Lifestyle / Bí quyết sống

9 bước giúp cải thiện chỉ số EQ của bạn

Trí tuệ cảm xúc (EQ - Emotional Quotient/Emotional Intelligence) là khả năng nhận thức, quản lý và điều chỉnh cảm xúc theo hướng tích cực. Quá trình này không chỉ bao gồm việc kiểm soát cảm xúc của bản thân mà còn liên quan đến năng lực nhận biết cảm xúc của người khác để đồng cảm, giao tiếp tốt hơn và duy trì mối quan hệ lành mạnh với họ.

Chỉ số EQ cao cho phép chúng ta phát triển và duy trì hiệu quả các mối quan hệ quan trọng với cấp trên, đồng nghiệp, bạn bè… Đồng thời, nó còn giúp bạn điều hướng những tình huống căng thẳng, quản lý cảm xúc của chính mình và phát triển khả năng duy trì các cảm xúc tích cực.

Cùng ELLE thực hiện 9 bước dưới đây để cải thiện chỉ số EQ của bạn và đạt được nhiều kết quả tốt hơn trong giao tiếp nhé!

1. Nâng cao nhận thức về bản thân

cô gái có trí tuệ cảm xúc cao
Ảnh: Pexels/Olga Lioncat

Nhận thức được cảm xúc của chính mình và những người xung quanh là yếu tố đầu tiên giúp cải thiện chỉ số EQ. Việc biết được khi nào bản thân cảm thấy lo lắng, buồn bã, tức giận, sợ hãi sẽ giúp ích đáng kể trong việc xử lý và truyền đạt cảm xúc đến người khác theo hướng tích cực. Vậy nên từ giờ trở đi, khi những cảm xúc mạnh mẽ xuất hiện, hãy theo dõi và ghi chú lại những nguyên nhân gây ra những cảm xúc đó.

2. học cách Nhận biết cảm xúc của người khác

Mặc dù khả năng tự nhận thức về bản thân là điều cốt lõi giúp chúng ta cải thiện chỉ số EQ. Tuy nhiên, để EQ được phát huy một cách hiệu quả, bạn cũng cần biết cách xác định cảm xúc của người khác; đánh giá cách họ suy nghĩ, nhìn nhận về hành vi và cách giao tiếp của mình. 

Việc biết cách điều chỉnh thái độ, hành động, cảm xúc của bản thân dựa trên thái độ, hành động, cảm xúc của người khác cho thấy bạn là yếu tố quan trọng để phát triển trí thông minh cảm xúc. Và nếu bạn không chắc chắn về khả năng nhận biết cảm xúc của mọi người, hãy mạnh dạn hỏi họ rằng họ cảm thấy như thế nào khi giao tiếp với bạn.

3. Rèn luyện kỹ năng lắng nghe chủ động (Active Listening)

CÔ GÁI BIẾT LẮNG NGHE EQ cao
Ảnh: Unsplash/Fin Macbrayne

Con người giao tiếp với nhau không chỉ bằng lời nói, câu chữ mà còn thông qua hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ: cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, giọng điệu, dáng đứng, khoảng cách… Do đó, lắng nghe kết hợp với theo dõi những phản ứng, hành vi của đối phương sẽ giúp bạn đạt được sự tối ưu trong giao tiếp.

Khác với lắng nghe thụ động – cũng là một hình thức lắng nghe nhưng người nghe thường không thực sự để tâm vào câu chuyện của người nói, “lắng nghe chủ động” là hành động tập trung hoàn toàn vào người nói, hiểu rõ thông điệp/thông tin của họ và phản hồi lại câu chuyện một cách chu đáo. 

Lắng nghe chủ động đồng nghĩa với việc bạn đang tôn trọng đối phương và điều này cũng giúp thúc đẩy các mối quan hệ xã hội lành mạnh. Đặt câu hỏi, gật đầu đồng ý, lặp lại điểm trọng tâm của câu chuyện là một số biểu hiện của kỹ năng lắng nghe chủ động.

4. Giao tiếp rõ ràng

Dù bạn đang giao tiếp với cấp trên, đồng nghiệp, đối tác, gia đình hay bạn bè, việc biết rõ mình nên nói gì, nên viết gì và khi nào cần cung cấp thông tin là điều vô cùng quan trọng giúp xây dựng nên những mối quan hệ bền vững. 

