Khi một người chịu những tổn thương tâm lý từ quá khứ, họ có thể mắc một số hội chứng kỳ lạ khiến họ hủy hoại chính bản thân mình và những người mình yêu thương. Điều này gây ảnh hưởng đến cả các mối quan hệ tình cảm, khi cách thể hiện tình yêu bắt nguồn từ tâm lý không ổn định khiến mối quan hệ có tính chất “chữa lành” như tình yêu trở nên độc hại.
Hãy cùng ELLE điểm qua những hội chứng tâm lý phổ biến liên quan đến tình yêu nhé!
Erotomania (Hội chứng de Clérambault’s) – Hội chứng hoang tưởng người khác cũng yêu mình
Chúng ta luôn mong đợi một mối quan hệ hoàn hảo mà ở đó người mình yêu cũng thực sự yêu mình. Tuy nhiên, sự hoàn mỹ vốn dĩ không tồn tại và con người ta khi yêu lại càng có nhiều mộng tưởng viển vông, dẫn đến nhiều sai lầm trong hành trình tìm kiếm tình yêu. Những người mắc hội chứng Erotomania là những người bị dẫn dắt bởi những ảo mộng như thế: Họ tin rằng có một người đặc biệt yêu họ sâu sắc.
Ôm mong mỏi được yêu bởi những người nổi tiếng hoặc những người có địa vị xã hội và kinh tế cao hơn nhiều so với bản thân, họ tự huyễn hoặc mình bằng những ảo tưởng màu hồng. Những người mắc hội chứng này tin rằng, họ cùng người mình đang theo đuổi có “thần giao cách cảm” và những bài đăng hay status trên mạng xã hội của đối tượng họ nhắm đến đều là những thông điệp tình yêu gửi đến mình.
Nếu ai đó mắc chứng Erotomania cho rằng bạn là người đang trong mối quan hệ yêu đương thầm kín với họ, dù bạn có cố gắng phủ nhận, họ vẫn không chấp nhận điều đó. Thay vào đó, họ sẽ cho rằng bạn đang cố gắng che giấu cảm xúc thật của mình với mọi người.
Đồng thời, họ không thể nào chấp nhận được việc không có bất cứ tình cảm nào nảy sinh trong mối quan hệ của hai người. Khao khát được đáp lại tình cảm và những ảo tưởng của họ dễ dẫn đến những hành vi quấy rối như gửi thư tình, hoa, liên tục nhắn tin, gọi điện, thậm chí là rình rập, theo dõi.
Obsessive Love – Hội chứng ám ảnh tình yêu
Trong giai đoạn đầu của những mối quan hệ lãng mạn, người ta thường không ngần ngại bộc lộ tình cảm cuồng nhiệt và cháy bỏng. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, tình yêu dành cho nhau sẽ phát triển thành một thứ gì đó ít mãnh liệt nhưng bền chặt hơn. Thật không may, những người mắc hội chứng ám ảnh tình yêu dường như không vượt qua được giai đoạn mê đắm của những ngày đầu mới yêu và bị chi phối bởi ham muốn chiếm hữu người kia. Họ muốn bảo vệ người yêu bằng mọi giá và chỉ cảm thấy an toàn khi có thể kiểm soát mọi hành động của đối phương như kiểm soát một món đồ. Thậm chí, việc nhốt người mình yêu lại cũng là hành động cực đoan họ có thể làm để bảo vệ tình yêu của đời mình.
Chính vì luôn mụ mị trong những ám ảnh, họ trở nên không thể tập trung vào bất cứ điều gì khác, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống xã hội và nghề nghiệp của họ.
Đặc biệt, việc từ chối hay nói lời chia tay với người mắc chứng ám ảnh tình yêu sẽ rất khó khăn bởi họ luôn có một niềm tin vô lý về tình yêu giữa cả hai. Đồng thời, điều này có thể kích động họ thực hiện những hành vi điên cuồng nhằm “chứng minh tình yêu” như tự tử hay tấn công đối phương.
