Nếu gặp phải tình trạng trì hoãn, lười biếng kéo dài, nó có thể âm thầm “bào mòn” tinh thần của bạn và khiến bạn giảm hiệu suất trong công việc một cách đáng kể. Đôi khi, điều này còn làm bạn bỏ lỡ những cơ hội quý giá chỉ đến một lần trong đời. Dưới đây sẽ là 15 cách hiệu quả giúp bạn đánh bay sự lười biếng và tối ưu hóa công việc dễ dàng.
1. Xác định thứ tự ưu tiên cho công việc
Khi có quá nhiều nhiệm vụ trong thời gian ngắn, bạn dễ cảm thấy quá tải và mất phương hướng. Thay vì cố gắng làm mọi thứ cùng lúc, bạn nên sử dụng một hệ thống quản lý công việc hiệu quả để tối ưu thời gian và hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.
Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể áp dụng cách đánh giá mức độ quan trọng của công việc dựa trên thời hạn, yêu cầu từ khách hàng hoặc đồng nghiệp. Bắt đầu với nhiệm vụ quan trọng nhất không chỉ giúp bạn tránh được tình trạng trì hoãn mà còn tạo động lực cho bạn chinh phục những thử thách lớn hơn. Khi kiểm soát được thứ tự công việc, bạn sẽ làm việc theo một cách thật hiệu quả, duy trì được sự tập trung và đạt kết quả vượt mong đợi.

BÀI LIÊN QUAN
2. Chia công việc lớn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn
Những dự án quy mô lớn với khối lượng công việc đồ sộ đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy bối rối, không biết nên bắt đầu từ đâu. Điều này dễ khiến bạn trì hoãn, mất động lực và khó tập trung vào từng bước cụ thể. Để giải quyết, bạn nên chia nhỏ công việc thành các phần dễ quản lý hơn và đặt ra thời hạn hợp lý cho từng giai đoạn. Ví dụ, nếu bạn muốn hoàn thành bản thảo 60.000 từ trong một tháng, hãy tính toán số từ cần viết mỗi ngày để đạt được mục tiêu, bởi khi chia nhỏ công việc, bạn sẽ tiếp cận nó bằng tâm thế tự tin và dễ dàng hoàn thành nó một cách nhanh chóng.
3. Xác định và loại bỏ yếu tố gây xao nhãng
Chú ý đến những thứ thường khiến bạn mất tập trung và tìm cách hạn chế tối đa tác động của chúng là cách hiệu quả để bạn loại bỏ thói quen trì hoãn và lười biếng. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn làm việc tại nhà – nơi có nhiều yếu tố gây nhiễu hơn so với môi trường văn phòng. Bạn có thể đặt ra một ranh giới rõ ràng bằng cách hạn chế tiếng ồn, tránh xa tivi và nói rõ cho những người xung quanh vấn đề của mình để họ tôn trọng không gian làm việc của bạn. Nếu có điều kiện, bạn nên bố trí một góc làm việc tách biệt khỏi những tác nhân gây phân tâm bên ngoài.
Một trong những yếu tố gây mất tập trung phổ biến nhất chính là điện thoại di động. Bạn có thể khắc phục bằng cách tắt thông báo, bật chế độ máy bay hoặc đặt điện thoại ngoài tầm mắt trong lúc làm việc. Chủ động kiểm soát những yếu tố này sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và tận dụng tối đa quỹ thời gian của mình.
BÀI LIÊN QUAN
4. Tạo những khoảng nghỉ khi bận rộn
Làm việc không ngừng nghỉ không phải là cách hiệu quả để bạn đạt được năng suất cao hơn. Ngược lại, nó có thể khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi, suy giảm khả năng tập trung, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Khi bạn cố gắng ép mình làm việc liên tục, não bộ của bạn sẽ dần trở nên quá tải. Bạn sẽ cảm thấy đầu óc kém minh mẫn, dễ mắc sai lầm và mất dần khả năng sáng tạo. Áp lực này tích tụ lâu dài có thể khiến bạn rơi vào trạng thái kiệt sức, mất động lực và thậm chí gây ra những vấn đề sức khỏe như đau đầu, mất ngủ hay căng cơ do ngồi lâu.
Vì vậy, thay vì đẩy bản thân đến giới hạn, hãy thử xen kẽ những khoảng nghỉ ngắn trong quá trình làm việc. Khi bạn dành một chút thời gian để đứng dậy, vươn vai, hít thở sâu hoặc đơn giản là nhắm mắt thư giãn vài phút, não bộ của bạn sẽ được phục hồi, giúp bạn quay lại công việc với tinh thần minh mẫn và tập trung hơn.
