Lifestyle / Bí quyết sống

8 cách ứng phó khi bạn bị ai đó “ghost”

Bạn có bao giờ gặp phải tình huống, một người từng có kết nối sâu sắc với bạn đột nhiên không trả lời tin nhắn, không hồi đáp email hay các cuộc gọi, hoặc lơ đi các dòng trạng thái trên mạng xã hội hay chưa?

“Ghosting” là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả hành động của một người đột ngột ngừng liên lạc hoặc chấm dứt mọi hình thức giao tiếp mà không có lời giải thích hay thông báo trước. Hành vi này thường xảy ra trong các mối quan hệ cá nhân hoặc tình cảm, khi một người tự ý biến mất khỏi cuộc trò chuyện hay mối quan hệ mà không để lại bất kỳ lời chia tay, lý do cụ thể. “Ghosting” có thể để lại sự tổn thương và bối rối cho người bị “ghost”, vì họ không biết chính xác tại sao người kia lại chọn cách biến mất một cách đột ngột như vậy. Để có thể đối phó với hành động này, cùng ELLE đi tìm nguyên do và cách phục hồi tích cực sau khi bị ai đó “ghost” nhé!

LÝ GIẢI LÝ DO BẠN BỊ “GHOST”

Cô gái buồn vì bị người ta "ghost"
Ảnh: Unsplash/Sergi Dolcet

Hành vi “ghosting” trong quan hệ xã hội hiện nay thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những lý do được hầu hết các chuyên gia công nhận là bắt nguồn từ nỗi sợ hãi và bất an. Con người có xu hướng sợ hãi khi phải đối diện trực tiếp với cảm xúc tiêu cực hoặc phản ứng không mong muốn. Sự né tránh có thể khiến đối phương bị xúc phạm, nhưng những “ghoster” lại nhìn nhận chúng như một cách giải quyết vấn đề. Họ có thể không muốn gây tổn thương người khác nhưng lại không biết cách để chấm dứt một mối quan hệ một cách trung thực và tử tế. 

Ngoài ra, cách con người giao tiếp với nhau trong thời đại số cũng góp phần thúc đẩy việc “ghosting” trở nên phổ biến hơn. Nhiều người đã quá quen thuộc với việc không phản hồi tin nhắn hay trả lời cuộc gọi ngay lập tức từ đối phương qua chiếc điện thoại. Từ đó, con người dần bình thường hóa việc kết thúc một mối quan hệ với ai đó mà không cần đối diện trực tiếp. 

8 CÁCH GIÚP BẠN LẤY LẠI TINH THẦN SAU KHI BỊ “GHOST”

Chắc hẳn bạn đang trải qua khoảng thời gian khó khăn khi phải đối mặt với loạt cảm xúc khó nói trước lần biệt tích của một người. Tuy vậy, 8 cách dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện tâm trí một cách hiệu quả và tích cực: 

1. Nghĩ đơn giản: câu trả lời là không có câu trả lời

Chúng ta có thể bình thường hóa việc bị “ghost” khi liên tục nhắc nhở bản thân rằng đôi khi câu trả lời là không trả lời gì cả. Đối với một số người, im lặng là một hình thức giao tiếp và họ dùng cách đó để đối đãi với bất kỳ ai chứ không riêng mỗi ta. Thay vì đắm chìm trong sự xấu hổ và cố tìm lời giải, bạn nên dành thời gian cho những mối quan hệ mới, chúng ta xứng đáng nhận được sự đối đãi tôn trọng từ tất cả mọi người. 

Cô gái bị "ghost" đứng bên khung cửa
Ảnh: Unsplash/Tony Frost

2. “Ghosting” không phải là chuyện của cá nhân bạn

Nhiều người có xu hướng đổ lỗi cho chính mình khi chẳng tìm được lý do hay lời giải thích thỏa đáng cho việc bản thân bị “ghost”. Thế nhưng, tại sao phải tự trách bản thân khi bạn mới là người hứng chịu hậu quả từ hành động có chủ đích của đối phương? Việc một ai đó đột nhiên biến mất khỏi cuộc đời của bạn sẽ không phản ánh bất kỳ điều gì về giá trị cá nhân của bạn. Không phải bạn chưa đủ tốt mà đôi khi người ấy chưa đủ chín chắn để nói chuyện thẳng thắn với bạn.

3. Mở rộng mối quan hệ mới

Cô gái cầm bông hoa ngồi trên tảng đá
Ảnh: Unsplash/Onur Senay

Cảm giác xấu hổ, hụt hẫng, tự ti… những lần bị “ngó lơ” dần hình thành trong bạn nỗi ám ảnh mang tên “ghoster”. Bạn tự dựng cho riêng mình một bức tường để tách biệt bản thân khỏi những mối quan hệ mới. Bạn bắt đầu áp đặt lối suy nghĩ có tất cả hoặc không có gì vào tình yêu: “Lại yêu đương à?”, “Tất cả mọi người ngày nay đều thích chơi đùa bằng cách này”… 

Cứ như vậy, bạn thẳng thừng tuyên bố với người thân và bạn bè rằng sẽ không bao giờ hẹn hò nữa. Thế nhưng, đừng để những người thực hiện hành vi “ghosting” khiến bạn phải bận lòng và mất niềm tin vào các mối quan hệ chân thật. Trong hàng tỷ người trên thế giới, chắc chắn bạn sẽ tìm được một người thật sự biết quan tâm và dành cho bạn sự chú ý đúng mực. 

