“Bạn không thể làm dâu trăm họ” là câu nói dễ gặp nhất khi bạn cần tìm một lời khuyên về cách ứng xử trong cuộc sống. Quả thật, điều này không sai khi lối suy nghĩ, nếp sống của mỗi người đều khác nhau và chúng ta không thể hoà hợp được với tất cả mọi người. Hãy cứ là chính mình rồi mọi chuyện sẽ có cách giải quyết. Thế nhưng, ngẫm lại thì đôi khi chúng ta cũng cảm thấy chạnh lòng, vì cớ gì họ lại ghét mình đến thế. Đó có thể là bạn, là đồng nghiệp hoặc cũng có thể là thành viên trong gia đình. Vậy làm cách nào để họ có cái nhìn khách quan hơn hay chí ít cũng không còn cảm thấy ganh ghét mỗi khi ai đó nhắc về mình?
Hãy tìm sự trợ giúp từ họ
Cách ứng xử khôn khéo nhất trong tình huống này chính là vờ tìm đến sự trợ giúp từ phía họ. Đây không chỉ là chiêu thức mà ai đó vô tình phát hiện ra, chúng là một kỹ thuật tâm lý có tên gọi Ben Franklin Effect. Trong tình huống bạn tiếp cận đối tượng và trao cho họ quyền được giúp đỡ, thay vì tỏ ra khó chịu, họ sẽ tự động thay đổi nhận thức của chính mình và có cái nhìn thân thiện hơn với bạn.
Lý giải một cách dễ hiểu thì chẳng ai lại đi giúp đỡ cho kẻ thù hay người mình ghét bao giờ. Nếu vậy, cơ hội nào để chúng ta có thể ngỏ lời “nhờ vả” họ? Thực chất, luôn có một sự nhất quán trong bộ não chúng ta. Chúng đảm nhiệm vai trò kết nối niềm tin, giá trị sống và chính kiến của tất cả mọi người. Và vì bạn và đối tượng không thật sự có hiềm khích hay mâu thuẫn nên theo bản năng, họ sẽ có xu hướng sẵn sàng giúp đỡ bạn. Từ đây, sự xáo trộn giữa nhận thức và hành động dần được thiết lập.
Trên thực tế, não bộ của con người luôn trong trạng thái cân bằng và sự mất cân đối giữa nhận thức và hành động sẽ khiến cho bộ não cảm thấy “khó chịu”, từ đó chúng buộc cá thể ấy phải tìm ra biện pháp nhanh nhất có thể. Vì từng đề cập ở phía trên rằng cả hai bạn chưa trải qua mâu thuẫn nào nặng nề đến mức không thể hàn gắn nên dĩ nhiên, bộ não của họ sẽ cảm thấy sự giúp đỡ ấy là có cơ sở. Từ đó, sự căng thẳng giữa hai bạn cũng bị đập tan.
Trong cuốn sách How to Win Friends and Influence People, ông Dale Carnegie từng đề cập đến vấn đề này. Theo đó, hành động nhờ vả người ghét mình sẽ giúp họ cảm thấy bản thân có ích và đôi chút “có lợi thế” hơn bạn. Ai cũng muốn được mọi người công nhận và tôn trọng, vì thế hãy trao cho họ cảm giác ấy và biết đâu, bạn sẽ nhanh chóng kết nối được với họ thông qua cách ứng xử đặc biệt này.
BÀI LIÊN QUAN
Mở lòng và làm bạn với họ
Bạn sẽ có cách ứng xử thế nào với những người bạn của mình? E dè, rụt rè hay chân thành và thoải mái? Muốn phá bỏ ấn tượng không tốt của mọi người dành cho mình, cách tốt nhất là mở lòng mình và đón nhận họ như những người bạn thực thụ. Tiếp nối câu chuyện ở phần trên, bạn hãy cẩn thận khi đưa ra một yêu cầu được giúp đỡ. Giả sử như cô ấy là một người yêu thời trang và có kiến thức chuyên sâu về vấn đề này, sẽ rất tuyệt nếu bạn nhờ cô ấy tư vấn cho mình bộ trang phục phù hợp cho bữa tiệc sắp tới. Hay nếu anh chàng đó là người có khả năng vận hành tốt các phần mềm tin học, bạn hoàn toàn có thể nhờ anh ấy chỉnh sửa phần mềm trên máy tính hay tải về một chương trình nào đó mà bạn đang quan tâm. Bất kể là đối tượng nào, hãy cho họ cảm giác bạn đang thật lòng tìm kiếm sự giúp sức từ phía họ. Tốt nhất không nên tỏ ra hời hợt khi đưa ra lời yêu cầu, vì bạn nên nhớ rằng, ngay tại thời điểm ấy họ vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi mối quan hệ của cả hai.
Ngoại trừ các mối quan hệ vốn đã có quá nhiều mâu thuẫn, bạn nên mở rộng lòng mình với tất cả mọi người. Sự ganh ghét, đố kỵ chưa bao giờ là điều có lợi cho bất kỳ một ai và chúng ta không thể nào lường trước được chuyện gì sẽ xảy đến nếu chẳng may mối bất đồng này ngày một bị đẩy lên cao trào. Nếu có cơ hội, hãy mạnh dạn tiếp cận họ. Hành động này sẽ giúp cho cả hai có thời gian để hiểu rõ nhau hơn, từ đó xóa bỏ những định kiến sai lầm về đối phương.
—
Xem thêm:
Cách ứng xử của phụ nữ thông minh khi gặp người đàn ông thiếu tinh tế
10 cách ứng xử trong tình yêu có thể bạn muốn biết
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Đào Dreamer (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/Lifehack) Ảnh: Unplash