Lifestyle / Bí quyết sống

10 dấu hiệu của người theo chủ nghĩa hoàn hảo

Bạn là một người cầu toàn? Bạn luôn cố gắng chạm đến sự hoàn hảo trong công việc? Bạn luôn thôi thúc mình phải hoàn thiện mọi thứ cần làm cho dù phải đánh đổi thêm thời gian và công sức? Những dấu hiệu này cho thấy bạn đang theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo.

Trong tâm lý học, chủ nghĩa hoàn hảo là một tính cách đặc trưng, được thể hiện bởi “nỗ lực của một người đối với sự hoàn hảo và thiết lập các tiêu chuẩn quá cao, thường xuyên tự phê bình và luôn bị chi phối bởi những đánh giá của người khác”.

10 dấu hiệu sau đây sẽ giúp bạn nhận biết mình có phải là người theo chủ nghĩa hoàn hảo hay không.

1. Không có chỗ cho sai lầm

Điều này không có nghĩa là bạn tài giỏi đến mức không bao giờ mắc sai lầm. Chỉ là khi bạn phát hiện sai lầm của mình, bạn sẽ luôn tìm cách sửa chữa cho đến khi đạt được kết quả như bạn mong muốn.

2. Luôn có kế hoạch cụ thể

Bạn biết cách quản lý công việc và luôn vạch ra kế hoạch cụ thể để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Chính vì quá theo sát công việc mà người khác sẽ rất khó có thể can thiệp vào kế hoạch của bạn. Những góp ý mang tính “bên ngoài” và không phù hợp với cách tiếp cận của bạn sẽ không bao giờ được chấp nhận. Điều này có thể gây ra khó khăn khi bạn phải làm việc nhóm hoặc tạo cho người khác cảm giác bạn không biết cách lắng nghe.

 

3. Tất cả hoặc không gì cả

Hoặc là bạn sẽ làm tốt tất cả mọi thứ, hoặc là bạn sẽ không làm gì cả. Có thể hơi cực đoan. Nhưng người theo chủ nghĩa hoàn hảo không bao giờ nhận lời làm những việc mà họ không chắc chắn sẽ thành công.

4. Kết quả là trên hết

Bạn không quan tâm quá trình làm việc đã diễn ra như thế nào, kể cả khi bạn phải bỏ nhiều thời gian và công sức để hoàn thành nó. Bạn chỉ muốn đảm bảo rằng cuối cùng việc bạn làm cũng có kết quả. Và đó là điều quan trọng nhất.

5. Khắt khe với chính mình

Bạn cầu toàn và đòi hỏi quá nhiều ở bản thân mình. Bất cứ khi nào phạm sai lầm, bạn sẽ tự trách bản thân trước tiên. Ngay cả những lỗi lầm rất nhỏ cũng dễ dàng khiến bạn suy sụp và có cảm giác tồi tệ trong một khoảng thời gian khá dài.

6. Vạch lá tìm sâu

Bạn luôn là người nhìn thấy những kẽ hở khi người khác không để ý, đơn giản vì bạn cực kỳ chi tiết. Thậm chí bạn còn có thể hình dung được những vấn đề sẽ gặp phải khi lên kế hoạch thực hiện điều gì đó. Điều này không có nghĩa là bạn đang bàn lui. Chỉ là bạn muốn chắc chắn không điều gì có thể cản trở đường đi của bạn mà thôi.

7. Phiền muộn khi không đạt được mục tiêu

Khi kết quả không như hình dung, bạn sẽ luôn tự hỏi: “Tại sao?”, “Sẽ thế nào nếu như…?”. Bạn sẽ dằn vặt cho đến khi tìm ra nguyên nhân. Và quan trọng nhất, bạn sẽ tự đổ lỗi cho chính mình (như đã nói ở điều số 5).

8. Đặt tiêu chuẩn cao

Khi quyết định phải làm gì, bạn luôn đặt ra mục tiêu rất cao. Đôi khi, mục tiêu quá cao khiến bạn bị áp lực liên tục. Mặc dù bạn luôn cố gắng khắc phục khó khăn để đạt được kết quả, nhưng cũng có lúc bạn bị đình trệ hoặc phải từ bỏ mục tiêu do chính mình đặt ra.

 

9. Bị tác động từ bên ngoài

Sự thật là, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường không tự tin vào bản thân mình. Sự tự tin của bạn phụ thuộc vào những gì bạn đạt được và cách những người khác phản ứng với thành quả của bạn. Bạn phấn đấu để thành công, nhưng chỉ tin vào điều đó khi được mọi người xác nhận hoặc tán dương.

10. Thành công không bao giờ đủ

Trong mọi lĩnh vực, bạn luôn có mục đích mới để hướng tới. Khi đạt được X, bạn lại muốn 2X. Ngay khi đạt được 2X, bạn lại muốn 5X. Bạn hiếm khi hài lòng với những gì mình đang có.

Xem thêm 

3 phim điện ảnh hé mở một thế giới ballet “không hoàn hảo”

Cách viết một tấm thiệp cảm ơn hoàn hảo

Phụ nữ thời nay có nên hoàn hảo?

Nhóm thực hiện

Đoàn Trúc (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)