Theo một cuộc khảo sát quy mô lớn vào năm 2004, một trong bốn người Mỹ cho biết rằng họ thậm chí không có một người bạn thân. Và cho đến bây giờ, tỷ lệ này đã chạm đến ngưỡng báo động. Cô đơn được hiểu là sự cô lập xã hội. Bạn có thể cảm thấy hoàn toàn cô độc giữa đám đông hoặc thậm chí cảm nhận được sự kết nối, hỗ trợ ngay cả khi ở một mình. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe tinh thần, chúng ta vẫn phải kết nối với thế giới.
7 mẹo sau đây sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này, nhưng hãy nhớ rằng, việc mở rộng và duy trì một vòng tròn xã hội cần thời gian và sự kiên nhẫn.
BÀI LIÊN QUAN
Cô đơn ảnh hưởng đến người trẻ như thế nào?
Mẹo số 1 – kết nối với những người bạn cũ
Cuộc đời luôn đổi thay. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, chúng ta sẽ gặp và gắn bó với những người khác nhau. Sau khi hoàn thành một chặng đường, họ sẽ trở thành bạn học cũ, đồng nghiệp cũ… Người có thể cũ nhưng kỷ niệm thì luôn sống mãi. Do vậy, nếu bạn cảm thấy ngại ngùng khi liên lạc với ai đó sau một thời gian dài, hãy thử đặt mình vào vị trí của họ. Bạn sẽ phản ứng thế nào nếu họ chủ động gọi bạn? Rất vui mừng phải không?
Nếu họ ở xa, hãy gọi, nhắn tin hoặc trò chuyện qua video. Nếu cùng địa phương, hãy đến nhà họ hoặc mời họ qua nhà bạn. Ngoài ra, cả hai có thể đi dạo, đi ăn, đi cà phê hoặc mua sắm cùng nhau. Dù trò chuyện online hay gặp trực tiếp, bạn và người ấy cũng sẽ có những giây phút tâm sự thân mật, ôn lại chuyện quá khứ, kể về tình hình hiện tại. Biết đâu, sau lần kết nối này, bạn sẽ có thêm một mối quan hệ tuyệt vời thì sao.
Mẹo số 2 – hãy nhớ rằng Sự từ chối không xảy ra thường xuyên như chúng ta nghĩ
Trong một nghiên cứu vào năm 2014, các sinh viên đại học, có cả người cô đơn và không cô đơn, đã xem các video clip về giờ ăn trưa tại các phòng ăn của trường. Trong suốt bữa ăn, những tương tác xã hội tích cực và tiêu cực luôn xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào. Người tham gia nghiên cứu có thể thấy các tương tác tích cực như việc ai đó mỉm cười, gật đầu khi trò chuyện cùng người đối diện. Nhưng họ cũng có thể thấy các tương tác tiêu cực, ví dụ như hành động quay lưng lại hoặc phớt lờ người khác.
Điều thú vị chính là: các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ theo dõi bằng mắt để quan sát xem những người tham gia nghiên cứu tập trung vào điểm nào. Kết quả cho thấy, các cá nhân cô đơn ngay lập tức chú ý vào các tương tác tiêu cực. Họ đã nhận được dấu hiệu của sự từ chối tiềm năng.
Điều này có nghĩa là, nếu cảm thấy dễ bị tổn thương, bạn sẽ tự nhiên cảnh giác với những tình huống có thể khiến mình rơi vào nguy hiểm. Khi cô đơn, chúng ta sẽ nhìn thấy sự từ chối tiềm ẩn ở mọi nơi.
Nhưng ở đây, có một sự thật là: mặc dù người cô đơn lường trước sự từ chối, nhưng nó không xảy ra thường xuyên như họ dự đoán. Thay vào đó, sự mong đợi từ chối dẫn đến tình trạng tránh né hoặc không nhiệt tình trong giao tiếp, làm cho người khác tin rằng họ là những kẻ vô cảm. Về cơ bản, đây là một sự hiểu lầm lớn ở cả hai phía.