4. Tự chữa lành bằng cách thực hiện thiền định và chánh niệm

Theo chuyên gia Y khoa thế giới, lấy độc trị độc là phương pháp trị liệu phổ biến cho những người chịu nhiều tổn thương tình cảnh sâu sắc. Chánh niệm – giúp nâng cao lòng trắc ẩn, sẽ giúp người bị “ghost” chấp nhận đau buồn và dần thoát khỏi cảm xúc tiêu cực. 

Ngay khi những ký ức không đẹp về “ghoster” xuất hiện, thay vì đánh lạc hướng bản thân, hãy thử thực hiện các phương pháp chánh niệm như thiền định và tự nhủ rằng: “Đây là khoảnh khắc đau khổ nhất cuộc đời”. Sau thời gian làm quen với cảm xúc, bạn cũng điều chỉnh lại suy nghĩ về họ: Mối quan hệ này vốn không lành mạnh khi một trong hai bên phá vỡ cam kết bằng những hành động thiếu chín chắn. Cái giá của sự im lặng có thể đánh mất lòng tin con người. Vì vậy, không cần chấp nhất những người không đáng tin cậy. 


Xem thêm:

• Đâu là dấu hiệu cờ be của 12 cung hoàng đạo trong chuyện tình cảm?

• Tìm hiểu điểm yếu của 12 cung hoàng đạo và cách khắc phục

• Trắc nghiệm: Bạn kỳ vọng điều gì trong tình yêu?


5. Tìm sự hỗ trợ từ người thân thiết

Cô gái tóc dài đứng bên cửa sổ
Ảnh: Pexels/Yasin

Cảm xúc sẽ vơi đi nếu ta biết cách giãi bày nỗi niềm với đúng người, đúng thời điểm. Việc dành thời gian ở cùng với những người sẵn sàng chấp nhận con người thật và yêu thương bạn như cha mẹ, bạn bè, anh chị em trong gia đình… là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Điều đó cho thấy rằng bạn không chỉ có một mình, đơn độc chống chọi với những cảm xúc tiêu cực. Họ còn có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích dưới góc độ là một người ngoài cuộc vô cùng hiểu rõ bạn. Đừng vì một chút mặc cảm, lo âu mà bỏ lỡ cơ hội được lắng nghe và chữa lành từ những mối quan hệ khác nhé!

6. Thiết lập ranh giới

Bị “ghost” có thể dẫn đến nhiều cảm xúc tiêu cực và bạn sẽ tự vấn bản thân nhiều lần. Có thể, bạn không thể chấp nhận sự biến mất không nói không rằng của một người bạn từng gắn bó. Tuy nhiên, việc theo đuổi một “bóng ma” là điều bất khả và điều này thậm chí còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của bạn.

Cách tốt nhất là chấp nhận sự thật và loại bỏ mọi thứ liên quan đến “ghoster”: ẩn toàn bộ tin nhắn cũ, xóa số điện thoại… xem họ như chưa từng xuất hiện trong cuộc đời bạn. Hãy nghĩ rằng bạn không phải là người đầu tiên và cũng chẳng phải người cuối cùng bị họ “ghost”. Vì người đó đã không thẳng thắn đối diện, bạn nên xem đây là hành động kết thúc một mối quan hệ với người không đáng tin cậy. 

7. Xem đây là bài học kinh nghiệm

Cô gái mặc váy trắng tạo dáng trước tòa nhà
Ảnh: Pexels/Dimitri Kuliuk

Thật khó để tránh khỏi cảm giác hụt hẫng hay xấu hổ trước sự biến mất không rõ nguyên nhân của người thường xuyên gắn bó với bạn. Thế nhưng, sau tất cả, đó là một bài học kinh nghiệm để bạn có thể trưởng thành và bước tiếp, dù quá trình ấy đã mang lại một số tổn thương khó lành. 

Bạn dần nhận ra rằng, người được lòng hầu hết mọi người thường biết lắng nghe và đồng cảm. Khả năng giao tiếp và thấu hiểu người khác là vô cùng cần thiết trong một mối quan hệ. Còn những “ghoster” thường có xu hướng trốn tránh và biến mất khi họ phải đối diện với những khó khăn về mặt cảm xúc với người khác – chẳng hạn như trong một cuộc cãi vã hay gặp khó khăn trong việc chấm dứt mối quan hệ với người khác. Từ những trải nghiệm của chính bản thân, bạn sẽ học được nhiều bài học hơn cho riêng mình, chẳng hạn như cách cư xử tinh tế và lịch sự hơn khi kết thúc một mối quan hệ. 

8. Nhận diện thấu đáo bản thân

Sau thời gian dài cắt đứt liên lạc, nếu bạn vẫn cởi mở tiếp chuyện với “ghoster”, đây là lúc bạn nên nhìn nhận lại bản thân. Các chuyên gia tâm lý cho biết những người có xu hướng bào chữa hành vi tiêu cực của người khác thường có tuổi thơ bất hạnh hoặc lớn lên trong môi trong bạo lực. Họ sẽ chữa lành nỗi đau của chính mình bằng cách phụ thuộc vào mối quan hệ đã khiến họ tổn thương. Vì vậy, bạn cần xác định rõ những tổn thương của mình, bao gồm những chấn thương và ám ảnh từ thời thơ ấu đến nay để có thể thoát khỏi “vòng lặp” đang kìm hãm bạn đến với hạnh phúc.

Cô gái ngồi dưới ánh nắng mặt trời
Ảnh: Unsplash/Polina Shokarova

Nhóm thực hiện

Bài: Huỳnh Trâm

Tham khảo: Psychology Today

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)