Lifestyle / Bí quyết sống

45 cách ứng xử văn minh của cư dân hiện đại

Những khi quá bận rộn hay đã quá quen với một công việc, môi trường nào đó, chúng ta rất dễ thả lỏng bản thân quá mức và trở nên thiếu tinh tế khi giao tiếp, ứng xử với người khác. Hãy lưu ngay 45 mẹo ứng xử tưởng nhỏ mà không nhỏ, giúp bạn lịch sự và văn minh hơn trong mắt mọi người.

elle việt nam cách ứng xử 08

1. Chỉ ăn khi mọi người đều đã được phục vụ

Khi bạn ngồi trong bàn ăn 8 người hay ít hơn, hãy chờ đến khi món ăn của tất cả mọi người đều được mang lên và chủ nhà đã bắt đầu ăn mới đụng đến phần ăn của mình. Trong một bàn tiệc dài, bạn có thể ăn khi một vài người đã ngồi xuống và được phục vụ.

2. Cất vật dụng không liên quan đến bữa ăn

Những vật dụng không liên quan đến bữa ăn hay không phải đồ trang trí bàn tiệc nên được cất đi: chìa khóa, túi xách, mắt kính và nhất là điện thoại.

3. Không nhắn tin tại bàn ăn

Nếu đang dự một bữa tiệc mà bạn phải xin phép để vào nhà vệ sinh, bạn cũng nên xin phép để dùng điện thoại.

4. Dù không uống rượu, đừng úp ly xuống

Đừng làm quá chuyện mình không muốn uống rượu. Đơn giản, bạn chỉ cần đặt đầu ngón tay lên thành ly và nói: “Hôm nay mình không uống, cảm ơn nhé”. Cách ứng xử này cho thấy bạn không đánh giá quyết định uống rượu của những người khác.

elle việt nam cách ứng xử 01
Ảnh: Unsplash

5. Khi dùng loa ngoài, phải nói cho người đang gọi biết

Loa ngoài chỉ nên được sử dụng trong cuộc họp tại văn phòng, khi có người cần dự họp từ xa. Bạn hãy thông báo cho người ở đầu dây biết loa ngoài đang mở, đóng cửa phòng và đừng nói huyên thuyên.

Người khác cũng có thể thấy phiền phức nếu bạn mở loa ngoài to hết cỡ để kiểm tra tin nhắn thoại.

6. Người đến cửa trước là người giữ cửa

Đây là cách ứng xử thông thường khi giữ cửa, bất kể bạn là nam hay nữ.

7. Không dùng lo vi sóng công ty hâm thực phẩm nặng mùi

Không chỉ thực phẩm có mùi nồng, bạn cũng nên để ý một số thứ tuyệt đối không được bỏ vào lò vi sóng: trứng luộc, vật dụng kim loại, hộp nhựa…

8. Không tập trung đông người trước cửa khởi hành

Sau khi đã lên máy bay, hãy nhanh chóng để đồ lên khoang hành lý và ra khỏi lối đi. Khi lấy hành lý, bạn nên tránh đứng chắn băng chuyền, chỉ bước lên khi thấy hành lý của mình.

9. Đừng gửi email chỉ nói 2 từ “Cảm ơn!”

Nếu bức mail của bạn chỉ có đúng 2 từ “Cảm ơn!”, đừng gửi nó. Bạn chỉ làm chật chội hộp thư đến của người khác thôi.

10. Không dùng điện thoại khi đang gặp người khác

Khi đang nói chuyện với người khác, tránh liếc nhìn điện thoại để xem giờ hay kiểm tra tin nhắn.

11. Không viết in hoa toàn bộ email

Bật capslock để viết toàn bộ email sẽ khiến người khác cảm thấy bạn đang hét vào mặt họ. Một số cách ứng xử khác khi dùng email: không chèn biểu tượng cảm xúc dạng clip art, không đính kèm file quá nặng, không chuyển tiếp email không phù hợp.

elle việt nam cách ứng xử 02
Ảnh: Unsplash

12. Tin nhắn công việc chỉ gửi trong giờ làm việc

Theo cuốn sách về cách ứng xử The Modern Gentleman (tạm dịch: Quý ông hiện đại), email công việc có thể gửi mọi lúc, nhưng tin nhắn công việc chỉ nên được gửi trong khoảng thời gian từ một tiếng trước giờ làm đến hai tiếng sau khi tan sở.

13. Dùng tay chắn lại khi vắt chanh

Khi cần vắt chanh vào thức ăn hay ly trà, bạn có thể dùng tay chắn phía trước miếng chanh để tránh vô tình bắn nước chanh vào người đối diện.

