Có lẽ bạn từng có dịp chứng kiến hoặc thấy trên phim ảnh những nụ hôn má nồng nhiệt của đôi bạn thân trên quảng trường La Mã, hay giữa một nhóm người lạ mới quen đâu đó trên bãi biển Rio de Janeiro. Có lẽ bạn cũng đã được ai đó hôn nhẹ lên má, và băn khoăn tự hỏi nụ hôn ấy có ý nghĩa gì, hay mình phải đáp trả bằng cách hôn ra sao.
Cách hôn má chào hỏi không phải môn khoa học gì cao siêu, mà là cả một nền nghệ thuật đại chúng. Hiểu về phong tục, chuẩn mực của những chiếc hôn trên thế giới là điều cần thiết, đặc biệt nếu bạn đi du lịch, di cư, hay có đồng nghiệp, bạn bè là người ngoại quốc. Hãy cùng ELLE tìm hiểu bí quyết hôn má thuần thục của dân “pro” ngay thôi, vì hôn chào hỏi sai cách (dù bạn không cố tình có ý xấu gì) dễ dẫn đến nhiều tình huống khó xử, thậm chí là xúc phạm người khác đấy!
Cách hôn chào lên má xuất phát từ đâu?
“Trong thư tín gửi người La Mã, Thánh Paul đã hướng dẫn các tín đồ: hãy chào nhau bằng một nụ hôn thánh”, nhà ngoại giao Andy Scotts suy đoán về nguồn gốc của truyền thống hôn má trong cuốn sách One Kiss or Two?: In Search Of The Perfect Greeting (tựa Việt tạm dịch: Hôn một hay hai?: Đi tìm lời chào hoàn hảo). Thánh Paul thường được biết đến ở Việt Nam với tên phiên âm “Thánh Phaolô”, hay “Xanh Pôn” (phiên âm từ “Saint Paul” – từ tiếng Anh của Thánh Paul).
Qua thời gian, có lẽ cách hôn chào hỏi môi chạm môi của người La Mã cổ đại đã phát triển thành một nụ hôn lên má. Cách giải thích nguồn gốc này cũng lý giải được tại sao cái hôn lên má thay lời chào lại phổ biến ở nhiều nước thiên về Công giáo. Dù chỉ khá quen thuộc ở một số khu vực Trung Đông và châu Á, nụ hôn chào lên má hiện diện khắp nơi ở châu Âu và châu Mỹ – Latinh.
Tác giả Andy Scotts cũng lần theo “dấu vết” của nụ hôn trong lịch sử, trở về với một phong tục của nông dân đã được giới thượng lưu kế thừa khi tầng lớp thấp hơn bắt đầu di cư đến các thành phố lớn. Ông cho rằng du khách dễ bắt gặp cách hôn chào hỏi ở các thị trấn, làng mạc thôn quê hơn là ở các đô thị xa hoa.
“Nguyên lý vận hành” của những chiếc hôn má
Đến cả từ vựng chỉ nụ hôn cũng có những nét quyến rũ riêng trong từng ngôn ngữ. Nụ hôn là “el beso” trong tiếng Tây Ban Nha, là “beijo” ở Brazil, “beijinho” ở Bồ Đào Nha, hay “beso-beso” ở Philippines. Tuy đa dạng về tên gọi, “nguyên lý vận hành” của chúng về cơ bản là như nhau.
Bạn bắt đầu bằng cách nghiêng người đến hôn lên má phải của đối phương, sau đó chuyển sang má trái. Chuyển tiếp liên tục phải – trái nếu cần hôn nhiều hơn. Nhớ chú ý ngoại lệ ở nước Ý, vì nụ hôn của họ, “il bacio”, bắt đầu từ bên trái.
Dù một số nền văn hoá có chấp nhận cách hôn áp môi trực tiếp chạm lên má đối phương, tốt hơn hết là bạn nên hạn chế hành động chào hỏi hơi nhiệt tình thái quá này. Thay vào đó, hãy chạm má mình vào má người đó và môi thì hôn vào không khí. Đồng thời, tạo một âm nhanh hôn thật nhẹ, chứ đừng “chụt” kêu một tiếng rõ to vào tai người khác.
Hãy né xa tất cả các thao tác, cách hôn có thể dẫn dến trao đổi… nước bọt. Tại sao lại thế? Có người cho rằng đó là vì son môi, người khác lại khẳng định chắc chắn là để tránh lây lan vi khuẩn. Chuyện có thật vào năm 2009: Nhiều cơ quan tại Pháp đã ban hành một lệnh cấm hôn tạm thời để ngăn chặn dịch H1N1 bùng phát, theo đưa tin của tờ Telegraph.
