Cảm ơn ông, Steve Jobs
Ngày 5/10/2011 là một ngày đáng nhớ. Steve Jobs, linh hồn của Quả táo cắn dở đã ra đi. Cũng trong ngày hôm đó, đoạn video bài phát biểu dài 15 phút của ông tại trường Đại học Stanford được không biết bao nhiêu kênh truyền thông và các fan hâm mộ đăng tải. Trong đó có một câu nói làm nhiều người suy ngẫm: ‘You’ve got to find what you love” (Bạn phải tìm ra điều bạn yêu thích).
Nhiều khi chúng ta bị cuốn vào vòng xoay của cơm – áo – gạo – tiền mà quên đi mất những điều đẹp đẽ làm nên giá trị của cuộc sống, những điều mà đúng ra chúng ta phải tận hưởng. Bố mẹ tôi và những thế hệ trước, cả đời quần quật lao động và chắt chiu, đến lúc mỏi gối chân chùn, mới giật mình nhận ra đã chẳng có phút giây nào hưởng thụ cuộc sống, tận hưởng những gì mình đã làm ra. Nếu hỏi họ có thật sự yêu những gì họ đã làm hay không. Câu trả lời là họ chưa từng nghĩ đến điều đó. Họ chỉ nghĩ làm sao con cái (là chúng tôi) được no ấm, đủ đầy. Tiếc là chúng ta, thế hệ bây giờ, có mấy ai ngồi một chỗ để hưởng cái no ấm và đủ đầy đó. Đến lượt mình, chúng ta lại bị cuống vào những vòng xoáy của công việc, của cạnh tranh.
Điều ta đang làm có phải đó là điều ta thích?
Cô bạn thân của tôi, từng là chuyên gia sản xuất phim quảng cáo có tiếng, một ngày bị kéo phăng ra khỏi những ngày quay và dựng phim không ngừng nghỉ bởi sự trỗi dậy của tình yêu dành cho những bông hoa mà nàng đã ấp ủ trong những ngày du học tại Paris. Nàng tìm kiếm đối tác, chính thức theo đuổi đam mê thiết kế hoa của mình. Phi vụ hợp tác không thành, nàng tay trắng quay lại với ngành quảng cáo, chỉ với mục đích kiếm đủ số vốn làm lại từ đầu. Giờ đây, nàng hân hoan trong studio hoa của mình, say sưa với những thiết kế mới, sung sướng với những sáng tạo về ý tưởng và nguyên liệu cho bó hoa. Nàng được là chính nàng.
Tất nhiên chẳng phải ai cũng có thể đưa ra những quyết định táo bạo để thay đổi cả cuộc đời và sự nghiệp của mình như cô bạn flower artist của tôi. Đa phần chúng ta vẫn cần một công việc ổn định, để mỗi buổi sáng lại kiểm tra To-do-list những việc phải làm trong ngày. Hay biết bao người ngồi làm ở đây mà đầu óc lại bỏ vào những vị trí hấp dẫn trên các trang tuyển dụng, rồi lại đắn đo: “Cỏ ở đồi bên liệu có xanh hơn?”.
Tìm niềm vui trong công việc có quá khó?
Chúng ta khó nhận ra niềm vui trong công việc một khi thấy công việc diễn ra đều đều hàng ngày có vẻ nhàm chán. Tuy nhiên, đừng để những sự chán chường biến chúng ta trở nên thụ động. Cuộc sống mỗi ngày đâu chỉ để gắn vào cái ghế nơi văn phòng, yên xe chen chúc trên đường đi làm và cuối cùng là tấm nệm đặt lưng mỗi tối.
Những chuyến tàu và các container hàng hóa hàng ngày không lấy đi niềm đam mê công việc của cậu bạn tôi. Vì từ hai năm nay mọi hoạt động vui chơi của cả công ty hơn 100 nhân viên, từ team building đến tiệc cuối năm, đều do cậu ta tổ chức. Tất cả đến từ một cuộc thi văn nghệ giữa các công ty trong ngành, cậu xung phong đứng ra nhận trách nhiệm xây dựng chương trình và mang giải sáng tạo về cho công ty. Từ đó, sếp và đồng nghiệp tín nhiệm, giao hẳn mọi việc vui chơi cho cậu, còn tặng cậu chức CEO (Chief of Entertainment Officer).
Những người năng động không khó tìm niềm vui trong công việc, nhất là khi họ còn trẻ và muốn được thử thách. Ở nhiều tập đoàn lớn, việc luân chuyển nhân viên giữa các bộ phận được khuyến khích vì chính lãnh đạo cũng muốn nhân viên được phát huy khả năng một cách tối đa cũng như được học hỏi thêm các kinh nghiệm khác. Trong môi trường lao động mở như hiện nay, việc tìm một công việc phù hợp, mang đến cả niềm vui và đam mê cống hiến, thật sự không khó. Nhưng khi bạn có một CV hoành tráng với thời gian làm việc ở mỗi nơi tối đa chỉ khoảng 1 năm, người xét tuyển chắc chắn sẽ phải đặt câu hỏi về sự gắn bó với công việc của bạn.
Steve Jobs là một ví dụ điển hình. Cả cuộc đời, ông luôn yêu công nghệ, yêu việc sáng tạo và tin tưởng những gì ông làm. Niềm đam mê ấy đã mang lại cho thế giới những sản phẩm tuyệt vời mà nhân loại còn sẽ nhắc mãi đến tên ông.
Cuộc sống đâu chỉ gắn với văn phòng, chiếc yên xe và tấm nệm đặt lưng mỗi tối.
Bài: Linh Xinh