Làm sao để giao tiếp và gần gũi với con trẻ dễ dàng hơn?

Đăng ngày:

Giao tiếp và gần gũi với con mình nhiều hơn luôn là nỗi trăn trở của nhiều cha mẹ. Cùng ELLE tìm hiểu bí quyết cải thiện mối quan hệ giữa bạn và con nhé!

Hầu hết các lời phàn nàn của nhiều bậc cha mẹ đều xoay quanh việc những đứa con không muốn nói chuyện với mình. Việc con cái mất thiện cảm với chính cha mẹ có thể gây tổn hại đến cả bạn và đứa trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng kim chỉ nam quan trọng nhất đảm bảo sự phát triển đúng đắn về mặt cảm xúc và tâm lý của một đứa trẻ là mức độ gần gũi với con của các bậc cha mẹ. Nếu con của bạn không chịu mở lòng khi cô bé/ cậu bé buồn phiền, chứng tỏ mối quan hệ giữa bạn và con chưa được tốt lắm và cần thay đổi ngay lập tức.

Thông thường, 2 thói quen chính sau đây sẽ khiến việc giao tiếp với trẻ trở nên khó khăn hơn, thứ nhất là những cảm xúc tiêu cực của bạn, thứ hai là sự nhầm lẫn giữa đồng cảm và chia sẻ.

Một đứa trẻ thường bị căng thẳng khi cô bé/ cậu bé cảm thấy thất vọng, bị tổn thương, lo lắng hoặc tức giận, cáu gắt. Tuy nhiên, thường thì các bậc cha mẹ không muốn con mình cảm thấy buồn bã và họ khuyên nhủ đứa trẻ không nên có cảm xúc như vậy. Vì vậy, những câu nói như “con không nên nổi điên lên như vậy” sẽ được người cha/ người mẹ sử dụng trong nhiều trường hợp. Những câu nói này là sai lầm nghiêm trọng. Chúng chỉ khiến đứa trẻ cảm thấy tồi tệ hơn và xấu hổ với chính những cảm xúc đó và càng nhân đôi những cảm xúc tiêu cực. Về cơ bản, đứa trẻ đã hình thành trong trí óc non nớt của nó rằng những cảm xúc mà mình đã trải qua là sai trái. Hoặc tệ hơn, đứa trẻ tin rằng cha mẹ không hiểu mình, khiến cô bé/ cậu bé trở nên cô đơn hơn và tất nhiên điều này sẽ gây bất lợi cho bạn trong vấn đề nuôi dạy con.

Gần gũi với con 2

Ảnh: Family Nurturing Center

Vì vậy, khi thấy con mình đang trải qua những chuyện buồn, bạn nên tránh nói những câu nói sau:

“Con đừng lo lắng”.

“Không đáng để con cảm thấy như vậy”.

“Con đừng thất vọng quá!”.

“Con không nên nổi điên lên”.

“Con đang nhạy cảm quá rồi đó!”.

Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu bạn biết đồng cảm với đứa trẻ. Hãy trân trọng những cảm xúc của chúng. Biết cảm nhận không có gì là sai cả, nhưng những gì chúng hành động khi trải qua các cảm xúc tiêu cực mới kéo chúng vào rắc rối. Vì vậy, hãy sử dụng các câu như:

“Thật là một chuyện đáng lo lắng. Mẹ hiểu rồi”.

“Con đang buồn phải không? Nếu là mẹ, mẹ cũng cảm thấy như vậy”.

“Con có quyền được cảm thấy thất vọng. Mẹ cũng trải qua điều tương tự khi bằng tuổi con”.

“Con đang rất tức giận. Mẹ hiểu điều đó. Con có quyền cảm thấy thế’.

“Con đang tức giận và mẹ chắc chắn con có lý do chính đáng rồi. Mẹ muốn nghe con kể về chuyện đó”.

Gần gũi với con 1

Ảnh: Unsplash

Tất cả những gì bạn cần làm lúc đó là cho chúng thấy được sự cảm thông từ bạn, đứa trẻ sẽ cảm thấy được thấu hiểu và khả năng bạn gần gũi với con cũng được cải thiện. Tất nhiên sau một hai lần, chúng sẽ cảm thấy tin tưởng bạn và muốn bạn giúp đỡ chúng giải quyết nhiều vấn đề khác. Và trong nhiều trường hợp khác, bạn chỉ cần thể hiện sự đồng cảm để khiến con mình cảm thấy tốt hơn thôi. Chỉ cần thấy rằng bố mẹ chúng hiểu chuyện thì đứa trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn rất nhiều.

Lý giải cho lời khuyên này như sau: Sự đồng cảm sẽ tạo ra các tác động có lợi cho dây thần kinh phế vị và lập tức khiến đứa trẻ bình tĩnh lại. Dây thần kinh phế vị bắt nguồn từ tủy, là một phần của não điều khiển hệ thần kinh trung ương. Khi dây thần kinh phế vị nhận được tác động tích cực, toàn bộ hệ thần kinh trung ương trong não đứa trẻ được xoa dịu. Khi đó, cô bé/ cậu bé mới có đủ tỉnh táo để ngồi lại nói chuyện với bạn và suy nghĩ về vấn đề của chúng một cách thông suốt. Đứa trẻ cũng cảm thấy mình đang được thấu hiểu và bạn sẽ gần gũi với con nhiều hơn.

