6 bí kíp giúp giải mã cảm xúc trong tin nhắn văn bản
Chúng ta thường hay gặp khó khăn trong việc giải mã cảm xúc của đối phương khi cả hai đang nhắn tin với nhau. Để tránh hiểu lầm, bạn nên bỏ túi một số bí kíp giúp khắc phục vấn đề này.
Với việc thiếu biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể, trong quá trình nhắn tin, chúng ta có thể hiểu sai thông điệp và thái độ của người khác và dẫn đến những hiểu lầm tai hại. Vậy làm thế nào để chúng ta biết chính xác cảm giác của một người khi chúng ta không thể nhìn thấy họ?
Dưới đây là sáu mẹo giúp bạn giải mã cảm xúc trong tin nhắn văn bản tốt hơn, hoặc ít nhất là ngăn bản thân không đi đến kết luận dựa trên bằng chứng ít ỏi.
1. hãy giả sử đó là một tin nhắn có nội dung tích cực
Đặc điểm của tin nhắn văn bản là ngắn gọn nên có rất ít thông tin để chúng ta đưa ra một kết luận nào đó. Một khuôn mặt cười hoặc một loạt các dấu chấm than có thể đảm bảo rằng cảm xúc trong văn bản là tích cực, nhưng không phải lúc nào người nhắn cũng gửi kèm các icon báo hiệu này. Thỉnh thoảng, đối phương sẽ đưa ra một vài câu bông đùa nhưng không có nghĩa là chúng mang sắc thái tiêu cực.
Hãy nhớ rằng văn bản là một phương tiện khó khăn để truyền đạt cảm xúc. Chúng không có biểu cảm trên khuôn mặt hoặc giọng nói để cung cấp cho người đọc thêm thông tin. Nếu người gửi không nói “Tôi đang tức giận”, vậy thì đừng cho rằng họ đang tức giận. Bạn nên đọc các văn bản với giả định rằng người gửi có ý định tốt bởi điều này sẽ giúp bạn luôn giữ được thái độ bình tĩnh. Nếu không, chúng ta có thể sẽ vướng vào nhiều tranh luận không cần thiết.
2. Rèn luyện nhận thức về những thành kiến vô thức
Mọi người thường không nhìn thấy cảm xúc theo cùng một cách. Những thành kiến vô thức khiến chúng ta rút ra những kết luận khác nhau dựa trên cùng một thông tin. Ví dụ, người nam và người nữ thường khác nhau về cách họ diễn giải cảm xúc của người khác. Nếu Bob viết: “Vợ tôi đã bỏ lỡ kỷ niệm 10 năm của chúng tôi”, thì đàn ông có thể nghĩ Bob đang giận dữ, trong khi phụ nữ có thể cho rằng Bob đang buồn.
Hãy cố gắng nhớ rằng những thành kiến vô thức sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ năng giải mã cảm xúc trong văn bản. Vì vậy, bạn nên học cách kiểm soát chúng, không nên tự ý suy diễn nội dung tin nhắn theo cách hiểu thông thường rồi vội vàng đưa ra kết luận.
3. Đừng cho rằng mình biết rõ cảm giác của một người
Tin nhắn văn bản không chỉ ngắn gọn mà còn không đầy đủ bởi khá nhiều thông tin bị thiếu. Khi đọc một văn bản, chúng ta có thói quen tưởng tượng mình là đối phương và bắt đầu điền vào những khoảng trống với thông tin mà chúng ta có.
Thật không may, có những khác biệt lớn trong cách cảm nhận của mỗi người, cho dù có ở trong cùng một tình huống đi nữa. Ví dụ, đối với một người lớn lên trong nghèo khó, việc kiếm được 30 đô la mỗi giờ thật sự là một niềm hạnh phúc; nhưng nếu một người khác từng là CEO của một công ty lớn, số tiền đó có thể khiến họ cảm thấy không hài lòng hoặc thậm chí chán nản.
