Lifestyle / Bí quyết sống

17 phương pháp khoa học làm tăng hormone hạnh phúc và giúp bạn cải thiện tâm trạng

Dành thời gian bên người thân, chơi đùa cùng thú cưng, hay chỉ đơn thuần là thưởng thức một tách cafe sau những giờ làm việc chăm chỉ… những điều bé nhỏ trong cuộc sống cũng khiến chúng ta hạnh phúc. Và bạn có biết, trạng thái hạnh phúc có mối liên hệ mật thiết với cơ thể sinh học của bạn?

Cảm giác hạnh phúc là kết quả của bốn chất hóa học thần kinh và kích thích tố trong não bộ: dopamine, oxytocin, serotonin và endorphin. Chúng còn được gọi là những hormone hạnh phúc, bốn loại chất hóa học này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tâm trạng và tạo nên cảm giác hạnh phúc. Hãy cùng ELLE tìm hiểu về bốn loại hormone này và cách để phát huy sức mạnh của chúng để sống mỗi ngày thật trọn vẹn nhé!

1. Endorphin

Là sự kết hợp của từ “endogenous” (tạm dịch: nội sinh) và “morphine”, tên một loại thuốc giảm đau, endorphins được xem là liều thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể. Endorphins có tác dụng giảm căng thẳng, xoa dịu cơn đau, từ đó giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và dễ chịu. Để kích thích não bộ giải phóng endorphins, hãy thử những cách sau:

– Tập thể dục: Tăng nhịp tim có thể giúp tăng hàm lượng endorphins. Khi muốn cải thiện tâm trạng, hãy ra ngoài đi dạo, tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường loại hormone hạnh phúc này nhé.

– Ăn chocolate đen: Nghiên cứu cho thấy ăn chocolate khiến não bộ giải phóng endorphins, qua đó cũng khiến bạn cảm thấy vui vẻ hơn.

–  Dành thời gian giải trí: Tiếng cười là liều thuốc tốt nhất cho tâm trí và cơ thể của bạn. Vì thế, hãy cho mình những khoảnh khắc bật cười thoải mái, xem những video hài hước, những chương trình giải trí hài hước mà bạn yêu thích nhé.

– Dùng tinh dầu, nến thơm: Tinh dầu có nhiều lợi ích đặc biệt trong việc giải tỏa căng thẳng. Theo một nghiên cứu năm 2012, tinh dầu hoa oải hương có khả năng kích thích não bộ giải phóng endorphins, giúp xoa dịu tâm trí chúng ta khi căng thẳng.

sử dụng nến thơm để hạnh phúc
Ảnh: Unsplash/No Revisions

2. Serotonin

Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh chuyển tiếp thông điệp giữa các tế bào thần kinh trong não và khắp cơ thể chúng ta. Serotonin giúp chúng ta cải thiện tâm trạng, ngủ ngon hơn và tiêu hóa tốt hơn. Thiếu serotonin có thể dẫn đến chứng trầm cảm, lo lắng và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Bạn có thể tăng hàm lượng serotonin bằng những cách đơn giản sau đây.

– Tận hưởng ánh nắng: Ngoài việc bổ sung vitamin D giúp tăng sức đề kháng, ánh sáng mặt trời có thể kích thích quá trình giải phóng serotonin của não bộ. Khi cảm thấy tâm trạng không tốt, hãy dành thời gian ra ngoài trời nhiều hơn, đặc biệt là khoảng thời gian sáng sớm để tập thể dục nhẹ nhàng, hòa mình cùng thiên nhiên, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng được xoa dịu đi rất nhiều.

cô gái cảm thấy hạnh phúc khi hòa mình vào thiên nhiên
Ảnh: Unsplash/Lawrence Chismorie

– Ăn thực phẩm chứa tryptophan: Bởi vì serotonin không tồn tại trực tiếp trong thực phẩm, bạn có thể lựa chọn những thực phẩm chứa tryptophan, một loại acid amin có thể chuyển hóa thành serotonin trong não bạn. Tryptophan có nhiều trong những thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá hồi, sữa tươi, dứa hay đậu phụ.

– Tham gia những buổi trị liệu: Stress kéo dài có thể giảm hàm lượng serotonin trong não. Vì vậy, muốn cải thiện tâm trạng, hãy tạo cho mình thói quen viết nhật ký, tập yoga, trị liệu bằng chuông xoay Tây Tạng, nến thơm… để giải tỏa sự căng thẳng, kích thích não bộ sản sinh serotonin. Bên cạnh đó, mát-xa có thể giúp bạn giảm lượng cortisol và tăng serotonin trong cơ thể, giúp cơ thể được thả lỏng, xoa dịu cơn đau và những cảm xúc tiêu cực. Bạn có thể thử massage thư giãn chuyên nghiệp hoặc tự thực hiện massage tại nhà.