5. Nghe nhạc
Âm nhạc không chỉ khơi gợi cảm hứng mà còn giúp bạn nâng cao sự tập trung và cải thiện hiệu suất làm việc. Daniela Sammler, một nhà nghiên cứu khoa học thần kinh nổi tiếng tại tại Viện Max Planck, đã khám phá cách thức não bộ xử lý ngôn ngữ và âm nhạc. Nghiên cứu của bà và các cộng sự vào năm 2004 đã giúp lý giải vì sao việc học nhạc có thể giúp phát triển kỹ năng ngôn ngữ, kích thích tư duy, cải thiện trí nhớ, hay hỗ trợ những bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ cải thiện khả năng giao tiếp thông qua âm nhạc.
Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp này nhằm cải thiện tình trạng lười biếng, trì hoãn, bạn không nên chọn những bài hát có ca từ hoặc nhịp điệu quá phức tạp, bởi nó có thể khiến bạn xao nhãng, làm giảm khả năng tập trung hơn ban đầu. Thay vào đó, bạn có thể thử các dòng nhạc êm dịu, nhẹ nhàng như nhạc cổ điển, nhạc không lời, âm thanh thiên nhiên. Ngoài ra, nhạc Baroque với nhịp độ khoảng 60 – 70 nhịp/phút có thể giúp bạn cải thiện khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin, vì đây là dòng nhạc nổi bật với nhịp điệu ổn định, không khiến não bộ bị kích thích quá mức và có thể đồng bộ hóa với sóng alpha – loại sóng liên quan đến trạng thái tập trung và sáng tạo.
Bên cạnh đó, mỗi người sẽ có cách tiếp nhận âm thanh khác nhau. Một số người có thể làm việc hiệu quả hơn khi có nhạc nền nhẹ nhàng, trong khi những người khác lại cảm thấy âm nhạc khiến họ phân tâm, giảm khả năng tập trung vào nhiệm vụ chính. Nếu bạn nhận thấy rằng việc nghe nhạc trong khi làm việc không giúp ích hay thậm chí còn làm gián đoạn suy nghĩ, có thể bạn phù hợp với một môi trường yên tĩnh hơn thay vì sử dụng âm nhạc như công cụ hỗ trợ.
6. Xác định mục tiêu rõ ràng
Dành thời gian để xác định rõ ràng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn sẽ giúp bạn có lộ trình cụ thể để từng bước hiện thực hóa chúng. Thay vì chỉ suy nghĩ về mục tiêu một cách vô định, bạn hãy viết chúng ra giấy hoặc lưu trong sổ tay cá nhân nhằm tạo ra cam kết vững chắc với chính mình, giúp bạn có động lực hơn để theo đuổi những gì đã đề ra.
Bạn cần đặt những mục tiêu này ở những vị trí dễ thấy, chẳng hạn trên bàn làm việc, trên tường phòng ngủ hoặc bất kỳ nơi nào bạn thường xuyên lui tới. Điều này đóng vai trò như một lời nhắc nhở mỗi ngày về những gì bạn đang hướng tới và lý do bạn bắt đầu hành trình này. Khi gặp khó khăn, mất động lực hay cảm thấy lười biếng, việc nhìn lại những mục tiêu đã đề ra có thể giúp bạn lấy lại tinh thần và dũng cảm bước tiếp.
Một tầm nhìn rõ ràng về thành công sẽ giúp bạn tránh bị xao nhãng bởi những yếu tố bên ngoài. Khi biết chính xác mình cần làm gì, bạn sẽ dễ dàng tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng nhất, kiên trì với con đường mình đã chọn, thay vì bị cuốn vào những công việc không mang lại giá trị lâu dài.
7. Vận động nhiều hơn
Nếu bạn vận động thường xuyên, bạn sẽ nhận được vô số lợi ích cho sức khỏe như tuần hoàn máu được cải thiện, não bộ nhận được nhiều oxy hơn, tăng cường các hormones hạnh phúc và tránh được cảm giác trì trệ, mệt mỏi.
