Tình bạn bền vững là mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng của sự thấu hiểu, tôn trọng và sẻ chia. Mối quan hệ này sẽ trở nên vô cùng bền chặt khi các bạn có thể cùng nhau trải qua thăng trầm, hỗ trợ và ủng hộ quá trình phát triển của nhau trong các cột mốc quan trọng. Dưới đây là 5 cách giúp bạn bảo vệ và duy trì những mối quan hệ bạn bè quan trọng lâu dài và chất lượng.
1. Sắp xếp thời gian cho các buổi gặp gỡ
Khi bước vào độ tuổi trưởng thành, việc dành thời gian gặp gỡ bạn bè lại trở nên ngày càng khó khăn, bởi mỗi người đều bận rộn với công việc, gia đình và cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ những mối quan hệ quý giá hay buộc phải cân đo đong đếm, lựa chọn bạn bè bên cạnh những yếu tố khác. Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể áp dụng việc lên kế hoạch từ trước, chủ động sắp xếp lịch trình và chọn thời điểm phù hợp với tất cả thành viên trong nhóm để tạo ra một buổi hẹn thật chất lượng. Việc này không chỉ giúp các bạn có cơ hội xây dựng kết nối sâu sắc với nhau sau khi xem cuộc hẹn này như một mối ưu tiên bên cạnh các yếu tố khác, mà có thể tạo ra những khoảnh khắc ý nghĩa cho các bạn khi ở bên nhau.
Nếu lịch trình quá bận rộn, bạn vẫn có thể duy trì kết nối bằng cách rủ bạn bè tham gia các hoạt động đơn giản bạn thường làm như chạy bộ trong công viên, học bài hay làm việc tại quán cà phê. Từ đó, bạn có thể vừa hoàn thành công việc cá nhân của mình, vừa có thể trò chuyện cùng bạn bè và chia sẻ những khoảnh khắc thường ngày. Ngoài ra, bạn và họ còn có thể cùng nhau đăng ký một lớp yoga, tham gia buổi workshop sáng tạo, hoặc thậm chí thử sức với một môn thể thao mới để cùng học hỏi những kỹ năng mới và hỗ trợ nhau trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Bằng cách này, bạn không chỉ duy trì được mối quan hệ chất lượng mà còn tránh làm ảnh hưởng quá nhiều đến quỹ thời gian chung.
BÀI LIÊN QUAN
2. Thiết lập ranh giới cá nhân
Thiết lập ranh giới cá nhân là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và duy trì tình bạn bền vững. Một ranh giới lành mạnh sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe tinh thần, củng cố sự tôn trọng trong mối quan hệ và hỗ trợ cả hai bên hiểu nhau hơn. Mặc dù việc đặt ranh giới, đặc biệt với những người bạn thân, có thể khiến bạn cảm thấy khó khăn vì lo ngại sẽ làm người khác không hài lòng hoặc tổn thương tình cảm của bạn bè, nhưng đây là điều hoàn toàn cần thiết. Bởi bạn không có nghĩa vụ phải đồng ý với mọi yêu cầu hay làm hài lòng người khác nếu điều đó gây ra sự mệt mỏi, căng thẳng hoặc làm bạn cảm thấy thiếu tự do.
Mỗi người đều có giới hạn riêng và việc tôn trọng ranh giới này giúp duy trì sự bình đẳng trong mối quan hệ, tránh việc một bên cảm thấy quá tải hay bị ép buộc. Vì vậy, nếu bạn biết cách thiết lập ranh giới một cách rõ ràng và khéo léo, mối quan hệ bạn bè của bạn sẽ trở nên bền chặt hơn, vì cả hai bên đều cảm thấy thoải mái và được tôn trọng trong không gian riêng.
Việc từ chối hay hạn chế tham gia vào một số hoạt động không có nghĩa là bạn không quan tâm đến bạn bè, mà là bạn đang chăm sóc chính mình và các mối quan hệ quan trọng khác. Đồng thời, bạn nên tập trung vào chất lượng của các mối quan hệ hơn là số lượng, tập trung nuôi dưỡng những tình bạn quan trọng và thật sự ý nghĩa. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng những mối quan hệ bền vững, biến tình bạn trở thành nguồn năng lượng tích cực và từ đó cùng hỗ trợ lẫn nhau đạt được mục tiêu cá nhân của mình.
