Khi bạn mãi ôm trong lòng những áp lực và những nỗi sợ vô hình, chúng có thể trở thành một “gánh nặng” cho hệ thần kinh, gây ra những vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu, hoảng loạn (panic attack)… Điều quan trọng nhất bạn cần lưu ý lúc này đó là không nên phớt lờ những cảnh báo từ cơ thể và tâm trí. Việc nhận diện và tiếp nhận các phương pháp trị liệu phù hợp sẽ giúp bạn sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn và phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Dưới đây sẽ là 3 cách vô cùng hiệu quả và dễ thực hiện, giúp bạn giảm căng thẳng một cách nhanh chóng.
1. Thực hành thư giãn căng cơ
Thư giãn căng cơ (progressive muscle relaxation) là một phương pháp luyện tập đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả, giúp bạn giảm căng thẳng và khôi phục năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần một cách nhanh chóng. Kỹ thuật này bao gồm hoạt động tập trung vào từng nhóm cơ trên cơ thể, luân phiên căng cơ trong vài giây rồi từ từ thả lỏng. Qua đó, cơ bắp của bạn sẽ được xoa dịu, từ đó kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm (hệ thống chịu trách nhiệm giúp cơ thể thư giãn), làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp và giảm mức độ căng thẳng.
Để bắt đầu, bạn hãy ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, hít thở sâu và chậm rãi. Sau đó, bạn bắt đầu căng cơ nhẹ nhàng rồi thả lỏng từ ngón chân và dần dần di chuyển lên các nhóm cơ khác như bắp chân, đùi, bụng và cánh tay. Hãy cố gắng duy trì nhịp thở của mình và lặp lại mỗi động tác trong khoảng từ 20 đến 30 giây vài lần mỗi tuần, bạn sẽ nhận thấy một số thay đổi rõ rệt .khi các nhóm cơ đã giảm tình trạng bó tắc hay đau nhức. Đồng thời, phương pháp này còn hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu, giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ, loại bỏ các độc tố trong cơ thể và giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.
BÀI LIÊN QUAN
2. Viết ra những suy nghĩ của bạn
Viết lách không chỉ là một hoạt động giúp bạn tổ chức và sắp xếp các suy nghĩ ngẫu nhiên thành một hệ thống logic, mà còn là cách để bạn “dọn dẹp” tâm trí. Đôi khi, vì lý do cá nhân hoặc môi trường sống xung quanh, bạn không thể chia sẻ những suy nghĩ hoặc nỗi lòng của mình với người khác. Những lúc như vậy, viết lách ở một nơi riêng tư sẽ tạo ra không gian an toàn để bạn tự do bộc lộ cảm xúc và không sợ bị phán xét. Bên cạnh đó, điều này còn giúp bạn chủ động giảm tải những cảm xúc tiêu cực, bởi nếu bạn đối diện với chính mình thông qua việc viết, não bộ sẽ có cơ sở để phản ứng và phân tích kỹ lưỡng những gì bạn đang trải qua theo cách hợp lý hơn. Đây chính là cơ hội tốt để bạn nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, kiểm soát tốt trạng thái tinh thần của mình và bắt đầu “gỡ rối” những vướng mắc đang đè nén trong bạn. Hơn nữa, thường xuyên ghi lại suy nghĩ và cảm xúc cá nhân còn kích thích khả năng ngôn ngữ và cải thiện tư duy phản biện. Điều này có thể được lý giải dựa trên cơ sở khoa học rằng, các vùng trong não như Broca (nằm ở thùy trán, chịu trách nhiệm chính cho việc diễn đạt ngôn ngữ) hay vùng Wernicke (nằm ở thùy thái dương, hỗ trợ việc hiểu ngôn ngữ và nhận diện ý nghĩa của câu, từ khi nghe hoặc đọc) sẽ được kết nối chặt chẽ hơn khi bạn viết, từ đó giúp bạn hình thành khả năng sử dụng ngôn ngữ sắc bén hay xây dựng các góc nhìn đa chiều hơn trong cuộc sống.
Mặt khác, viết lách giúp chúng ta tạo dựng kết nối sâu sắc với thế giới nội tâm , từ đó hiểu rõ hơn về cảm xúc và suy nghĩ bên trong. Khi thể hiện những cảm xúc và ý tưởng trên trang giấy, bạn có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau và tìm ra những cách hiệu quả để cải thiện tâm trạng của bản thân. Để thực hành điều này, bạn có thể dành ra từ 20 đến 30 phút mỗi ngày để viết lách, rèn luyện để nó trở thành một thói quen tốt giúp cải thiện kỹ năng viết và nâng cao nhận thức, khả năng sáng tạo của bản thân.
Xem thêm
•Bói vui 12 cung hoàng đạo tháng 12/2024
•6 cảm giác bạn phải trải qua để đạt được thành công
•9 thay đổi nhỏ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày
3. Tìm thấy hy vọng trong những thử thách
Bạn có tin rằng, mọi sự kiện xảy ra trong cuộc đời đều phải diễn ra như được sắp đặt bởi bàn tay của một thế lực nào đó để giúp bạn tích lũy kinh nghiệm, trui rèn bản thân để hoàn thiện bản thân từng ngày và trở thành phiên bản hoàn hảo. Rào cản duy nhất ngăn bạn đạt được điều này chính là khả năng nhận thức của bạn, bởi trong những lúc gặp khó khăn hay không được suôn sẻ, chúng ta vô tình chìm đắm vào cảm giác tiêu cực và không đủ can đảm để nhìn nhận, đánh giá tổng thể một cách khách quan. Điều này xuất phát từ tâm lý ngại đối diện với thực tế, chưa dám rời vùng an toàn hay nghiêm túc theo đuổi ước mơ của mình.
Vì vậy, nếu bạn đang cảm thấy bản thân bị mắc kẹt trong những tình huống không mong muốn, bạn nên dành một chút thời gian để ngồi lại và suy ngẫm về những chuyện đã qua. Hãy nhớ đến những điều tốt đẹp và cả những điều không may mắn, từ đó tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi đã học được gì từ những trải nghiệm này”, “Dấu hiệu nào đáng lưu ý để tôi không lặp lại sai lầm cũ thêm một lần nữa”? Bí quyết này thực sự hữu ích, nó giúp bạn nhận ra rằng mọi thứ xảy ra trong cuộc sống đều sẽ mang lại cho bạn những kinh nghiệm sống quý giá, ngay cả khi bạn không thấy rõ điều đó lúc đầu.