7 cách giúp bạn kiểm soát cái tôi để đạt được thành công

Đăng ngày:

Khi được bộc lộ đúng mức, cái tôi có thể trở thành nguồn động lực thúc đẩy bạn vươn tới thành công. Trái lại, nếu cái tôi trở nên quá lớn và chi phối bạn, nó sẽ dễ khiến bạn mất đi khả năng đánh giá toàn diện và bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá để phát triển bản thân.

Bằng việc học cách kiểm soát cái tôi, bạn có thể mở ra những cơ hội mới để trưởng thành và phát triển. Sau đây là 7 lời khuyên hữu ích giúp bạn từng bước nâng cao khả năng này và đạt được thành công như mong đợi. 

Cái tôi và những ảnh hưởng tiêu cực đến sự thành công 

Cái tôi là sự tự nhận thức của mỗi người về tư cách, phẩm chất và giá trị của chính mình. Bên cạnh các tác động tích cực, nó còn có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực cho quá trình chinh phục thành công. Khi bị cái tôi lấn át, bạn sẽ dễ bị chi phối bởi niềm tin cá nhân, từ đó đánh mất khả năng đánh giá toàn diện, thường đưa ra những quyết định thiếu lý trí và bỏ lỡ những cơ hội quý giá.

cô gái váy đen có cái tôi cao

Ảnh: Pexels/Mert Coşkun

Cái tôi quá lớn cũng khiến một người từ chối lắng nghe và tiếp nhận những đóng góp từ mọi người xung quanh, gây cản trở cho quá trình học hỏi và phát triển. Ngoài ra, những người bị cái tôi kiểm soát còn có xu hướng ưu tiên nhu cầu và mong muốn của bản thân hơn người khác, dẫn đến nguy cơ làm rạn nứt các mối quan hệ.

Về lâu dài, những tác động này có thể ngăn cản mỗi người phát huy tối đa tiềm năng của mình. Vì vậy, nếu muốn đạt được thành công, những ai dễ bị ảnh hưởng bởi cái tôi nên chủ động tìm kiếm các biện pháp phù hợp để kiểm soát nó.

Những lời khuyên hữu ích giúp bạn kiểm soát cái tôi

1. Xác định nguyên nhân làm cái tôi bị kích động

Một số tình huống phổ biến khiến bạn bộc lộ cái tôi quá mức là nhận được đánh giá tiêu cực, bị chỉ trích, phê bình trước tập thể hoặc không được công nhận. Xác định rõ đâu là yếu tố gây kích động cái tôi sẽ giúp bạn kiểm soát phản ứng và quản lý cảm xúc tốt hơn trong những tình huống đó. Ví dụ, nếu biết rằng lời phê bình sẽ ảnh hưởng đến cái tôi của mình, bạn có thể cố gắng lắng nghe và phản hồi với thái độ cởi mở, thay vì tỏ ra phòng thủ hay bác bỏ. Điều này không chỉ góp phần giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực mà còn tạo điều kiện để bạn nâng cao hiệu quả công việc.

2. Thực hành chánh niệm và tự nhận thức

cô gái thực hành chánh niệm

Ảnh: Pexels/Sergey Makashin

Thực hành chánh niệm và tự nhận thức là hai phương pháp hiệu quả giúp bạn kịp thời nhận ra các yếu tố kích động cái tôi. Từ đó, bạn có thể tìm cách điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc để tránh bị chi phối. Ngoài ra, hai phương pháp này cũng khuyến khích bạn dũng cảm hơn khi đối mặt với những thách thức, xem đó là cơ hội để học tập và trưởng thành.

Để bắt đầu thực hành chánh niệm, bạn có thể tập thiền, yoga và các bài tập thở đơn giản. Bên cạnh đó, đừng quên thử viết nhật ký, tự suy ngẫm và lắng nghe nhận xét từ những người xung quanh để nâng cao khả năng tự nhận thức. 