Nếu như không được điều trị kịp thời, hội chứng ám ảnh tình yêu chắc chắn sẽ hủy hoại cuộc đời của người bệnh. Họ sẽ chìm đắm trong ảo tưởng về một mối quan hệ viên mãn nhưng không có thật.
BÀI LIÊN QUAN
Attachment Disorder – Rối loạn gắn bó
Có thể bạn chưa biết, sự gắn bó của bạn với những người xung quanh từ thơ bé có thể quyết định bản chất sự gắn bó trong mối quan hệ của bạn và người bạn yêu. Khi những đứa trẻ không hình thành được mối liên kết tình cảm an toàn với người lớn do không được quan tâm chu đáo, bị tách biệt khỏi người chăm sóc trong giai đoạn từ sáu tháng đến ba tuổi hay thường xuyên thay đổi người chăm sóc, chúng sẽ trưởng thành với “chứng rối loạn gắn bó”, luôn sợ hãi bị bỏ rơi và không cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh người khác.
Khi nói đến các mối quan hệ lãng mạn, một người mắc chứng rối loạn gắn bó có thể thuộc một trong hai thái cực: luôn lo âu và cố gắng làm làm hài lòng người khác hoặc né tránh các mối quan hệ thân mật.
Người thuộc kiểu luôn cố gắng làm hài lòng người khác thường cảm thấy bồn chồn và áp lực với những mối quan hệ xung quanh mình. Xuất phát từ sự thiếu hụt tình thương và sự quan tâm ở tuổi thơ, họ luôn muốn được ở cạnh đối phương để cảm thấy an toàn. Vì vậy, họ thường ghen tuông và đeo bám người họ yêu. Họ có thể gọi cho bạn hàng chục cuộc gọi nếu bạn không trả lời tin nhắn hoặc đi theo bạn đến chỗ làm để chắc chắn bạn không tán tỉnh một ai khác. Sự vô tâm và lạnh nhạt của người yêu có thể khiến họ đánh mất lý trí và trở nên xúc động mạnh.
Ngược lại, những người thuộc kiểu né tránh các mối quan hệ thân mật thường cực kỳ độc lập và không thích ràng buộc trong một mối quan hệ lãng mạn. Họ thiếu sự tin tưởng và sợ hãi sự thân mật như một bản năng.
Xem thêm
• Đọc vị tính cách của 12 cung hoàng đạo khi yêu
• 10 dấu hiệu cho thấy bạn đã bắt đầu yêu bản thân hơn
• 12 dấu hiệu cho thấy người yêu cũ đang chờ bạn quay về
Relationship OCD (ROCD) – Rối loạn ám ảnh cưỡng chế về các mối quan hệ
Nhiều người nhầm lẫn OCD là một hội chứng của những người thích sạch sẽ hay theo chủ nghĩa hoàn hảo. Tuy nhiên, việc rửa tay thường xuyên, giữ cho mọi thứ ngăn nắp chỉ là một trong những biểu hiện của nó. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế bởi các mối quan hệ (ROCD) cũng là một dạng phụ của OCD được đặc trưng bởi những suy nghĩ không chắc chắn về tình cảm giữa họ và những người xung quanh.
Những người bị ROCD thường xuyên nghi ngờ về tình yêu của mình. Họ quay cuồng trong những câu hỏi như: Liệu họ chọn “đúng” người yêu/ bạn đời hay chưa? Mối quan hệ này có phù hợp hay không? Người đó có thật sự yêu họ?
Để tâm trạng tốt hơn, họ thường phải liên tục tìm kiếm sự trấn an từ mọi người xung quanh. Những ám ảnh không chỉ tiêu hao năng lượng mà còn phá hủy mối quan hệ giữa họ và người họ yêu.
Nhóm thực hiện
Bài: Xuân Yến
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Psychologia