Lifestyle / Bí quyết sống

Quy tắc SMART: Phương pháp lập kế hoạch thông minh giúp bạn cải thiện cuộc sống

Bạn có bao giờ rơi vào trạng thái luôn muốn cải thiện cuộc sống của mình thế nhưng lại không tìm ra cách thông minh nhất? Bằng quy tắc SMART dưới đây, bạn có thể tự đặt ra mục tiêu cá nhân để thay đổi cuộc sống một cách đơn giản.

Quy tắc SMART giúp bạn đặt ra những mục tiêu, giới hạn cho bản thân mình để quản lý và sắp xếp cuộc sống một cách hiệu quả. Theo đó, SMART là viết tắt của:

  • Specific – Suy nghĩ thật cụ thể về mục tiêu của bạn
  • Measurable – Đặt ra những mục tiêu có thể đo lường được
  • Attainable – Đặt ra những mục tiêu cao hơn để phát triển bản thân
  • Relevant – Đặt ra những mục tiêu liên quan
  • Time-bound – Đặt ra mốc thời gian để bạn hoàn thành mục tiêu

Năm thành tố trên sẽ giúp bạn đặt ra được kế hoạch cụ thể để hoàn thành mục tiêu của mình.

quy tắc SMART giúp cuộc sống dễ dàng
Ảnh: Pexel/Nataliya Vaitkevich

Specific – Tính cụ thể

Hãy trả lời những câu hỏi như:

  • Ai: Những ai sẽ tham gia kế hoạch này?
  • Cái gì: Bạn mong muốn đạt được điều gì?
  • Ở đâu: Bạn muốn đạt được mục tiêu đó ở đâu?
  • Khi nào: Khi nào bạn muốn thực hiện?
  • Cái nào: Những điều gì bất lợi cho bạn?
  • Vì sao: Vì sao bạn phải thực hiện mục tiêu này?

Bằng cách tự hỏi bản thân những câu hỏi này, bạn sẽ xác định được mình cần phải làm gì và cần những công cụ nào để thực hiện mục tiêu.

Measurable – Có thể đo lường được

Trước khi bắt tay vào thực hiện, hãy chậm lại và tự hỏi: “Làm thế nào để thực hiện mục tiêu này?”. Đây là một cách để bạn xem xét liệu mình có đang đi đúng hướng không, và nếu mọi thứ không diễn ra đúng kế hoạch, bạn cần phải làm gì để điều chỉnh hướng đi của mình. Bạn cần phải đưa ra một con số hay một mức độ cụ thể cho mục tiêu của mình để dễ dàng theo dõi tiến độ. Ví dụ, thay vì đặt ra kế hoạch: “Tôi sẽ học ngoại ngữ chăm chỉ hơn vào tuần sau”, hãy cụ thể hóa nó thành: “Tôi sẽ cố gắng học thêm 50 từ vựng mới vào tuần sau với flashcard”.   

Attainable – Tính khả thi

Đôi khi, những mục tiêu bạn đặt ra có thể quá xa vời so với khả năng hiện tại. Tuy bạn vẫn có thể đạt được những mục tiêu này, bạn phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn. Tuy nhiên, chúng sẽ thúc đẩy bạn bước ra khỏi vùng an toàn để phát triển bản thân, hiện thực hóa những mong muốn của mình. Đôi khi, bạn không cần phải đặt ra những mục tiêu quá dễ dàng so với khả năng của bản thân, hãy xem xét tình hình hiện tại và đặt ra những mục tiêu lớn hơn, vượt khỏi giới hạn của bản thân một chút để thử thách chính mình.   

Ví dụ, bạn đặt mục tiêu đánh máy nhanh hơn với 50 từ trong một phút. Hãy thử thách bản thân bằng cách đặt mục tiêu cao hơn: đánh máy 65 từ trong một phút và bạn sẽ cải thiện tốc độ của mình từng chút một vào mỗi tuần. 

cô gái áp dụng quy tắc SMART vào quản lý cuộc sống
Ảnh: Unsplash/Dane Deaner

Relevant – Những mục tiêu liên quan

Những mục tiêu liên quan có ảnh hưởng trực tiếp đến các kỹ năng chuyên môn mà bạn muốn cải thiện. Ví dụ, nếu bạn muốn thăng tiến trong đợt đánh giá nhân viên kế tiếp, bạn nên đặt ra những mục tiêu giúp bạn phát triển kỹ năng của mình và cải thiện tiến độ công việc để đạt được những mục tiêu đó. Hơn nữa, bất cứ cột mốc nào bạn đặt ra hay những hành động mà bạn thực hiện để chạm đến mục đích của mình đều phải tác động đến tiến độ của bạn.

Time-bound – Giới hạn thời gian

Hãy đặt ra hạn chót, một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành kế hoạch của bạn. Các thời hạn này sẽ giúp bạn giữ được sự quyết tâm và lòng kiên trì khi thử thách bản thân. Một mẹo để bạn có thể đảm mục tiêu của mình được hoàn thành, hãy đặt ra hạn chót trước, sau đó vạch ra kế hoạch cụ thể trong quá trình thực hiện. Ví dụ, bạn muốn nói tiếng Trung giỏi hơn, hãy đặt ra hạn chót trong 6 tháng tới. Trong thời gian này, bạn sẽ nỗ lực học 10 từ mới và dành 1 tiếng luyện nghe, nói mỗi ngày. 