Khi chào hỏi, cái đầu thì đang bận rộn để hôn rồi, nhưng còn các bộ phận khác của cơ thể thì sao? Nếu chọn cách hôn má đứng từ xa với hai tay khép dọc theo thân người, bạn sẽ tạo cảm giác mình xa cách, không thân thiện cho người đối diện. Nếu đó là người bạn quen thân, một cái ôm khi hôn chào nhau hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng hãy cẩn thận trường hợp bạn tiến đến để ôm người đó, nhưng họ lại hôn bạn vì tưởng hai người sẽ hôn chào, và hiểu lầm đáng yêu khiến cả hai va mặt vào nhau rõ mạnh. Với những mối quan hệ ít gần gũi hơn, bạn chỉ cần đặt tay lên vai người đối diện thật nhẹ nhàng là đủ.
Chuyên gia nghi lễ Lydia Ramsey khuyên chúng ta nên bắt chước theo hành động của đối phương một cách thoải mái, không nên gồng mình giữ lại hay hành xử luống cuống. Hãy chấp nhận và đáp trả lời chào hỏi của người khác thật tự nhiên, không nên để họ thấy bạn cứng đơ hết cả người vì ngại.
Cách hôn má: Hôn bao nhiêu là đủ?
Cách hôn không phải chỉ có mỗi chuyện lúc nào thì đưa má ra hay lúc nào cần xoay má. Số nụ hôn trao nhau trong mỗi lần chào hỏi cũng rất quan trọng. Chỉ tính riêng ở Pháp, con số này đã dao động đáng kể giữa các tỉnh thành. Trang CN Traveller trích lại kết quả cuộc khảo sát 100.000 công dân Pháp trên mạng năm 2014, cho thấy người dân thành phố Paris coi 2 nụ hôn lên má là chuẩn mực chào hỏi, 3 nụ hôn là tiêu chuẩn ở Provence và hôn chào 4 cái cả thảy ở khắp vùng thung lũng sông Loire.
Để giúp bạn tiết kiệm thời gian tìm hiểu cách hôn, ELLE đã thống kê số nụ hôn lên má trong mỗi lần chào hỏi ở một số quốc gia rồi đây:
- Hôn má 1 lần: Colombia, Argentina, Chile, Peru và Philippines.
- Hôn má 2 lần: Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Đức, Hungary, Romania, Croatia, Bosnia, Brazil (có thể khác ở một số vùng, như trường hợp của Pháp) và một số nước Trung Đông (không hôn nếu khác giới).
- Hôn má 3 lần: Bỉ, Slovenia, Macedonia, Montenegro, Serbia, Hà Lan, Thụy Sĩ, Ai Cập và Nga (đi kèm một cái ôm nồng hậu).
Thể hiện thiện chí bằng những chiếc hôn
Ở châu Mỹ – Latinh, cách hôn lên má chào ai đó bạn vừa mới gặp là chuyện bình thường, tương tự như hành động bắt tay ở Mỹ hay Vương quốc Anh. Hôn má cũng là thông lệ khi gặp gỡ ở đa số các nước châu Âu, nhưng vẫn còn một số quốc gia không áp dụng hình thức chào hỏi đó. Nếu bạn được ai đó tiến đến hôn chào và không chắc mình nên hôn mấy cái là phù hợp, tốt nhất là hãy hôn má họ 2 lần.
“Điều kỳ lạ là ở nhiều nơi, số nụ hôn và sự thân thiết, gần gũi giữa hai đối tượng lại có quan hệ nghịch đảo. Như thể bằng cách nào đó, nụ hôn thứ hai xoá bỏ mất ý nghĩa của nụ hôn đầu tiên. Thay vì là dấu hiệu của sự thân mật, hôn má nhiều lần lại mang tính hình thức nhiều hơn”, nhà ngoại giao Andy Scotts đưa ra cách nhìn nhận khá thú vị về số nụ hôn.
Những động lực về giới cũng là điều quan trọng bạn cần cân nhắc. Ở châu Âu và châu Mỹ – Latinh, cách hôn má để chào hỏi giữa hai người phụ nữ hay một nam một nữ đều được chấp nhận rộng rãi. Nụ hôn chào giữa hai người đàn ông tuy hiếm hơn một chút, nhưng cũng được thực hiện ở một số nơi như Argentina, Serbia và miền Nam nước Ý. Dĩ nhiên, nụ hôn giữa nam và nữ lại thường không được chấp nhận ở các quốc gia có tôn giáo bảo thủ, còn hai người đàn ông hôn má nhau vẫn hoàn toàn được hoan nghênh.
Các quy chuẩn văn hóa có vẻ hết sức rắc rối, vì không thể có một chuẩn mực chung cho toàn cầu. Dù vậy, các chuyên gia văn hóa khuyến khích chúng ta nên chủ động tham gia, thực hành tập quán của nhiều quốc gia, khu vực mỗi khi có cơ hội. Thông thường, thực hiện một việc gì đó, dù vô tình làm sai, vẫn mang đến nhiều giá trị cho đôi bên hơn là né tránh nó hoàn toàn. Nụ hôn lên má để chào hỏi khi gặp mặt cũng y như thế. Ngay cả khi lộ rõ vẻ bối rối, lúng túng, nỗ lực giao tiếp theo văn hoá của người khác sẽ cho thấy bạn tôn trọng họ và có thiện chí tìm hiểu những giá trị tốt đẹp của đối phương.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: CN Traveller