14. Khi ăn, lau miệng trước khi uống nước

Nếu bạn muốn uống nước khi đang ăn, hãy dùng khăn ăn lau miệng trước để không để lại vết dầu mỡ trên thành ly.

15. Đừng tham lam khi lấy thức ăn

Lấy đĩa salad hay lọ muối để dùng khi nó đang được đưa cho một người khác là cách ứng xử thiếu lịch sự.

16. Không lấy thức ăn thừa sau các bữa ăn công việc

Khi đi cùng gia đình hay bạn bè, bạn có thể thoải mái mang thức ăn thừa về, kể cả ở các nhà hàng sang trọng. Nhưng trong bữa ăn với đối tác, đồng nghiệp bàn công việc, đừng làm thế.

17. Tôn trọng cấp trên

Trong các buổi họp hay gặp mặt cấp trên, đừng kiểm tra điện thoại và các thiết bị cá nhân khác.

18. Xưng danh cụ thể khi nghe điện thoại công việc

Khi nghe điện thoại ở văn phòng, bạn nên nói rõ tên mình và phòng/ban làm việc: “Công ty Widgets, phòng liên doanh, Susan Smith đang nghe máy ạ. Tôi có thể giúp gì cho bạn?”

elle việt nam cách ứng xử 03
Ảnh: Unsplash

19. Thư thoại về công việc nên ngắn gọn

Khi để lại thư thoại, bạn cần nói tên, nơi làm việc và số điện thoại của mình. Nói rõ lý do của tin nhắn thật ngắn gọn. Lặp lại tên, nơi làm việc một lần nữa và chào tạm biệt.

20. Cách ứng xử trong thang máy: Đợi

Khi dùng thang máy, hãy đợi người khác ra hết trước khi bước vào và giữ cửa cho những người vào sau mình.

21. Giới thiệu người có chức vụ cao hơn trước

Ở cơ quan, khi giới thiệu một nhóm người với ai đó, hãy bắt đầu từ người có chức vụ cao nhất trước. Khi giới thiệu hai người với nhau, bạn giới thiệu cho người có chức vụ cao trước, ví dụ: “Giám đốc, đây là thực tập sinh mới của tôi ạ”.

22. Bật chế độ im lặng điện thoại trong văn phòng

Cách ứng xử quá thông thường mà ai cũng cần nhớ là luôn để điện thoại ở chế độ im lặng trong nơi làm việc, đặc biệt nếu nhạc chuông điện thoại có thể khiến bạn xấu hổ.

23. Đừng đi làm khi đang ốm

Hãy nghỉ ngơi ở nhà, đừng cố gắng đến văn phòng làm gì. Đồng nghiệp sẽ rất cảm ơn bạn đó.

24. Khi cần đứng lên trong chuyến bay, hãy tôn trọng người khác

Nếu có việc gì đó phải đứng lên khi ở trên máy bay, chú ý đừng làm phiền những hành khách xung quanh, như tránh kéo mạnh lưng ghế của người ngồi trước chẳng hạn.

25. Đừng để khách của mình lái xe khi say xỉn

Nếu một vị khách ở bữa tiệc do bạn tổ chức đã ngà ngà say, hãy hỏi khéo léo liệu họ có muốn nằm nghỉ một lúc không, bạn gọi xe cho họ về được không, hay thậm chí là hỏi họ có muốn ngủ lại không. Tuyệt đối không để họ lái xe về.

elle việt nam cách ứng xử 04
Ảnh: Unsplash

26. Đừng làm phiền cô râu chú rể dùng bữa

Đám cưới thường kéo dài và khá áp lực. Nếu bạn thấy cô dâu chú rể tranh thủ ngồi xuống dùng bữa một lúc, hãy để họ yên. Có thể đó là miếng đầu tiên bỏ bụng trong ngày của họ đấy.

27. Đi bộ theo dòng người

Khi đi bộ ở nơi đông người, bạn nên đi phía bên phải đường và đừng dừng lại giữa chừng để nhắn tin hay gọi điện, đặc biệt là ở trước lối vào tòa nhà.

28. Không nghe nhạc quá to

Đây là cách ứng xử số một khi nghe nhạc ở bất kỳ đâu, trừ ở nhà. Với một số loại tai nghe, người xung quanh có thể nghe rõ mồn một nhạc trong máy bạn nếu để âm lượng quá to.

29. Tháo kính mát và tai nghe khi cần nói chuyện với người khác

Đơn giản là rất bất lịch sự nếu bạn không làm thế.

30. Không “chiếm dụng” wifi

Thỉnh thoảng dùng ké wifi nhà hàng xóm cũng không phải vấn đề gì quá ghê gớm, miễn bạn không làm chậm tốc độ mạng nhà họ và bạn chấp nhận những rủi ro bảo mật có thể xảy ra.

