Trí thông minh xã hội là khả năng quản lý và điều chỉnh cách ứng xử của bản thân trong các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, đây không phải là bản năng tự nhiên của con người mà là kỹ năng được rèn luyện qua thời gian. Hãy cùng ELLE tìm hiểu những cách cải thiện trí thông minh này nhé!
Dấu hiệu nhận biết người có trí thông minh xã hội
1. Lắng nghe chủ động
Người có trí thông minh xã hội không chỉ lắng nghe để tìm cách phản hồi mà còn thực sự tập trung đến những gì người nói muốn biểu đạt. Khi giao tiếp, họ sẽ dồn sự chú ý của mình vào đối phương và tránh bị xao nhãng bởi các nhân tố xung quanh cũng như không dùng sự phản biện của mình để ngắt lời người khác.
2. Kỹ năng giao tiếp
Họ chính là người làm chủ căn phòng và có thể khiến cuộc nói chuyện trở nên sôi nổi hơn. Bên cạnh đó, nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy họ là những người khéo léo, hài hước và chân thành, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh.
3. Danh tiếng
Người có trí thông minh xã hội thường coi trọng sức ảnh hưởng của mình đến mọi người. Đối với họ, danh tiếng là một công cụ quan trọng để khiến lời nói và hành động của mình có trọng lượng hơn trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng để có thể tạo được danh tiếng tốt, họ luôn suy nghĩ chu đáo khi thể hiện bất cứ điều gì.
4. Giảm thiểu tranh luận
Họ hiểu rằng việc tranh cãi và khiến người khác cảm thấy xấu hổ hoặc sai trái không phải là cách giải quyết mâu thuẫn tốt trong một mối quan hệ. Họ không hoàn toàn từ chối ý tưởng của người khác, nhưng sẽ chọn lắng nghe mọi người với thái độ cởi mở và thân thiện.
BÀI LIÊN QUAN
Làm thế nào để cải thiện trí thông minh xã hội?
1. Chú ý đến những điều xảy ra xung quanh
Hãy trở thành người quan sát tinh tế, tập trung đến dấu hiệu mà mọi người đưa ra. Bất kỳ hành động hay lời nói nào cũng đều mang ý nghĩa nhất định, nếu để ý, bạn sẽ nhận ra có rất nhiều tín hiệu mà bạn bỏ lỡ trong cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn biết ai là người có trí thông minh xã hội cao, bạn có thể quan sát cách họ tương tác với mọi người.
2. Cải thiện trí thông minh cảm xúc
Mặc dù gần giống với trí thông minh xã hội về mặt ứng xử nhưng trí thông minh cảm xúc lại thiên về cách bạn điều khiển cảm xúc và khả năng đồng cảm của bạn với mọi người xung quanh hơn là cách bạn điều phối các mối quan hệ. Luyện tập trí thông minh cảm xúc sẽ giúp bạn nhận ra cảm xúc của người khác và biết cách nên phản ứng như thế nào. Đặc biệt, trong những tình huống nhạy cảm, một người có chỉ số EQ (Emotional Quotient – chỉ số cảm xúc) cao sẽ biết cách tránh khỏi mâu thuẫn và cảm xúc tiêu cực.
3. Tôn trọng sự khác biệt văn hóa
Tìm hiểu khoảng cách văn hóa sẽ giúp bạn hiểu được sự khác biệt văn hóa. Hầu hết mọi người học được kỹ năng xã hội từ gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh họ. Do đó, người có trí thông minh xã hội hiểu rằng giữa mọi người luôn có tập quán và thói quen riêng biệt được hình thành từ những nền văn hóa và giáo dục khác nhau.
4. Luyện tập lắng nghe chủ động
Bạn có thể xây dựng kỹ năng xã hội dựa trên kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng lắng nghe chủ động. Đừng làm phiền khi người khác đang nói. Hãy suy nghĩ cẩn thận về những điều người khác nói trước khi bạn phản hồi và bạn sẽ nhận ra ẩn ý sau những lời nói đó.
5. Trân trọng các mối quan hệ
Bạn cần học được cách tôn trọng và yêu thương những người có ý nghĩa trong cuộc đời bạn. Nếu để ý đến cảm xúc của bạn bè, gia đình, bạn sẽ nhận ra họ yêu quý bạn đến nhường nào. Và nếu bạn đang dần ngó lơ cảm xúc của những người gần gũi với mình nhất, bạn sẽ khó mà tìm được cách kết nối với họ.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Vi Tường Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Verywellmind