Khắc phục 9 áp lực công việc gây ra sự chán nản
Bạn có biết áp lực, stress, chán nản, mệt mỏi là những cụm từ luôn xảy ra trong mọi môi trường làm việc? Nhưng bạn đã biết cách xử lý những khủng hoảng ấy hay chưa?
1. Áp lực công việc vì không đạt KPI, target các thể loại:
KPI và Target là những chỉ số mà các công ty thường dùng để đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên. Trong công việc, những chỉ số này thường xuyên tạo ra áp lực cho mỗi nhân viên, nhưng hãy suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Chúng chính là những chỉ số giúp bạn làm việc nỗ lực và sáng tạo hơn.
Nếu như bạn đã làm việc hết sức mình nhưng vẫn không đạt được các chỉ số đề ra, hãy chuẩn bị những lý do khách quan như: biến động thị trường, chính sách công ty, thay đổi nhân sự, đối thủ cạnh tranh… Hẳn công ty nào cũng muốn nghe những phân tích này từ bạn. Từ đó bạn có thể đề xuất những giải pháp để thay đổi tình huống, đồng thời giúp làm giảm căng thẳng.
.
2. Mệt mỏi vì khối lượng công việc nhiều, làm mãi không hết việc:
“Don’t work hard, work intelligent”. Các bạn nên nhớ câu này, làm việc chăm chỉ không giúp bạn trở thành một nhân viên giỏi nhất. Công việc thì lúc nào cũng nhiều, chúng ta cần biết sắp xếp một cách khoa học để tránh những áp lực công việc không đáng có. Hãy biết ưu tiên việc nào làm trước, việc nào làm sau; lúc nào làm việc này, lúc nào làm việc kia; deadline của từng công việc cụ thể như thế nào; công việc nào làm xong rồi thì gạch ngang và đưa ra khỏi danh sách những công việc cần làm. Hôm nay chưa làm xong việc thì cũng phải để ngày mai làm tiếp, vì ngoài công việc ra, bạn rất cần thời gian dành cho bản thân và gia đình.
3. Đau mỏi do ngồi máy tính quá lâu, mắt chỉ muốn đi ngủ:
Nếu mỏi mắt quá thì hãy đứng dậy đi vệ sinh, hoặc đi uống nước, hoặc rủ đồng nghiệp xuống canteen mua gì đó để nhâm nhi và thư giãn. Việc đứng dậy đi lại sẽ giúp cơ thể bạn được vận động. Một ly cafe giữa giờ cũng sẽ giúp bạn thư thái và không bị buồn ngủ nữa.
4. Chán vì công việc mang tính lặp đi lặp lại:
Nhiều người thích công việc lặp đi lặp lại để khỏi phải động não, nhưng phụ nữ hiện đại thường thích những công việc mang yếu tố thử thách một chút. Nếu bạn cảm thấy công việc đang đi vào lối mòn và có tính nhàm chán, hãy tự mình tìm tòi phương pháp làm việc mới, hoặc chủ động xin sếp được đảm nhận thêm một vài dự án mà bạn cảm thấy thú vị. Nếu không, hãy đầu tư thời gian để học một kỹ năng nào đó. Việc tạo ra được một hoạt động mới sẽ giúp bạn nạp lại năng lượng cho trí óc.
.
5. Bị cấp trên khiển trách:
Đôi lúc bạn bị khiển trách vì lỡ phạm phải một điều gì đó. Nên nhớ đây là điều không thể tránh khỏi vì chúng ta không ai hoàn hảo. Vì thế bạn không nên tỏ ra mình bị tổn thương, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Việc thể hiện mình bị tổn thương chỉ chứng tỏ bản lĩnh trong công việc của bạn quá yếu kém và không hề có tính chuyên nghiệp. Thay vì cảm thấy bị tổn thương, hãy lấy đó làm động lực để hoàn thiện bản thân hơn.
6. Bị đồng nghiệp cô lập, không hỗ trợ trong công việc:
Có lẽ bạn cần phải có một sự thay đổi. Hãy quan sát nhiều hơn tính cách của mọi người xung quanh. Hãy cố gắng hòa đồng và trở thành một phần của tập thể ấy. Bạn không thể làm một mình công việc của nhiều người. Sự hỗ trợ trong công việc là rất cần thiết, nên việc kết thân với một ai đó và nhờ họ kết nối bạn với những người còn lại là điều nên làm. Hãy đánh du kích nếu không thể tổng tấn công!
7. Lương thấp so với tính chất công việc và khả năng cá nhân:
Trong trường hợp này, bạn hãy lấy ra một tờ giấy, rồi liệt kê những điều bạn thích trong công việc, những cơ hội mà bạn có được, những lợi ích khác mà công việc bạn đang làm mang lại, rồi đem so sánh với một danh sách khác những điểm bạn chưa hài lòng, chi phí cơ hội nếu bạn xin việc ở nơi khác. Bạn có thể trao đổi với cấp trên về việc nâng lương cho bạn khi cần thiết. Sau cùng, nếu bạn vẫn cảm thấy bản thân bị thiệt thòi khi làm việc ở công ty hiện tại, hãy tìm kiếm cơ hội ở những nơi có khả năng đánh giá cao giá trị kiến thức, kinh nghiệm, bằng cấp và sự tận tâm của bạn.
.
8. Điều kiện làm việc không đạt chuẩn:
Rõ ràng là bạn cần đề bạt với cấp trên, nói rõ những điều bạn muốn và giải thích sự cần thiết ra sao để điều kiện làm việc của bạn được cải thiện. Nếu sếp bạn là người biết lắng nghe và cùng bạn thay đổi tình huống, bạn sẽ cảm thấy ý kiến của mình rất được coi trọng. Nếu không, bạn có thể đi tìm một môi trường làm việc mới.
9. Không thấy tương lai thăng tiến tại nơi làm việc:
Không một nhân viên nào thích gắn bó lâu dài trong một môi trường mà ở đó, họ không nhìn thấy một cơ hội thăng tiến nào, ít ra là trong khía cạnh lương bổng. Ngày nay, phụ nữ thông minh và cầu tiến, họ còn có tham vọng thăng tiến cả ở khía cạnh vị trí và chức vụ. Sự thăng tiến không những có tác dụng khích lệ và động viên tính sáng tạo, mà còn giúp nhân viên phát huy năng lực tiềm ẩn khi được trao thêm quyền và trách nhiệm. Sự thăng tiến cũng đồng nghĩa với việc sự nghiệp của bạn đang phát triển chứ không bị giậm chân tại chỗ.
Hi vọng qua bài viết này, các bạn có thể rút ra được cho mình một số bài học quý báu trong vấn đề xử lý khủng hoảng trong công việc.
—
Xem thêm
3 vấn đề giúp tìm hiểu bản thân trong công việc
Bài: Ngọc Minh / Ảnh minh họa: sưu tầm