31. Hạn chế nghe điện thoại ở nơi công cộng

Không gian sinh hoạt công cộng như phòng nghỉ, hàng đợi thanh toán, nhà hàng, tàu lửa, phòng vệ sinh… là những nơi bạn nên hạn chế nghe điện thoại.

elle việt nam cách ứng xử 10
Ảnh: Unsplash

32. Nhanh chóng trả lời thư mời điện tử

Thời nay, nhiều loại thư mời được gửi qua email hay tin nhắn. Sau khi nhận, mở ra đọc, kiểm tra lịch trình của mình và trả lời ngay lập tức, vì dạng thư mời này rất dễ trôi và bị quên mất.

33. Không gửi Cc các email cảm ơn

Nếu cần cảm ơn nhiều người một lúc sau sự kiện, bữa tiệc hay buổi sinh nhật, bạn có thể gửi email, miễn là bạn nhớ gửi thành các email riêng biệt – không dùng Cc.

34. Hãy mang theo quà khi được mời dự tiệc

Cách ứng xử khéo léo khi đến các bữa tiệc là không đến tay không, hãy mang theo rượu, hoa hoặc món tráng miệng.

35. Máy trả lời tự động chuyên nghiệp

Nếu vẫn còn sử dụng máy trả lời tự động hay lời chào tự động trong hộp thư thoại, hãy đảm bảo lời chào của mình không quá phiền phức hay sướt mướt.

36. Luôn hỏi xem người kia có tiện nhắn tin không

Một tin nhắn hỏi trước xem đây có phải thời gian thuận tiện để nói chuyện không sẽ chẳng tốn của bạn bao nhiêu tiền cả, nhưng nó cho thấy bạn có tôn trọng thời gian của người khác.

37. Giữ kiểm soát khi dắt chó đi dạo

Mỗi lần dắt cún cưng đi dạo, bạn cần chú ý kiềm chế chú chó của mình, nhất là phải mang theo túi và xẻng để dọn sạch các “sản phẩm” chúng để lại.

elle việt nam cách ứng xử 06
Ảnh: Unsplash

38. Chú ý nơi thay tã em bé phù hợp

Đây là cách ứng xử quan trọng dành cho các bậc phụ huynh. Thay tã cho con trong nhà vệ sinh hay nơi cách xa những người khác. Tuyệt đối không thay tã cho bé ở bàn ăn. Khi đến nhà người khác, hỏi họ xem có phòng nào bạn có thể dùng để thay tã cho bé không.

39. Gọi lại khi cuộc gọi bị ngắt giữa chừng

Thỉnh thoảng các cuộc gọi có thể bị ngắt đột ngột do sự cố. Khi đó, người nào gọi đi trước là người phải gọi lại, cho dù chỉ để nói tạm biệt mà thôi.

40. Đừng hỏi người có giọng địa phương “Bạn ở đâu đến?”

Bạn không nên hỏi quê quán của người khác khi thấy họ có chất giọng đặc biệt của một địa phương hay quốc gia nào đó. Khi hai người nói chuyện với nhau đủ dài, tự nhiên vấn đề này sẽ được nhắc đến thôi.

41. Phải hồi âm thư mời

Bạn phải nhớ trả lời tất cả các loại thư mời, từ bản giấy cho đến bản điện tử. Không hồi âm vừa đồng nghĩa bạn sẽ không tham dự, vừa cho người mời thấy cách ứng xử thiếu khôn khéo của bạn.

42. Cẩn thận những gì bạn đăng lên mạng xã hội

Hãy luôn cẩn thận khi dùng mạng xã hội, đừng đăng thông tin cá nhân nhạy cảm, nhất là khi đồng nghiệp có thể nhìn thấy những gì bạn đăng.

43. Không hét vào điện thoại khi tín hiệu kém

Bạn không nghe rõ người ở đầu dây bên kia đang nói gì không có nghĩa là họ không nghe thấy bạn.

44. Hỏi trước nếu muốn mang vật nuôi

Cho dù bạn thấy con vật cưng của mình đáng yêu thế nào, chưa chắc người khác đã muốn bạn mang chúng đến nhà riêng hay cửa hàng của họ.

45. Luôn luôn đúng giờ

Việc bạn thông báo mình sẽ đến trễ cũng không biện minh được cho sự trễ nải của bạn. Hãy cho mọi người thấy bạn tôn trọng thời gian của họ và của bản thân mình.

elle việt nam cách ứng xử 07
Ảnh: Unsplash

Xem thêm

Cách ứng xử trong cuộc sống: “Thẳng” nhưng “Khéo”

8 thói quen tốt giúp bạn luôn được yêu mến

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Reader\'s Digest
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)