Mẹo số 3 – Mong muốn giao tiếp nhiều hơn
Khi cô đơn, sự tuyệt vọng dễ dàng xuất hiện. Do vậy, để thay đổi điều này, bạn nên nhẹ nhàng tha thứ cho chính mình nếu đã từng bắt bản thân phải trốn tránh xã hội. Hãy can đảm, mạnh mẽ và tự nhủ: “Mình muốn giao tiếp nhiều hơn và mình nhất định làm được!”.
BÀI LIÊN QUAN
7 sự thật bạn cần biết về sự cô đơn
Mẹo số 4 – luôn nhớ rằng bạn không phải là người khác
Chúng ta thường cho rằng sự cô đơn bắt nguồn từ chuyện mình quá im lặng, quá hướng nội hoặc quá nhút nhát, đồng thời, việc tự thúc đẩy bản thân trở nên hướng ngoại, vui tính hơn sẽ giúp kết nối nhiều hơn. May mắn thay, đối lập với cô đơn không phải là sự hướng ngoại tuyệt đối. Bạn không nhất thiết phải thay đổi tính cách của mình để được mọi người yêu quý.
Điều duy nhất mà bạn cần tránh chính là sự thụ động, bao gồm việc không giao tiếp bằng mắt, không mỉm cười, thích ngồi trong góc… Sự thụ động gửi đi thông điệp rằng bạn không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Bạn có thể trở nên tích cực hơn bằng cách thoải mái, thả lỏng cơ thể, chăm chú lắng nghe, đặt câu hỏi… Bạn không phải là một phần trong thế giới của những ồn ào, náo nhiệt, vì vậy, chỉ cần có mặt và vui vẻ là được.
Mẹo số 5 – tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn
Một trong những bí quyết giúp kết nối nhiều hơn chính là tham gia vào các hoạt động xã hội như tình nguyện, trở thành thành viên của một câu lạc bộ… để có thêm cơ hội gặp gỡ mọi người. Trước tiên, bạn nên thường xuyên tham gia các hoạt động tại cùng một địa điểm với cùng một nhóm người nhất định. Loại trừ các sự kiện chỉ diễn ra một lần hoặc hạn chế thay đổi nhóm liên tục sẽ giúp bạn tạo mối quan hệ vững chắc với những người mình hay tiếp xúc. Nền tảng để chúng ta trở thành bạn bè là gì? Chẳng phải là sự gần gũi lặp đi lặp lại hay sao?
Mẹo số 6 – trở thành lãnh đạo
Sau khi đã tham gia vào một nhóm và dần dần quen với mọi thứ, bạn hãy thử đảm nhận vai trò lãnh đạo. Vị trí này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và khả năng ứng biến xã hội, từ đó khiến chúng ta sẵn sàng va chạm thông qua việc có hàng loạt nhiệm vụ, lý do để kết nối với tất cả mọi người, ví dụ như nhắc nhở họ về các cuộc họp, lịch trình các hoạt động sắp tới…
Mẹo số 7 – Sử dụng cơn cô đơn như một gợi ý để thực hiện các kế hoạch xã hội
Khi cô đơn lại “bùng lên” vào một ngày cuối tuần nhàm chán, bạn nên sử dụng nó như một cơ hội để lên kế hoạch cho tương lai. Hãy chuẩn bị giấy, bút hoặc phần mềm nhắc nhở trên điện thoại để ghi lại một số dự định, lịch trình của các hoạt động nhằm kết nối với người khác vào tuần tới, ví dụ như ngày, giờ gặp người bạn cũ, đến câu lạc bộ yoga, tham gia một lớp học nấu ăn, cắm hoa, hội họa, kỹ năng sống…
Với 7 mẹo vô cùng đơn giản trên đây, hy vọng các bạn sẽ từng bước thực hiện “cuộc cách mạng” trong chuyện giao tiếp và kết nối xã hội của mình. Hãy nhớ rằng, những mối quan hệ luôn là khoản đầu tư không bao giờ lỗ.
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Psychology Today Ảnh: Pexels Lược dịch: Thu Trang