánh  khúc củi được bày trong tủ kính. Và ngay lúc này, trước mặt cô, một nghệ sĩ chơi nhạc rong đang say sưa kéo bản nhạc Jingle Bells.

Hà nhẩm tính trong đầu, còn khoảng 6 tuần nữa là đến ngày Giáng sinh và gia đình nhỏ của cô sẽ lại kéo nhau về nhà bố mẹ chồng ở vùng núi Haute Savoie, miền đông nam nước Pháp. Khi mới yêu, Hà đã cùng bạn trai, mà sau này là chồng của cô, ngồi tới 4 tiếng tàu để đi chặng đường 800km về nhà bố mẹ anh đón Giáng Sinh. Đó là mùa sum họp và chia sẻ.

Bố chồng Hà lúc nào cũng có những chai vang ngon nhất để dành đợi các con ở xa về cùng uống. Mẹ chồng Hà luôn làm các món ăn đặc trưng mà chỉ ở dưới quê này mới có. Còn Hà, bao giờ cũng đóng góp một món ăn Việt Nam vào bữa tiệc chung của gia đình, để mọi người cùng thưởng thức và khám phá.

Ở Pháp, quà Giáng sinh là một tập tục quan trọng vì đây là dịp duy nhất trong năm tất cả tặng quà cho nhau. Chính vì thế, họ thường tặng cho nhau không phải một quà mà rất nhiều quà. Quà tinh thần và quà vật chất. Những món quà tinh thần thường bất ngờ và do chính người tặng tự sáng tạo và tự tay làm. Họ bỏ vào đấy rất nhiều tình cảm và thời gian.

Như Hà, từ khi cô về làm dâu, mọi người trong gia đình nhà chồng biết thêm về ẩm thực Việt Nam và rất hay hỏi cô về các nguyên liệu cũng như cách chế biến. Năm nay, dù rất bận với công việc ở chỗ làm mới nhưng cô tự nhủ sẽ làm xong một cuốn sách nhỏ về nấu ăn. Đấy phải là những món mà nguyên liệu và gia vị có thể mua được ở bất cứ siêu thị nào ở đây. Từ vài tháng nay, cô tranh thủ các ngày cuối tuần để nấu nướng, bày biện và chụp ảnh để minh họa cho cuốn sách.

Những món quà vật chất thường được các thành viên trao đổi nguyện vọng với nhau. Bàn là, ấm đun nước, máy pha cà phê đã cũ mà họ muốn được thay mới. Hay thực dụng hơn là một món tiền nhỏ để góp vào chi phí cho chuyến du lịch của năm tới.

Ngoài chia sẻ, sum họp gia đình trong dịp Giáng sinh hay Tết, ở Pháp hay ở Việt Nam đều có không khí giống nhau: đầm ấm, yêu thương, thân thiện và tràn ngập những lời chúc tốt đẹp nhất. Nhưng đôi khi, sum họp gia đình lại là một trách nhiệm. Có thật là tất cả các thành viên trong gia đình đều thỏa mãn và hài lòng với sự đoàn tụ này? Hay đó chỉ là… để cho xong?

Cứ năm nào phải về nhà chồng đón Giáng sinh là Del­phine, đồng nghiệp cùng phòng với Hà, lại kêu ca phàn nàn. Bố mẹ đẻ của cô ở ngay trong Paris, còn bố mẹ chồng tận dưới Marseille. Ở Việt Nam, Hà cũng có vài cô bạn chẳng hề thích về quê chồng ăn Tết. Rất nhiều lý do của cái sự không thích này: đường xá xa xôi mà lại có con nhỏ, cả năm được có 1 tuần nghỉ lễ thì phải ở quê, không hợp với nhà chồng…

“Chuyện trẻ con mất lòng người lớn” thì ở đâu cũng vậy. Delphine than phiền với Hà rằng đứa cháu đằng nhà chồng rất hư, ích kỉ và hơi bạo lực. Cô góp ý và em chồng đã tự ái rồi từ đấy rất khó nói chuyện với nhau. Cô cũng không thích để con trai của mình tiếp xúc nhiều với đứa cháu đó, vì toàn bị bắt nạt.

Ở Pháp, địa điểm sum họp gia đình thường ở nhà bố mẹ, hoặc các anh chị em đón tiếp các thành viên trong gia đình theo vòng, năm nay ở nhà người này, thì sang năm ở nhà người khác. Lần đầu tiên về dưới đó, chồng cô có dặn rằng chủ đề cấm trong những lần họp mặt gia đình là những chuyện liên quan đến chính trị. Vì người thì theo đảng cánh tả, người thì ủng hộ cánh hữu và người nào cũng ra sức bảo vệ đảng phái của mình, trái ý nhau là họ đập bàn đập ghế và thậm chí hất đổ cả bàn tiệc…

Trong một lần Hà phụ bếp với mẹ chồng, bà nói rằng một người bận nhưng nhiều người vui. Cứ nhìn những khuôn mặt rạng rỡ, cười nói vui vẻ, nói mãi không hết chuyện… thì dù có phải chạy đi chạy lại cả trăm lần mẹ vẫn thích. Mẹ mong thời gian của ngày Giáng sinh trôi qua thật chậm vì khi mọi người về hết, mẹ cảm thấy buồn và nhớ lắm.

Có lẽ đó là suy nghĩ của một người phụ nữ từng trải, về già thì các con lại đi xa hết nên bà lại càng thích các cuộc sum họp gia đình. Có lẽ đó cũng là bản năng của phụ nữ, những người luôn sống vì gia đình và hi sinh vì người khác. Một ngày nào đó cũng đến lượt Hà đón tiếp mọi người tại nhà của mình, và cô tự nhủ, nếu mình suy nghĩ được như bà thì mọi việc quả là nhẹ tênh.

Lúc này đây, ngồi trên chuyến tàu điện ngầm này, Hà chỉ mong hành trình không bị gián đoạn. Bởi lẽ, gần Giáng sinh, thỉnh thoảng lại có người lao xuống đường ray tự tử. Họ bất mãn vì sự nghèo đói, vì cô đơn, vì không có gia đình để đoàn tụ và sum họp…

Nhóm thực hiện

Đỗ Hà Chi
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)