3. Cảm thông với vấn đề tài chính
Tài chính luôn là một vấn đề nhạy cảm trong các mối quan hệ, và để duy trì tình bạn bền vững, điều này đòi hỏi sự đồng cảm, linh hoạt với những khác biệt về việc này. Chẳng hạn, mỗi người đều có mục đích sử dụng tiền bạc khác nhau, như có người đang tiết kiệm để mua nhà, người khác đam mê du lịch, hoặc có những người phải chi tiêu cho gia đình. Vì vậy, đôi khi, lý do khiến một số người bạn thường xuyên từ chối gặp mặt có thể là do họ ngại chia sẻ về vấn đề tài chính, dẫn đến những hiểu lầm trong mối quan hệ.
Để vượt qua rào cản vấn đề tài chính trong tình bạn, việc trao đổi thẳng thắn là điều vô cùng cần thiết. Khi bạn cởi mở chia sẻ về những khó khăn tài chính, bạn không chỉ giảm bớt áp lực cho bản thân mà còn giúp bạn bè hiểu và đưa ra những kế hoạch phù hợp. Chẳng hạn, thay vì những buổi tụ tập tốn kém, các bạn có thể đổi thành những một buổi ăn uống đơn giản, một buổi đi dạo, hoặc thậm chí một kỳ nghỉ dưỡng tại nhà… Một tình bạn chân thành không đòi hỏi bạn hay họ phải luôn luôn bên nhau hay phải tổ chức những cuộc gặp gỡ xa hoa, ngược lại, nó cần sự thấu hiểu, tôn trọng lựa chọn của nhau và sẵn sàng đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn.
Xem thêm
•Gợi ý quà tặng handmade bạn có thể tự làm tặng bản thân và bạn bè
•12 dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc kẹt trong một tình bạn độc hại
•7 bộ ba bạn thân nổi tiếng trong phim Hàn truyền cảm hứng về tình bạn
4. Chấp nhận khuyết điểm
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, không ai là hoàn hảo, và việc chấp nhận khuyết điểm của nhau chính là nền tảng quan trọng để xây dựng và duy trì một mối quan hệ lâu dài. Với các mối quan hệ bạn bè, mỗi người trong chúng ta đều có tính cách và màu sắc riêng, vì vậy xung đột là điều khó tránh khỏi.
Để hòa hợp và xây dựng tình bạn lành mạnh, tích cực, điều quan trọng là chúng ta nên học cách lắng nghe và thấu hiểu nhau. Khi xảy ra mâu thuẫn, thay vì vội vã phán xét hay vướng vào một cuộc tranh cãi, bạn hãy cố gắng nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người kia. Từ đó, thay vì chỉ nhìn vào khuyết điểm của họ, chúng ta có thể tập trung vào những điểm mạnh và điều tốt đẹp mà mối quan hệ này mang lại..
Một tình bạn chân thành là khi mỗi người thấu hiểu và chấp nhận mọi khuyết điểm của nhau. Tuy nhiên, chấp nhận khuyết điểm không có nghĩa là bỏ qua hay dung túng cho hành vi tiêu cực, mà là sự nhận thức rằng cả hai cần cùng nhau nỗ lực để phát triển và trở thành phiên bản tốt hơn. Chính những phẩm chất tốt đẹp này sẽ là cách giúp bạn yêu thương người khác và yêu thương chính mình một cách tích cực.
5. Biết lắng nghe
Lắng nghe là cách giao tiếp tuyệt vời nhất trong một mối quan hệ. Đôi khi, bạn bè của chúng ta không cần một lời khuyên cụ thể, bởi thực tế khi đối mặt với khó khăn, không phải lúc nào ai trong chúng ta đều muốn nghe một ý kiến hay một giải pháp. Lúc này, họ chỉ cần một người ở bên để hiểu và chia sẻ, thoải mái bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Điều này nhấn mạnh vai trò của không gian an toàn của bạn bè có thể tạo ra và hỗ trợ lẫn nhau, bằng cách này, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm thấy được chấp nhận và không bị đánh giá khi gặp phải những thách thức hay đối diện với sai lầm trong cuộc sống.
Khi cuộc sống trở nên bận rộn hoặc khi bạn và bạn bè ở xa, việc duy trì kết nối vẫn là điều hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ vào các phương tiện như tin nhắn, cuộc gọi video hay các nhóm chat. Giao tiếp trực tuyến đồng thời là một hình thức lắng nghe và trao đổi thông tin hiệu quả, không chỉ giúp bạn chia sẻ về công việc, cuộc sống hằng ngày mà còn tạo cơ hội để bạn dễ dàng nói ra, giảm bớt gánh nặng, đồng thời duy trì sự gắn kết và hỗ trợ tinh thần từ những người thân thiết.
Nhóm thực hiện
Bài: Thanh Ngân
Tham khảo: The Everygirl