Lifestyle / Bí quyết sống

7 mẹo để cải thiện chứng nghiện điện thoại của bạn

Trung bình, chúng ta dành 7 tiếng mỗi ngày để sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng… Trong đó, theo trang Exploding Topics, thời gian sử dụng điện thoại thông minh trung bình của một người là 3 tiếng 15 phút. Nếu bạn không thể rời tay khỏi chiếc smartphone, có thể những mẹo dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện chứng nghiện điện thoại của mình.

Chúng ta không thể phủ nhận mức độ quan trọng của các thiết bị điện tử trong cuộc sống hằng ngày. Với một chiếc điện thoại thông minh, chúng ta có thể giải trí, làm việc, kết nối với bạn bè cùng lúc. Chính những tiện ích này có thể khiến chúng ta trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào thiết bị này. Việc sử dụng điện thoại trong thời gian dài, liên tục sẽ gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của bạn.

Ngoài ra, chứng nghiện điện thoại cũng bắt nguồn từ thói quen giải tỏa căng thẳng của chúng ta. Mọi người thường có xu hướng sử dụng internet để lướt web, mạng xã hội như một cách để thư giãn khi buồn bực hoặc đang phải đối diện với những cảm xúc tiêu cực… Đây cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta khó cải thiện thói quen dùng điện thoại quá mức.

Dưới đây là một số biện pháp đơn giản để bạn cải thiện chứng nghiện điện thoại của mình. 

1. Tạo thói quen giảm tiếp xúc với điện thoại

Trong phòng ngủ, bạn có thể hạn chế sự xuất hiện của chiếc điện thoại bằng nhiều cách. Trong trường hợp cần báo thức, hãy sử dụng đồng hồ báo thức để thay thế. Bạn cũng nên từ bỏ thói quen xem phim, lướt mạng xã hội trước khi đi ngủ. Việc này sẽ giúp bạn giảm thiểu sự phân tán đến từ điện thoại và giảm tác động tiêu cực của ánh sáng xanh.

Hạn chế sử dụng điện thoại trong phòng ngủ
Ảnh: Pexels/ Céline

2. Sử dụng các tiện ích để tránh nhìn màn hình quá lâu

Nhìn vào màn hình quá lâu có thể khiến bạn gặp phải chứng đau đầu, mỏi mắt. Hãy chú ý đến những tiện ích có sẵn trong thiết bị của bạn, ví dụ như chức năng nhập văn bản bằng giọng nói hoặc voice chat để đôi mắt có những khoảng nghỉ ngơi hợp lý.

3. tắt các thông báo ứng dụng trên điện thoại

Có bao giờ bạn rơi vào trạng thái luôn bị phân tâm bởi âm thanh thông báo trong khi làm việc? Khi cần tập trung, bạn hãy cài đặt điện thoại về chế độ im lặng hoặc tắt các thông báo ứng dụng. Ngoài ra, việc để điện thoại trên bàn làm việc cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của bạn, vì thế, hãy để chiếc điện thoại tránh khỏi tầm mắt để tập trung hoàn toàn vào công việc nhé. 

cô gái sử dụng điện thoại
Ảnh: Pexels/Tima Miroshnichenko

4. Khám phá những sở thích mới

Dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại có thể gây nên chứng trầm cảm và lo lắng. Vì vậy, bạn có thể thử khám phá những sở thích mới như đi dạo ngoài trời, đọc sách, đạp xe, chụp ảnh… để tránh xa khỏi chiếc điện thoại trong một thời gian.

cô gái đọc sách
Ảnh: Pexels/Nataliya Vaitkevich

Xem thêm

• 5 tác hại khó lường từ chiếc điện thoại thông minh

• 9 thói quen giúp bạn giảm thời gian lướt mạng xã hội

• Nomophobia – Bạn có đang mắc phải hội chứng lo sợ khi không có điện thoại?


5. Cân chỉnh độ sáng hợp lý

Sử dụng điện thoại trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến thị lực của bạn. Ánh sáng xanh từ những chiếc màn hình có thể gây nên đau đầu, mất ngủ, mỏi mắt… Vì thế, hãy cân chỉnh độ sáng màn hình của bạn, bật chế độ bảo vệ mắt, lọc ánh sáng xanh. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý đến volume điện thoại sao cho nhẹ nhàng với đôi tai nhất.

6. Kiểm soát thông tin trên các ứng dụng

Để khởi động lại thói quen sử dụng điện thoại lành mạnh, bạn có thể sử dụng những ứng dụng giúp theo dõi lịch trình, theo dõi sức khỏe và ghi lại thời gian bạn làm việc, giải trí bằng các thiết bị điện tử. Đây là một cách để bạn dễ dàng nhận biết khi nào bản thân đang dùng điện thoại quá mức cho phép.

Ngoài ra, hãy thanh lọc lại newsfeed trên các ứng dụng mạng xã hội, email của bạn… để tự đặt ra giới hạn tiếp nhận thông tin cho phép. Cách này sẽ giúp bạn tránh rơi vào tình trạng quá tải thông tin và tránh bị những nguồn tin tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần.

CÔ GÁI DÙNG ĐIỆN THOẠI TRÊN GIƯỜNG
Ảnh: Pexels/Vlada Karpovich

7. Luyện tập tư thế ngồi

Khi sử dụng điện thoại, trong vô thức, nhiều người có xu hướng cúi người hoặc khom người khi nhìn vào màn hình. Tư thế này sẽ ảnh hưởng xấu đến cổ, vai, gáy và lưng của chúng ta. Vì vậy, hãy ngồi thẳng lưng, vươn vai thường xuyên và tập thể dục đều đặn.

Nhóm thực hiện

Bài: Kiều Trang

Tham khảo: The Conversation

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)