Do đó, khi công việc yêu cầu bạn ngồi trong thời gian dài, bạn nên tìm cách điều chỉnh để duy trì được thói quen vận động của bản thân. Một giải pháp hiệu quả trong tình huống này là sử dụng bàn đứng (standing desk) để bạn có thể thay đổi linh hoạt giữa tư thế ngồi và đứng, từ đó giảm căng cơ, mỏi lưng và các vấn đề về xương khớp.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng phương pháp Pomodoro để tránh tình trạng ngồi lâu liên tục. Theo phương pháp này, bạn cần làm việc thật tập trung trong 25 – 50 phút, sau đó dành 5 – 10 phút để di chuyển, đứng dậy đi lại hoặc thực hiện một vài động tác thể dục cơ bản. Từ đó, cơ thể bạn sẽ trở nên linh hoạt hơn và duy trì được sự tập trung cao độ trong công việc.
Xem thêm
• 6 cách giữ gìn vóc dáng cho những nàng lười vận động
• Thời trang công sở và 7 công thức “mì ăn liền” cho ngày lười biếng
• Tìm hiểu về năng suất độc hại và cách khắc phục tình trạng này
8. Tự thưởng cho bản thân
Đặt ra những phần thưởng nhỏ là một cách hiệu quả để duy trì động lực của tất cả chúng ta trong công việc. Khi biết rằng mình sẽ nhận được một phần thưởng xứng đáng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bạn sẽ dễ dàng tập trung và đối mặt với những thử thách một cách linh hoạt hơn.
Những phần thưởng này không cần quá lớn, nhưng chúng phải giúp bạn có thêm hứng khởi để làm việc với tâm thế tích cực hơn và biến công việc thành một mục tiêu để chinh phục thay vì chỉ là nghĩa vụ cần hoàn thành. Tuy nhiên, bạn còn cần đảm bảo rằng hành động này sẽ không trở thành lý do để bạn trì hoãn công việc. Nếu không kiểm soát tốt, bạn có thể rơi vào tình trạng “tự thưởng quá đà”, khiến bản thân mất tập trung, kéo dài thời gian hoàn thành nhiệm vụ và làm giảm hiệu suất của cá nhân và tập thể.
9. Chia nhỏ thời gian
Thay vì cố gắng làm việc liên tục trong nhiều giờ, bạn nên chia nhỏ thời gian thành các chu kỳ từ 30 – 60 phút tập trung, sau đó dành vài phút để nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Khoảng thời gian nghỉ này rất quan trọng vì nó giúp giảm căng thẳng cho não bộ, cải thiện khả năng tập trung và duy trì động lực làm việc lâu dài. Bạn có thể tận dụng thời gian này để uống nước, vươn vai, đi lại hoặc trò chuyện nhanh với đồng nghiệp nhằm tránh cảm giác quá tải trước những nhiệm vụ lớn, giữ vững động lực, giúp công việc trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.
10. Theo dõi thói quen tốt bằng hình ảnh trực quan
Sử dụng công cụ trực quan để theo dõi tiến trình là một cách hiệu quả giúp bạn thoát khỏi tình trạng lười biếng, duy trì động lực và xây dựng thói quen bền vững. Khi có thể nhìn thấy sự tiến bộ của mình mỗi ngày, bạn sẽ dễ dàng cam kết với mục tiêu hơn và hạn chế nguy cơ từ bỏ giữa chừng.
Bạn có thể tham khảo “Seinfeld Strategy”, phương pháp danh hài Jerry Seinfeld sử dụng để rèn luyện thói quen viết lách hằng ngày. Chỉ cần đánh dấu “X” vào lịch sau khi hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng, bạn sẽ không muốn phá vỡ nhịp độ và có thêm động lực để tiếp tục.
Ngoài lịch giấy, bạn có thể tận dụng các công cụ kỹ thuật số để theo dõi tiến trình một cách hiệu quả và linh hoạt hơn. Nếu thích cách ghi chép truyền thống, bạn có thể sử dụng sổ tay cá nhân để ghi lại những cột mốc quan trọng và điều chỉnh chiến lược khi cần. Dù chọn phương pháp nào, việc trực quan hóa quá trình phát triển không chỉ giúp bạn kiểm soát tốt mục tiêu của mình mà còn tạo thêm động lực để duy trì sự kiên trì và nỗ lực hơn mỗi ngày.
11. Thực hành chánh niệm
Nếu quan tâm đến thiền định, bạn có thể bắt đầu với các bài thiền ngắn, kết hợp với nhạc thiền nhẹ nhàng hoặc sử dụng các ứng dụng hỗ trợ trên điện thoại thông minh để được hỗ trợ, cung cấp hướng dẫn chi tiết, giúp bạn dễ dàng làm quen với thiền ngay cả khi chưa có kinh nghiệm. Bạn có thể lựa chọn thiền theo nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như thiền tập trung vào hơi thở, thiền quét cơ thể (body scan) để thư giãn toàn bộ cơ thể, hoặc thiền chánh niệm để rèn luyện sự tập trung vào hiện tại.
