Phải làm gì để bản thân không chán nản công việc hiện tại?
Ít nhất một lần, bạn sẽ phải trải qua cảm giác chán nản công việc hiện tại. Vậy, khi đó, phải làm như thế nào để lấy lại tinh thần làm việc đây?
Khá nhiều người khi đi làm sẽ ít nhất một lần có suy nghĩ chán nản công việc hiện tại, tuy nhiên, họ lại không thể từ bỏ nó một cách dễ dàng được. Vậy nên, cách duy nhất mà bạn có thể làm là thay đổi suy nghĩ của bản thân về công việc đó. Thay đổi góc nhìn có thể khiến thời gian bạn dành cho sự nghiệp trở nên có ý nghĩa và thú vị hơn. Dưới đây, ELLE sẽ cùng bạn tìm hiểu những cách giúp bạn “tích cực hóa” thái độ làm việc của mình nhé!
1. Hãy ngưng nói xấu sếp
Bạn nghĩ mình có thể xả stress khi ngồi cùng một nhóm và nói xấu sếp của mình. Thật ra, điều đó là hoàn toàn ngược lại, Amy Cooper Hakim, đồng tác giả cuốn sách Working With Difficult People đã khẳng định như vậy. Những nhóm nhỏ như thế rất thiếu chuyên nghiệp, họ có thể đẩy bạn vào tình thế ghét bỏ công việc nhiều hơn, cũng như chẳng thể giúp bạn xoay chuyển công việc hiện tại theo hướng tích cực được. Vậy, bạn nên làm gì để giải tỏa căng thẳng đây? Hãy nói chuyện cùng với người bạn thân của bạn, tốt nhất cô ấy không nên làm chung công ty với bạn nữa nhé! Họ sẽ ở bên lắng nghe bạn, chắc chắn cũng sẽ đưa ra lời khuyên khách quan hơn đồng nghiệp của bạn. Hơn nữa, bạn nên cân nhắc đặt mốc thời gian phàn nàn chỉ trong 10 phút thôi, để sự bực dọc của bạn không bị biến thành một điều quá tiêu cực.
2. Xác định ít nhất một điểm tốt về công việc
Dù đó không phải là công việc trong mơ của bạn, nhưng chắc chắn nó phải có mặt tốt nào đó. Có thể đó là được làm việc cùng bạn thân của bạn, hoặc chỗ làm chỉ cách nhà bạn có 10 phút đi xe. Tập trung vào những điểm tích cực sẽ giúp công việc mà bạn cho là nhàm chán trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, khi bạn tìm kiếm một điều gì đó từ công việc để thể hiện sự biết ơn, một ngày làm việc của bạn cũng trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Bất cứ khi nào bạn tìm được điểm cộng của công việc hiện tại, hãy ghi nó vào một quyển sổ hay điện thoại của mình. Có ngay một danh sách như vậy để nhìn vào mỗi khi chán nản công việc sẽ giúp bạn có góc nhìn mới mẻ và thiện cảm hơn đấy!
3. Tự khen thưởng bản thân
Thú cưng được cho ăn khi chúng ngoan ngoãn, và trẻ con cũng được khen thưởng khi chúng hành xử đúng đắn, vậy tại sao bạn không tự thưởng cho chính mình? Hãy tự đề ra các mục tiêu nhỏ về thái độ làm việc mà bạn có thể tự đánh giá và thực hiện được. Lấy ví dụ, bạn có thể thử thách bản thân không phàn nàn quá nhiều trong vòng một tuần hoặc không tỏ thái độ thiếu thành ý với sếp khi được giao một công việc mà bạn tự cho là vô nghĩa. Sau đó, khi bạn đã hoàn thành các mục tiêu trên, hãy tự thưởng cho mình một bữa tối thịnh soạn, một ngày đi spa hay một buổi tối chăm sóc tay chân tại tiệm làm móng yêu thích. Bạn sẽ dễ dàng hoàn thành các mục tiêu của mình nếu bạn biết bạn sẽ nhận được phần thưởng ngay sau đó. Hơn nữa, những mục tiêu như loại bỏ những lời phàn nàn và những suy nghĩ tiêu cực khỏi tâm trí cũng khiến bản thân yêu thích, bớt chán nản công việc hiện tại hơn nữa đó!
4. Hãy tự tham gia vào một trọng trách mới ở công ty
Đã rất lâu rồi bạn không được thử sức mình ở những lĩnh vực khác nhau trong công ty? Hãy tìm cách mở rộng trách nhiệm của chính bạn nhé! Nếu bạn đã thường xuyên chạy việc vặt cho sếp, hãy thử hỏi sếp liệu bạn có thể tham gia thuyết trình về một dự án mới cho khách hàng hay không. Không những việc này có thể giúp bạn đạt được những bước tiến nhất định trong công việc, mà nó còn thử thách bạn ở những lĩnh vực mới lạ hơn, khiến bạn cảm thấy hài lòng hơn và dẹp bỏ cảm giác chán nản công việc hiện tại đó!
5. Thắp lửa niềm vui
Một trong các cách dễ dàng nhất để “tích cực hóa” thái độ làm việc là thực hiện một hành động vui vẻ vào thời gian bạn cảm thấy chán nản công việc nhất. Những cảm xúc phấn chấn, vui vẻ khi bạn được làm điều mình thích, hãy đem chúng vào những giờ làm việc hành chính tại công ty nhé! Vậy nên, đừng ngần ngại lên kế hoạch cho một hoạt động nào đó mà bạn yêu thích mỗi tuần và thực hiện nó để lấy lại hứng khởi cho những ngày làm việc tiếp theo.
—
Xem thêm:
Lược dịch: Như Trần
Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE/ Cosmopolitan