5 cách giúp bạn vượt qua tình trạng nỗ lực ảo

Đăng ngày:

Bạn ấp ủ những mục tiêu to lớn và lập ra nhiều kế hoạch để chinh phục chúng. Tuy nhiên, trên hành trình đó, bạn lại gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, dễ bị xao nhãng bởi những yếu tố bên ngoài, hoặc nhanh chóng cảm thấy chán nản và bỏ cuộc giữa chừng. Nếu đây là tình trạng bạn đang gặp phải, rất có thể bạn đã mắc “căn bệnh” nguy hiểm mang tên nỗ lực ảo.

Nỗ lực ảo là thuật ngữ chỉ mới được biết đến trong vài năm gần đây, nhưng nó miêu tả chính xác tình trạng đã âm thầm bào mòn năng lượng và đánh lừa nhận thức của nhiều người. Để thoát khỏi bẫy nỗ lực ảo, hãy cùng ELLE tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả và giải pháp cho tình trạng này.

Thế nào là nỗ lực ảo?

Nỗ lực ảo là hiện tượng một người đặt ra quá nhiều mục tiêu nhưng không thực sự nỗ lực để hoàn thành chúng. Thay vì tập trung vào những mục tiêu đã đề ra, họ lại dành thời gian cho những hoạt động khác và thường dùng nhiều lý do để biện minh cho sự trì hoãn của mình. Tình trạng này dễ khiến nhiều người ngộ nhận về bản thân, lầm tưởng rằng họ đã cố gắng hết sức. Tuy nhiên, trên thực tế, họ lại không đạt được kết quả khả quan nào.

cô gái tóc ngắn nỗ lực ảo

Ảnh: Pexels/Karolina Kaboompics

Nỗ lực ảo xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài và thói quen so sánh bản thân với người khác. Bên cạnh đó, việc đặt ra quá nhiều mục tiêu mơ hồ, thiếu thực tế cũng khiến bạn dễ rơi vào tình trạng nỗ lực ảo. Ngoài ra, “căn bệnh” này còn có thể phát sinh từ nhu cầu được chứng tỏ bản thân và được người khác ghi nhận.

tác động tiêu cực của nỗ lực ảo

1. Gây mất thời gian và năng lượng 

Thay vì tập trung vào những mục tiêu đã đề ra, những người nỗ lực ảo lại thường bị xao nhãng bởi các hoạt động khác. Chẳng hạn, một người đặt ra mục tiêu phải viết xong một bài luận dài 1000 chữ trong vòng một ngày, nhưng lại bị phân tâm bởi các hoạt động khác như kiểm tra tin nhắn, lướt mạng xã hội… Việc này không chỉ gây lãng phí thời gian và năng lượng của họ, cản trở họ hoàn thành những mục tiêu quan trọng, mà còn khiến họ chìm sâu hơn vào bẫy nỗ lực ảo và thói quen trì hoãn.

2. Ngộ nhận về bản thân

Nỗ lực ảo có thể khiến bạn ngộ nhận rằng bản thân đang chăm chỉ và nỗ lực hết sức. Nhưng trên thực tế, bạn lại không gặt hái được thành quả nào từ những mục tiêu đã đề ra mà chỉ đang tự đánh lừa chính mình.

cô gái tóc dài mặc áo đen

Ảnh: Unsplash/BĀBI

3. Tăng cảm giác thất vọng 

Khi nỗ lực ảo kéo dài mà không mang lại bất kỳ tiến triển hay thành tựu nào, bạn sẽ dễ cảm thấy thất vọng và bế tắc. Tình trạng này thậm chí có thể gây căng thẳng và nhiều cảm xúc tiêu cực khác, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và niềm tin của bạn.


Xem thêm

• 6 thói quen cải thiện năng suất của phụ nữ thành công

• Trắc nghiệm: Hình ảnh nhìn thấy đầu tiên tiết lộ bạn cần làm gì để phát triển năng lực của bản thân?

• 9 lời khuyên giúp bạn tập trung làm việc tốt hơn


5 cách giúp bạn vượt qua tình trạng nỗ lực ảo

1. Xác định mục tiêu thiết thực, cụ thể

Thay vì đặt ra những mục tiêu mơ hồ và thiếu thực tế, bạn nên bắt đầu bằng việc xác định những mục tiêu thiết thực và phù hợp với khả năng, nhu cầu của bản thân. Sau đó, hãy chia nhỏ mục tiêu lớn ban đầu thành những mục tiêu nhỏ và dễ thực hiện hơn. Điều này sẽ giúp bạn giảm tình trạng trì hoãn, cảm giác chán nản và nguy cơ bỏ cuộc giữa chừng. 