3. Dopamine

Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh được tạo ra trong não bộ, đóng vai trò là “trung tâm phần thưởng”, điều phối trí nhớ, chuyển động, tâm trạng và sự chú ý của bạn. Khi bạn trải nghiệm cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành công việc, được ăn đồ ăn ngon hoặc gần gũi với người mình yêu thương, não bộ tự động giải phóng lượng lớn dopamine, tạo ra cảm giác sảng khoái. Bạn có thể thực hiện  những hoạt động quen thuộc sau để giải phóng dopamine:

– Làm thiện nguyện: Khi bạn dành thời gian của mình để làm thiện nguyện, bạn sẽ cảm thấy bản thân đang mang lại những giá trị tích cực cho cuộc sống, từ đó não bộ sẽ tiết ra dopamine giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Hãy dành một ngày cuối tuần ghé thăm các mái ấm tình thương, đến thăm những trại cứu hộ động vật để cảm nhận những nguồn năng lượng tích cực từ việc trao gửi yêu thương, bạn nhé.

– Nạp nhiều protein: Dopamine được sản xuất từ các acid amin tyrosine và phenylalanine. Các nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung các chất này có thể tăng hàm lượng dopamine trong não bộ. Hai loại hợp chất này có nhiều trong các thực phẩm giàu protein như thịt gà, thịt bò, trứng và các loại hải sản.

cô gái thưởng thức ẩm thực hạnh phúc
Ảnh: Unsplash/Dmitriy Frantsev

– Ngủ đủ giấc: Khi tâm trạng xuống dốc, đó có thể là hậu quả của việc ngủ không đủ giấc. Một giấc ngủ chất lượng giúp điều hòa quy trình giải phóng dopamine trong cơ thể, giúp bạn tỉnh táo làm việc trong suốt ngày dài. Vì vậy, hãy thiết lập một thói quen ngủ lành mạnh, kết hợp cùng vận động trong ngày và giữ cho không gian phòng ngủ luôn mát mẻ, dễ chịu.

– Thiền định: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiền định mang lại những lợi ích tích cực về sức khỏe thể chất và tinh thần nhờ vào việc tăng mức độ dopamine trong não. Khi muốn cải thiện tâm trạng, bạn hãy bắt đầu bằng việc thiền định, tối thiểu 1 giờ để ổn định lại tâm trí. Việc này sẽ giúp não sản sinh dopamine, khiến bạn cảm thấy tích cực hơn.

– Học những điều mới: Những trải nghiệm mới lạ cũng thúc đẩy não bộ sản sinh dopamine, từ đó dẫn đến việc tạo ra các tế bào thần kinh và các kết nối thần kinh mới. Bạn có thể bắt đầu từ việc chọn một con đường mới để đi dạo, học một sở thích mới hoặc đọc một quyển tiểu thuyết mới.

4. Oxytocin

Còn được gọi là hormone tình yêu, oxytocin đóng vai trò quan trọng khiến con người tạo nên cảm giác gắn kết. Oxytocin được giải phóng trong quá trình sinh nở của người mẹ, tạo nên mối liên kết giữa mẹ và bé. Khi chúng ta yêu, âu yếm, hoặc gần gũi với người yêu, não bộ cũng được kích thích để sinh ra nhiều oxytocin, từ đó tác động tích cực đến tâm trạng và cảm xúc của chúng ta. Do vậy, khi muốn cải thiện tâm trạng, hãy dành thời gian để ở bên những người mình yêu thương, điều này có thể giúp tăng oxytocin trong cơ thể bạn.

– Ở bên cạnh người thân: Những người thân yêu luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chúng ta. Dành thời gian cho những người thân yêu sẽ giúp bạn cảm nhận được mối liên kết mạnh mẽ xung quanh mình, khiến bạn như được tiếp thêm sức mạnh to lớn.

cô gái dành thời gian với bạn trai
Ảnh: Unsplash/Bianca Maria

– Nghe nhạc: Chúng ta nghe nhạc để nâng cao tinh thần, thúc đẩy sự tập trung, vì vậy, nghe nhạc có thể giúp giải phóng oxytocin trong não bộ. Hãy cho bản thân mình những giây phút thả lỏng, hòa mình theo âm nhạc, bạn sẽ thấy thư thái hơn rất nhiều.

– Chơi cùng thú cưng: Thú cưng có thể rất nhạy cảm với sự thay đổi cảm xúc của bạn. Do vậy, khi cảm thấy buồn bã, bạn nên dành thời gian ôm ấp, chơi đùa nhẹ nhàng cùng thú cưng của mình. Thú cưng sẽ trở thành nguồn động viên, an ủi tuyệt vời cho tinh thần của bạn, giúp gia tăng hàm lượng oxytocin trong não bộ.

– Ôm nhiều hơn: Những cái ôm ấm áp, những cái nắm tay sẽ giúp gia tăng hormone tình yêu, giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.

– Ăn uống cùng bạn bè: Cùng bạn bè thưởng thức những món ngon giúp bạn tạo nên mối liên kết giữa mình và mọi người, thúc đẩy sự giải phóng oxytocin trong não. Hãy mời bạn bè đến nhà, cùng nhau nấu nướng và ăn uống, cảm nhận những niềm vui xung quanh, bạn nhé!

Nhóm thực hiện

Bài: Kiều Trang

Tham khảo: The Every Girl

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)