Nếu bạn cảm thấy khó ngồi yên trong một khoảng thời gian dài, bạn có thể thử thiền khi đi bộ, từ đó chậm rãi quan sát từng bước chân, nhịp thở… nhằm giúp tâm trí trở nên tỉnh táo và nhẹ nhàng hơn. Với hoạt động thiền, chỉ cần dành ra 5 – 10 phút mỗi ngày, bạn sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi trong tâm trạng, khả năng kiểm soát cảm xúc và hiệu suất làm việc của mình.
12. Lên kế hoạch công việc từ tối hôm trước
Nếu bạn có một lịch trình bận rộn hoặc phải xử lý nhiều nhiệm vụ quan trọng, việc lên kế hoạch từ tối hôm trước là một chiến lược hiệu quả để đảm bảo một ngày mới trôi chảy. Bạn có thể áp dụng Ma trận Eisenhower – phương pháp sắp xếp công việc giúp bạn phân loại mọi thứ cần hoàn thành thành bốn nhóm: quan trọng và khẩn cấp (cần thực hiện ngay), quan trọng nhưng không khẩn cấp (cần lên kế hoạch để thực hiện), không quan trọng nhưng khẩn cấp (có thể ủy quyền hoặc xử lý nhanh) và không quan trọng và không khẩn cấp (nên loại bỏ hoặc hạn chế). Điều này giúp bạn tập trung vào những nhiệm vụ thực sự cần thiết và tránh bị phân tán năng lượng vào những việc không quan trọng.
13. Xây dựng thói quen khởi động trước khi làm việc
Buổi sáng là thời điểm đặt nền móng cho cả ngày, do đó khi bạn bắt đầu ngày mới bằng hoạt động khiến bạn vui vẻ, bạn sẽ dễ dàng duy trì tâm trạng tích cực và có động lực làm việc hơn. Bạn có thể lựa chọn một hoạt động phù hợp với sở thích và lối sống của mình, như bắt đầu ngày mới bằng một bản nhạc êm dịu, một bài tập yoga, đi bộ nhanh hoặc vài động tác kéo giãn… giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn. Điều quan trọng bạn cần ghi nhớ đó là tránh bắt đầu ngày mới trong tình trạng vội vàng hoặc căng thẳng. Nếu ngay từ sáng, bạn đã lao ngay vào công việc với sự hối hả, tinh thần sẽ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng và mất kiểm soát. Ngược lại, một khởi đầu thuận lợi sẽ giúp bạn duy trì sự tập trung, sáng tạo và giữ vững năng lượng tích cực trong suốt cả ngày làm việc.
14. Tìm một người bạn đồng hành
Có một người cùng đồng hành, giám sát tiến trình sẽ giúp bạn xua tan cảm giác lười biếng, duy trì động lực và cam kết với mục tiêu đã đặt ra. Đó có thể là đồng nghiệp, bạn bè hoặc thành viên gia đình – những người có thể là chỗ dựa đáng tin cậy để bạn chia sẻ kế hoạch, cập nhật tiến độ và nhận được phản hồi khách quan. Sự hỗ trợ này không chỉ giúp bạn nâng cao trách nhiệm với mục tiêu mà còn được tiếp thêm động lực trong những giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, mỗi người đều có những cách nhìn nhận và tiếp cận vấn đề khác nhau. Vì vậy khi bạn tương tác với những người bạn đồng hành tích cực, bạn sẽ tiếp nhận được những góc nhìn mới, giúp mở rộng tư duy và nhận thức về thế giới xung quanh.
15. Dành thời gian nhìn lại vào cuối ngày
Cuối ngày, bạn hãy dành ra một chút thời gian để điểm lại danh sách công việc đã hoàn thành nhằm đánh giá bản thân một cách khách quan, nhận ra những điểm mạnh và những khía cạnh cần cải thiện. Từ đó, bạn sẽ thấy rõ những bước tiến đầy ý nghĩa, thay vì chỉ tập trung vào việc bạn chưa hoàn thành.
Bên cạnh đó, thói quen này còn giúp bạn cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm căng thẳng và duy trì sự lạc quan. Nó như một liều “dinh dưỡng tinh thần” hỗ trợ bạn khởi động ngày mới với tâm thế tốt nhất, tạo ra một hiệu ứng dây chuyền tích cực trong cuộc sống cá nhân của bạn.
Nhóm thực hiện
Bài: An Khang
Tham khảo: Indeed