Ví dụ, bạn có thể cụ thể hóa mục tiêu “Đọc 12 quyển sách trong năm” bằng cách chia nhỏ nó theo từng tháng, tuần và ngày, như “Mình sẽ đọc ít nhất 1 quyển sách một tháng” hay chi tiết hơn là “Mình sẽ đọc ít nhất 10 trang sách một ngày”. Chiến lược này sẽ giúp bạn hình thành thói quen đọc sách hiệu quả, biến quá trình chinh phục mục tiêu trở nên nhẹ nhàng và thiết thực hơn.

cô gái đang lập mục tiêu

Ảnh: Pexels/Ivan Samkov

2. Loại bỏ thói quen trì hoãn

Trì hoãn là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn càng chìm sâu vào nỗ lực ảo. Vì thế, nếu muốn vượt qua tình trạng này, bạn cần dứt khoát loại bỏ thói quen trì hoãn và tập trung thời gian, năng lượng cho những mục tiêu quan trọng đã đề ra. Một số phương pháp hữu ích giúp bạn khắc phục sự trì hoãn là Eat That FrogQuy tắc 5 giây. Bên cạnh đó, bạn cũng nên bắt đầu công việc trong một không gian phù hợp, thoải mái, và đừng quên tự thưởng cho bản thân một phần quà nhỏ sau khi đã hoàn thành công việc đúng thời hạn.

Được phổ biến bởi Brian Tracy – tác giả quyển sách Eat That Frog cùng tên với hơn 450.000 bản đã được bán ra trên toàn thế giới, Eat That Frog (tạm dịch: Hãy ăn con ếch đó) là phương pháp cải thiện năng suất độc đáo. Theo phương pháp này, bạn nên bắt đầu ngày mới bằng cách giải quyết nhiệm vụ quan trọng hoặc khó khăn nhất (chính là “con ếch” theo cách ví von của Brian) trước khi làm bất cứ việc gì khác.

Quy tắc 5 giây là một kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả được phát triển bởi nữ tác giả người Mỹ Mel Robbins. Để áp dụng quy tắc này, bạn chỉ cần nghĩ về nhiệm vụ cần làm, sau đó đếm ngược 5 giây và bắt đầu tiến hành làm việc ngay lập tức. Bằng cách đếm ngược và buộc bản thân phải hành động nhanh chóng, bạn có thể làm gián đoạn sự phản kháng tự nhiên của não bộ trước những thay đổi hoặc cảm giác khó chịu (như sợ hãi, nghi ngờ bản thân), từ đó trở nên tự tin và quyết đoán hơn.

3. Rèn luyện sự tập trung

Sự tập trung là chìa khóa quan trọng giúp bạn vượt qua nỗ lực ảo. Để rèn luyện kỹ năng này, bạn có thể thử các phương pháp nâng cao sự tập trung và hiệu suất, trong đó có phương pháp Pomodoro. Đồng thời, bạn nên chủ động loại bỏ những tác nhân gây xao nhãng trong quá trình làm việc, như tiếng ồn và các thiết bị điện tử. Nếu bạn thường xuyên làm việc đa nhiệm, hãy cố gắng thay đổi thói quen này và tập trung hoàn thành từng nhiệm vụ trong từng khoảng thời gian nhất định để đạt hiệu quả cao hơn.

cô gái tìm kiếm về nỗ lực ảo

Ảnh: Pexels/Ivan Samkov

4. Tập trung vào quá trình

Chỉ tập trung vào kết quả có thể khiến bạn đánh mất niềm vui trong hành trình theo đuổi mục tiêu, cũng như dễ thất vọng hơn khi kết quả không như mong đợi. Thay vào đó, bạn nên cố gắng tận hưởng quá trình chinh phục từng mục tiêu nhỏ theo từng giai đoạn trong kế hoạch. Điều này không chỉ giúp bạn tìm thấy được niềm vui và sự hài lòng mà còn cảm thấy tự tin hơn vào bản thân.

5. Thường xuyên tự đánh giá bản thân

Trên hành trình chinh phục mục tiêu, bạn nên thường xuyên tự đánh giá bản thân để kịp thời thực hiện những điều chỉnh phù hợp. Việc này không chỉ giúp bạn nhận ra những điểm mạnh và tiến bộ để tiếp tục phát huy, mà còn xác định rõ những hạn chế cần khắc phục. Từ đó, bạn có thể đảm bảo bản thân đang đi đúng hướng và tránh nguy cơ lại sa vào “vũng lầy” nỗ lực ảo.

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Khiết Minh

 
icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more