Ví dụ, là một lãnh đạo, việc truyền đạt rõ ràng, súc tích mọi thứ từ mục tiêu của tổ chức đến những công việc cụ thể cho nhân viên là điều cần thiết để mọi người hiểu và đáp ứng yêu cầu được đặt ra. Để cải thiện khả năng giao tiếp rõ ràng, bạn hãy cố gắng thực hành giao tiếp nhiều nhất có thể, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội để người khác có thể truyền đạt cảm xúc của họ với bạn.


Xem thêm:

• Ask ELLE: Nghệ thuật ứng xử trong giao tiếp

• 5 bí quyết giao tiếp hữu ích giúp bạn trở nên thu hút hơn  

• 4 bí quyết giúp bạn làm chủ lời giải thích trong giao tiếp 


5. truyền tải những điều tích cực đến mọi người

sống tích cực
Ảnh: Pexels/Nataliya Vaitkevich

Khái niệm “sống tích cực” từ lâu đã không còn xa lạ với tất cả mọi người. Song, một số người có thể cho rằng cụm từ trên mang tính sáo rỗng và không mấy thiết thực. Tuy nhiên, những người có EQ cao lại hiểu rõ tác dụng kỳ diệu của một lời nói tích cực, một email khích lệ hay một cử chỉ tử tế. 

Việc giữ thái độ tích cực ngay cả trong những tình huống căng thẳng là bí quyết giúp mọi người bình tĩnh và vấn đề được giải quyết hiệu quả hơn. Mặc dù, những cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn bã hay ghen tị là điều hoàn toàn bình thường, nhưng việc chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể ngăn bạn tận hưởng cuộc sống. Vì vậy, bạn cũng nên học cách cân bằng, hạn chế những cảm xúc tiêu cực và tác động của chúng.

6. Học cách thể hiện sự đồng cảm

Đồng cảm là khả năng thấu hiểu và cảm nhận những gì mà người khác đang trải qua. Đây được xem là một trong những phẩm chất quan trọng của người có EQ cao. Để thể hiện sự đồng cảm, trước khi phán xét một ai đó vì bất cứ điều gì, bạn nên đặt mình vào vị trí của họ, xem xét cảm nhận của bản thân trong hoàn cảnh của đối phương, từ đó bạn có thể phản ứng lại với họ bằng sự tôn trọng và thấu hiểu.

7. cởi mở với những tư tưởng mới

cách nâng cao chỉ số eq
Ảnh: Unsplash/Ali Karimiboroujeni

Đặc điểm dễ nhận biết nhất của những người có EQ cao là sự hòa nhã, dễ gần. Bởi lẽ, típ người này thường có khả năng lắng nghe tốt, luôn thấu hiểu những quan điểm mới, nắm bắt những ý tưởng mới và sẵn sàng học hỏi những điều mới. Do đó, để trở nên cởi mở hơn, khi được chia sẻ một quan điểm, ý tưởng mới, đừng vội bài trừ hay chối bỏ chúng mà hãy suy nghĩ về tính hợp lý, tiềm năng phát triển, những mặt lợi hại của ý tưởng đó, biết đâu chúng sẽ giúp ích cho bạn và có thể được áp dụng vào thực tiễn. 

8. Lắng nghe phản hồi của người khác

Biết cách tiếp nhận, lắng nghe phản hồi cũng là một biểu hiện của người có chỉ số EQ cao. Dù là một lời nhận xét tích cực hay những phê bình từ những người xung quanh, việc lắng nghe lời phản hồi đồng nghĩa với việc bạn dám chịu trách nhiệm với hành động của mình và thể hiện bản thân là người sẵn sàng cải thiện theo hướng tích cực hơn. Tuy một số phản hồi có thể gây khó chịu, nhưng bạn hãy xem đó là cơ hội để bản thân học hỏi và phát triển.

9. Giữ bình tĩnh trước áp lực

cô gái trí tuệ cảm xúc cao
Ảnh: Unsplash/Jonathan Borba

Cảm giác lo lắng, bất an trước một sự kiện lớn hoặc một tình huống căng thẳng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc duy trì trạng thái bình tĩnh, ổn định, tích cực và tập trung vào việc tìm ra giải pháp cho tình huống khó khăn là chìa khóa giúp bạn đạt được mục tiêu. Và để có suy nghĩ thấu đáo hơn trước áp lực, bạn có thể tham khảo và áp dụng một số cách như hít thở sâu, uống nước để lấy lại bình tĩnh hoặc tìm đến sự trợ giúp, động viên của những người xung quanh.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Hy

Tham khảo: Indeed

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)