cô gái nâng cao chất lượng cuộc sống
Ảnh: Unsplash/Paige Cody

Quy tắc SMART có thể được ứng dụng để bạn lập kế hoạch để cải thiện cuộc sống, từ công việc đến thói quen ăn uống, nghỉ ngơi… Bạn có thể tận dụng quy tắc này để lập ra kế hoạch cho mọi mục tiêu bạn muốn. Nó giúp bạn xác định cụ thể những việc phải làm, một kế hoạch chi tiết cần được thực hiện để bạn hoàn thành được mục tiêu đã đề ra. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể để bạn hiểu hơn về quy tắc SMART:

1. Dùng SMART để nâng cao hiệu quả làm việc

  • Mục tiêu: Bạn sẽ thiết kế lại trang chủ của công ty trước ngày 21/8 để thu hút thêm nhiều khách hàng.
  • (S) Specific: Website được thiết kế xong trước 21/8
  • (M) Measurable: Bạn sẽ phải thuê hai kỹ thuật viên đồ họa (graphic designer) và một kỹ sư phần mềm website.
  • (A) Attainable: Bạn phải dành 5 tiếng/tuần để thực hiện kế hoạch này và đảm bảo website được hoàn thiện trước ngày ra mắt.
  • (R) Relevant: Thiết kế lại website của công ty sẽ là bước đầu tiên trong kế hoạch quảng bá, nâng cao hình ảnh của công ty.
  • (T) Time-bound: Bạn phải hoàn thành kế hoạch này trong 3 tháng, có nghĩa là bạn phải dành thời gian khoảng 60 giờ để làm việc với dự án này.

Xem thêm

• 15 thói quen đơn giản giúp bạn thay đổi cuộc sống 

• 5 bí quyết chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện cuộc sống từ người Ý

• Thói quen đi bộ và những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe


2. Luyện thói quen ăn rau quả bằng SMART

  • Mục tiêu: Đến ngày 30/6, bạn sẽ có thói quen ăn ít nhất 300 gr rau xanh và 100 gr hoa quả trong những bữa ăn thường ngày. Hằng tuần, bạn sẽ lên kế hoạch ăn uống, đi siêu thị 1 lần và ăn 1-2 khẩu phần rau quả trong 1 bữa ăn.
  • (S) Specific: Đến ngày 30/6, bạn sẽ ăn ít nhất 5 khẩu phần rau quả mỗi ngày.
  • (M) Measurable: Mục tiêu là phải đi mua sắm 1 lần/tuần và dự trữ đủ thực phẩm để phân chia đủ cho các phần ăn.
  • (A) Attainable: Bạn biến việc tự chuẩn bị bữa ăn thành thói quen thường ngày.
  • (R) Relevant: Việc bổ sung rau quả vừa giúp bạn xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh vừa tiết kiệm.
  • (T) Time-bound: Bạn sẽ ăn 5 phần rau quả trong khẩu phần thường ngày của mình khi đến thời hạn 30/6

3. Cải thiện thói quen tập thể dục

  • Mục tiêu: Bạn tập thể dục tối thiểu 20 phút 1 ngày, 3 ngày 1 tuần, trước ngày 15/7.
  • (S) Specific: Bạn thực hiện các bài tập nhẹ nhàng trong 20 phút/ngày, 3 ngày/tuần.
  • (M) Measurable: Theo dõi tiến độ luyện tập bằng lịch và các ứng dụng theo dõi sức khỏe, đảm bảo rằng bạn đã hoàn thành bài tập đủ 20 phút.
  • (A) Attainable: Bạn sắp xếp thời gian tập luyện vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Kiên trì tập trong thời gian 20 phút sẽ giúp tăng cường độ, cải thiện nhịp tim và cũng đồng thời không ảnh hưởng đến những lịch trình khác trong ngày.
  • (R) Relevant: Nếu kiên trì tập thể dục phút/ngày trong 3 ngày/tuần, bạn có thể bắt đầu thử thách bản thân với những bài tập có cường độ cao hơn, tăng sức bền và có thể duy trì như một thói quen lâu dài.
  • (T) Time-bound: Bạn sẽ tập tối thiểu 20 phút/ ngày, 3 ngày/tuần trước ngày 15/7.
CÔ GÁI TẬP YOGA
Ảnh: Pexels/Mikael Blomkvist

4. Tập thiền bằng quy tắc SMART

  • Mục tiêu: Bạn sẽ thiền 20 phút mỗi buổi sáng.
  • (S) Specific: Bạn sẽ bắt đầu từ việc thiền trong 10 phút, sau đó tăng dần lên 20 phút, cuối cùng, bạn có thể thiền 20 phút mỗi buổi sáng.
  • (M) Measurable: Mục tiêu là luyện tập thói quen thiền định trong 20 phút trong vòng 3 tuần, sau đó bạn sẽ cố gắng duy trì thói quen thiền buổi sáng này mỗi ngày.
  • (A) Attainable: Theo dõi quá trình thiền của mình bằng ứng dụng hỗ trợ thiền định, bạn bắt đầu từ thiền trong 10 phút, sau đó tiếp tục tăng dần lên 20 phút.
  • (R) Relevant: Tập thiền mang lại cho bạn nhiều lợi ích về tinh thần, cải thiện được tâm trạng, sự minh mẫn, nâng cao sức khỏe và sự dẻo dai.
  • (T) Time-bound: Bạn thức dậy lúc 6 giờ sáng mỗi ngày, thả lỏng vai và lưng để sẵn sàng thiền định.

Để đạt được kết quả tốt nhất bằng quy tắc lập kế hoạch SMART, bạn cần phải giữ vững sự quyết tâm, sự tự giác của mình. Một khi đã áp dụng thành công quy tắc lập kế hoạch thông minh này vào cuộc sống, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức trong hành trình cải thiện cuộc sống của mình.

Nhóm thực hiện

Bài: Kiều Trang

Tham khảo: Life Hack

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)