Cảm xúc xuất hiện trong một bối cảnh nhất định phụ thuộc rất nhiều vào những quan điểm và trải nghiệm của từng người, và điều này khiến chúng ta rất khó đoán được người khác đang cảm thấy như thế nào. Vì thế, khi giải mã tin nhắn của ai đó, bạn nên tự hỏi mình có đang rút ra kết luận dựa trên thông tin cảm xúc mà người kia cung cấp hay đang đưa ra các giả định dựa trên cảm giác chủ quan của bạn trong tình huống tương tự?
4. Khám phá âm điệu cảm xúc của chính những từ đó
Những từ chúng ta sử dụng thường mang âm sắc cảm xúc. Khi đọc câu: “Tôi yêu chú mèo con tuyệt vời này”, chúng ta có thể dễ dàng kết luận rằng nó đang thể hiện cảm xúc tích cực. Còn câu: “Tôi ghét công việc khó khăn này” thì có vẻ khá tiêu cực. Vậy còn câu: “Chăm sóc chú mèo con tuyệt vời này là một công việc khó khăn” thì bạn nghĩ cảm xúc gì đang được thể hiện?
Một cách hiệu quả để hiểu rõ những văn bản chứa đựng cảm xúc lẫn lộn là sử dụng phương pháp “bag-of-words” (Tạm dịch: Mô hình túi từ). Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ suy xét, đánh giá từng từ riêng biệt. Bằng cách xem xét mức độ tích cực và tiêu cực của mỗi từ, chúng ta có thể tìm ra cảm xúc chiếm ưu thế mà người gửi tin đang cố gắng thể hiện.
5. Khám phá lý thuyết cảm xúc của bạn
Giới học thuật không phải là những người duy nhất có lý thuyết về cảm xúc; tất cả mọi người có một lý thuyết về cảm xúc, ngay cả bạn. Nói cách khác, tất cả chúng ta đều có một ý tưởng về cảm xúc đến từ đâu và ý nghĩa của chúng. Nó có thể giúp khám phá một cách có ý thức (hoặc vô thức) các giả định của bạn về cách hoạt động của cảm xúc.
Nghiên cứu chỉ ra rằng khi phát hiện một cảm xúc tiêu cực, chúng ta có nhiều khả năng nhận biết tất cả những cảm xúc tiêu cực khác. Bằng chứng này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải mã cảm xúc trong văn bản. Nếu phát hiện một người đang cảm thấy buồn, bạn có thể gần như chắc chắn rằng họ cũng đang cảm thấy lo lắng hoặc tức giận.
6. Tìm kiếm thêm thông tin
Nếu bạn đã sử dụng các mẹo ở trên mà vẫn chưa rõ về cảm xúc trong văn bản, hãy chủ động để tìm hiểu thêm thông tin. Trong một ví dụ ở trên, vợ của Bob đã bỏ lỡ kỷ niệm 10 năm của họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn yêu cầu Bob nói với bạn nhiều hơn? Bob có thể nói với bạn rằng vợ anh ta đã mất, và đó là lý do tại sao cô ấy bỏ lỡ ngày kỷ niệm của họ. Đột nhiên, chúng ta có thể tin rằng Bob đang cảm thấy buồn nhiều hơn là tức giận. Điểm mấu chốt là bạn nên cố gắng tránh những dự đoán mang tính chủ quan. Bạn cần đặt ra câu hỏi để hiểu rõ hơn về câu chuyện mà đối phương đang kể.
Chúng ta giao tiếp chủ yếu thông qua lời nói, ngôn ngữ cơ thể, nét mặt và văn bản viết. Không có các phương thức này, chúng ta có thể rất khó khăn trong việc thể hiện bản thân hoặc tương tác với người khác. Tin nhắn văn bản có thể truyền tải nhiều cảm xúc, điều quan trọng là bạn phải giải mã đúng thông điệp mà người gửi muốn nhắn nhủ.
Lược dịch: Thu Trang
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: The Minds Journal