Không có bậc cha mẹ nào muốn con cái tự dằn vặt bản thân quá nhiều, luôn đóng vai nạn nhân, hay tự nghiêm trọng hóa vấn đề của chúng. Có lẽ những mong muốn đó đã ngăn cản bạn không bày tỏ được sự thấu hiểu cần có đối với cảm xúc của một đứa trẻ và dần dần bạn không thể gần gũi với con như trước. Tuy nhiên, trân trọng những cảm xúc của một đứa trẻ mới thực sự ngăn những tâm lý bất thường nảy sinh như cái tôi quá lớn hay tâm lý nạn nhân hình thành trong đứa trẻ. Sự đồng cảm, mặt khác, sẽ làm gián đoạn sự kích động của cô bé/ cậu bé và đưa bạn vào thế chủ động. Thay vì lạnh lùng đào thải các cảm xúc tiêu cực, bạn nên giúp chúng hiểu và kéo chúng ra khỏi nó.

Gần gũi với con 3

Ảnh: The Independent

Lấy ví dụ, khi về nhà chúng kể với bạn: “Mẹ ơi, lần này con không đạt kết quả cao như các bạn trong môn Thể Dục. Lúc nào thời gian chạy của con cũng cao nhất lớp và con phải làm lại nhiều lần. Con cảm thấy như mình là đứa học tệ nhất lớp vậy”.

Lúc này, sẽ có hai sự lựa chọn cho bạn. Bạn sẽ phản ứng theo kiểu thương hại hay đồng cảm.

Nếu chọn phản ứng theo kiểu thương hại, bạn sẽ nói như sau: “Tội con quá, mẹ sẽ nói chuyện với giáo viên thể dục của con. Sao thầy có thể ép con chạy đi chạy lại như vậy chứ?”.

Mặt khác, nếu chọn phản ứng theo kiểu đồng cảm, bạn sẽ trả lời: “Điều đó chắc hẳn là tệ lắm. Cái cảm giác mình là người tệ nhất đấy. Mẹ hiểu mà, mẹ cũng cảm thấy như vậy nhiều lần rồi. Nó khó chịu lắm. Nhưng con cứ tiếp tục cố gắng. Mẹ chắc chắn mọi chuyện sẽ khá hơn đấy!”.

Về cơ bản, phản ứng theo kiểu thương hại sẽ khiến bạn phải thay đổi bản chất vấn đề của đứa trẻ và khiến chúng hình thành nên tâm lý nạn nhân. Hơn nữa, bạn cũng không cần đầu tư quá nhiều về mặt cảm xúc bởi vì lúc này bạn đã tự mình giải quyết vấn đề của chúng rồi. Đây dường như là cách dễ dàng nhất. Tuy nhiên, nó sẽ khiến đứa trẻ bị phụ thuộc quá nhiều vào bạn. Bạn có gần gũi với con đấy, nhưng dường như sự gần gũi này đang đi theo chiều hướng tiêu cực. 

Gần gũi với con 6

Ảnh: Charechi

Ngược lại, phản ứng theo kiểu đồng cảm yêu cầu bạn đặt mình vào hoàn cảnh đứa trẻ để hiểu được chúng đang cảm thấy như thế nào. Khi đó, bạn sẽ phải nhớ lại cảm giác khi lúc nào mình cũng là người tệ nhất là ra sao, để bạn có thể đồng cảm với con mình. Về mặt cảm xúc, bạn đang quên đi chính mình và đặt con bạn lên trước. Khi có sự đồng điệu về mặt cảm xúc, đứa trẻ cảm thấy được thấu hiểu; chúng sẽ có đủ can đảm để thử lại lần nữa và chủ động giải quyết vấn đề của mình. Về lâu dài, bạn sẽ gần gũi với con dễ dàng hơn trong giai đoạn chúng bắt đầu phát triển nhân cách. Sự đồng cảm cũng nâng cao năng lực phục hồi của đứa trẻ. Cô bé/ cậu bé sẽ phát triển khả năng vươn lên khỏi nghịch cảnh nhiều hơn là sự nhụt chí một cách dễ dàng, nhanh chóng đầu hàng khi có những sự việc tiêu cực xảy ra với chúng. Sự thấu cảm hình thành nên một đứa trẻ dũng cảm và mạnh mẽ.

Vì vậy, hãy gần gũi với con mình. Thấu cảm và trao quyền cho con bạn nhiều hơn. Phần thưởng bạn nhận lại sẽ vô giá đấy!

Xem thêm:

Bạn sẽ làm gì khi chẳng may có mâu thuẫn với mẹ?

ELLE Women In Society: Khi người phụ nữ biết cách để hạnh phúc hơn theo thời gian

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Như Trần

Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE/ Psychology Today

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more