3. Chấp nhận những điều không hoàn hảo

Cái tôi cao có thể khiến bạn đòi hỏi mình phải luôn hoàn hảo trong mọi việc, không cho phép xảy ra bất kỳ sai sót nào. Tuy nhiên, thái độ này lại dễ dẫn đến tình trạng lo lắng, căng thẳng và thói quen trì hoãn, cản trở con đường chinh phục thành công của bạn. Trái lại, nếu nhìn nhận sai lầm là một phần tự nhiên của quá trình học hỏi và là cơ hội để cải thiện bản thân, bạn sẽ đón nhận góp ý, phản hồi từ người khác một cách cởi mở hơn. Đồng thời, bạn cũng dễ chấp nhận rủi ro và sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mà không bị ràng buộc bởi nỗi sợ thất bại.


Xem thêm

• 6 bước “thần thánh” vào buổi sáng giúp bạn xây dựng cuộc sống thành công

• Trắc nghiệm: Hình ảnh nhìn thấy đầu tiên tiết lộ bạn cần làm gì để phát triển năng lực của bản thân?

• 8 điều bạn nên tự nhắc chính mình khi cảm thấy bản thân là kẻ thất bại


4. Buông bỏ quyền kiểm soát

Nếu quá chú trọng vào cái tôi cá nhân, bạn có thể hình thành tâm lý muốn toàn quyền kiểm soát và đảm nhận mọi việc mà không chia sẻ với người khác. Điều này dễ gây căng thẳng, kiệt sức và giảm hiệu suất làm việc. Ngược lại, nhận ra giới hạn của bản thân và chủ động trao quyền cho những người phù hợp sẽ giúp bạn giảm bớt khối lượng công việc. Nhờ đó, bạn sẽ có thêm thời gian và năng lượng để tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng hơn. Việc ủy quyền cho các thành viên đáng tin cậy cũng góp phần phát triển năng lực của họ, tăng cường sự tự tin và thúc đẩy sự phát triển của tập thể.

cô gái tóc vàng và cái tôi lớn

Ảnh: Unsplash/ŞULE MAKAROĞLU

5. Phát triển tư duy người mới

Tư duy người mới (Beginner’s Mindset) có nguồn gốc từ Phật giáo Thiền tông, khuyến khích mọi người nhìn nhận và đối mặt với vấn đề dưới góc nhìn của người mới bắt đầu. Phát triển lối tư duy này sẽ giúp bạn hạn chế đánh giá và xem thường những người thiếu kinh nghiệm. Thay vào đó, bạn sẽ luôn tò mò, sẵn sàng học hỏi từ người khác để trau dồi kiến thức và kỹ năng. Hơn nữa, tư duy người mới còn giúp bạn gác lại cái tôi để tiếp cận vấn đề một cách hiệu quả và sáng tạo hơn. 

6. Học cách nhận lỗi

Khi bị cái tôi chi phối, nhiều người có xu hướng đổ lỗi cho điều kiện khách quan hoặc người khác, thay vì nhận lỗi cho những sai lầm của mình. Song, nếu muốn thành công trong cuộc sống, họ nên dũng cảm thừa nhận thiếu sót và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Điều này không chỉ giúp họ phát triển và hoàn thiện bản thân, mà còn tạo dựng uy tín và niềm tin với mọi người xung quanh.

cô gái tóc cam kiểm soát cái tôi

Ảnh: Pexels/Mert Coşkun

7. Tử tế với mọi người

Thái độ sống tử tế thường đi kèm với sự cẩn trọng, tỉ mỉ và chu đáo trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ công việc đến cách đối xử với chính mình và mọi người xung quanh. Rèn luyện thái độ này sẽ giúp bạn chuyển sự chú ý từ bản thân sang người khác, nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực và xây dựng nhiều mối quan hệ lành mạnh.

Để sống tử tế hơn với mọi người, bạn có thể học cách lắng nghe và thông cảm cho người khác, cũng như công nhận những điểm mạnh của họ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chúc mừng và khích lệ khi họ đạt được thành công, thay vì để lòng ghen tị và đố kỵ chi phối.  

Nhóm thực hiện

Bài: Khiết Minh

Tham khảo: Evolve Advisory; LinkedIn

 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more