Trí thông minh cảm xúc mang đến nhiều tác động tích cực cho hầu hết các thành viên trong nhóm hay tổ chức, giúp họ cải thiện khả năng giao tiếp, quản lý, giải quyết vấn đề và xây dựng mối quan hệ ở nơi làm việc. Vai trò quan trọng này đã đưa EQ trở thành một trong những yếu tố cần thiết mà mỗi người nên chú trọng và phát triển, đặc biệt là các nhà lãnh đạo. Cùng ELLE khám phá một số phương pháp hiệu quả giúp bạn nâng cao chỉ số EQ để thành công trong môi trường công sở nhé!
1. Phát triển khả năng tự nhận thức
Tự nhận thức là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao chỉ số EQ của bạn tại nơi làm việc, cho phép bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc của chính mình và người khác. Để phát triển năng lực này, bạn nên học cách điều chỉnh cảm xúc, nắm bắt suy nghĩ và quan sát trạng thái tinh thần của bản thân trong nhiều tình huống khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến phản ứng của đồng nghiệp để nhận biết cách bạn tương tác với họ và điều chỉnh khi cần thiết.
BÀI LIÊN QUAN
2. Thể hiện sự đồng cảm
Đồng cảm là khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác bằng cách tự đặt mình vào vị trí của họ. Kỹ năng này không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc của các thành viên trong tổ chức, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chỉ số EQ, cả trong môi trường làm việc lẫn trong các mối quan hệ ngoài công việc.
3. Tự suy ngẫm
Dành thời gian để tự đánh giá và suy ngẫm về những trải nghiệm trong suốt ngày làm việc sẽ giúp bạn theo dõi quá trình cải thiện EQ, cũng như góp phần nâng cao hiểu biết về bản thân. Một trong những cách hiệu quả nhất để tự đánh giá là viết nhật ký. Bạn có thể sử dụng sổ tay truyền thống hoặc các ứng dụng để ghi lại cảm xúc và trải nghiệm trong công việc, nhất là những điều làm bạn vui vẻ, hạnh phúc, hoặc những tình huống khiến bạn cảm thấy khó xử và không thoải mái.
Xem thêm
• Trắc nghiệm: Vị bánh Trung Thu yêu thích tiết lộ điều gì về tính cách của bạn ở chốn công sở?
• 9 lời khuyên giúp bạn tập trung làm việc tốt hơn
• 4 dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc Hội chứng Siêu đồng cảm và cách vượt qua
4. Áp dụng quy tắc 3 giây
Quy tắc 3 giây có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, với những ý nghĩa và mục đích riêng. Để áp dụng quy tắc này vào việc cải thiện trí thông minh cảm xúc, bạn hãy dành ra 3 giây để tạm dừng và cân nhắc trước khi hành động. Kiên trì thực hiện thói quen này sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro từ những quyết định liều lĩnh, bốc đồng, cũng như từng bước nâng cao chỉ số EQ để thành công hơn.
5. Giao tiếp thường xuyên và hiệu quả
Sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của bạn với người khác và khuyến khích họ cởi mở bày tỏ quan điểm là biện pháp hữu ích để đạt được sự thấu hiểu lẫn nhau. Bên cạnh đó, điều này còn góp phần thúc đẩy một môi trường làm việc tích cực và giúp bạn dễ dàng xây dựng những mối quan hệ lành mạnh. Ngoài ra, tăng cường giao tiếp hiệu quả còn mang đến cho bạn góc nhìn tích cực hơn về công ty, giảm bớt nỗi lo bị phê bình, chỉ trích khi trình bày ý kiến.
6. Học hỏi từ những lời phê bình
Nhiều người thường cảm thấy khó chịu trước những lời phê bình và chỉ trích, nhất là trong môi trường làm việc. Tuy nhiên, thay vì để những cảm xúc tiêu cực chi phối, bạn nên tự hỏi: “Nếu gác lại cảm xúc cá nhân, mình có thể rút ra bài học gì từ điều này?”. Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp nhận phê bình, bạn cũng cần chủ động xác định và loại bỏ những lời chỉ trích không hợp lý để bảo vệ bản thân. Bằng cách này, bạn có thể biến những lời phê bình thành công cụ học tập hiệu quả để cải thiện chỉ số EQ.
Nhóm thực hiện
Bài: Khiết Minh
Tham khảo: Northwest Executive Education; Forbes; Thomas.co