Lifestyle / Bí quyết sống

Lý do chúng ta luôn cảm thấy cô đơn trong thế giới công nghệ

Mối quan hệ phát triển hời hợt, khả năng nắm bắt cảm xúc suy giảm, trạng thái cô lập gia tăng là đáp án cho câu hỏi: Vì sao chúng ta luôn cảm thấy cô đơn trong thế giới công nghệ?

Trong vài thập kỷ trở lại đây, sự xuất hiện và phát triển của công nghệ đã cải thiện rõ rệt chất lượng sống của chúng ta về nhiều phương diện. Chẳng hạn, chỉ với một cú click chuột trên mạng xã hội, bạn có thể dễ dàng kết nối với người thân, bạn bè, thậm chí tìm lại những người bạn đã mất liên lạc. Những tưởng, sự tiện lợi đó sẽ giúp chúng ta gắn kết hơn, nhưng rõ ràng, phần đông người trưởng thành thường xuyên rơi vào trạng thái lạc lõng kể cả khi bên cạnh những người thân yêu nhất. Vậy, điều gì đã khiến chúng ta luôn cảm thấy cô đơn trong thế giới công nghệ?

Các mối quan hệ phát triển một cách hời hợt

Lý do cảm thấy cô đơn 1
Ảnh: theinstapic.com

Một mối quan hệ chỉ có ý nghĩa khi nó được hình thành và duy trì dựa trên những cảm xúc, thái độ chân thành. Điều này dường như chẳng còn thấy nhiều trên phương tiện truyền thông xã hội hiện đại. Với xu hướng phát triển tập trung vào bản thân, tồn tại xung quanh mỗi người một áp lực vô hình về việc làm thế nào để đời sống trên mạng xã hội trông thật tốt đẹp dù thực tế thì không hẳn vậy. Thay vì kể về những câu chuyện đời thường, một số người chọn chia sẻ về những thành tựu, kỳ nghỉ hoặc những bữa ăn đẹp mắt. Chính vì quá quan tâm đến các giá trị từ thế giới ảo, chúng ta dần quên mất việc vun đắp cho các mối quan hệ trong đời sống thật. Thái độ hời hợt, những câu nói lạnh lùng, thờ ơ với mọi người xung quanh là điều dễ thấy. Vì sự kết nối không còn bền chặt, cảm giác mông lung về mối quan hệ sẽ xuất hiện khiến bạn dễ cảm thấy cô đơn ngay cả khi ở giữa chốn đông người.

Quan tâm số lượng mối quan hệ hơn chất lượng

Hiện nay, mỗi chúng ta đều sở hữu ít nhất 200 người bạn trên tài khoản Facebook cá nhân của mình, thậm chí một số người còn cán mốc số lượng bạn bè cho phép của mạng xã hội này. Trong thế giới công nghệ 4.0, khi mọi xu hướng phát triển được vận hành và trao đổi trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, càng có nhiều bạn bè đồng nghĩa với việc bạn được đánh giá cao hơn. Người ta bắt đầu coi trọng số lượng hơn là chăm chút chất lượng của các mối quan hệ từ thế giới ảo cho đến cuộc sống thật. Tuy nhiên, số lượng có phải là quan trọng nhất khi có những người bạn chưa từng trò chuyện và còn không biết họ là ai? Tài khoản được nhiều người follow, bài viết nhận được nhiều tương tác không những không mang lại hạnh phúc mà còn khiến bạn cảm thấy cô đơn trên chính trang cá nhân của mình.

Lý do cảm thấy cô đơn 2
Ảnh: Unsplash

Nhiều nghiên cứu cho rằng, càng có nhiều sự tương tác, kết nối với mọi người, bạn càng giảm được nguy cơ căng thẳng, trầm cảm, hạn chế cảm giác cô đơn mỗi khi đêm về. Điều này sẽ đúng nếu được áp dụng trong các mối quan hệ xuất phát từ sự chân thành. Thật vậy, bên cạnh một vài người bạn nhưng có nhiều sự gắn bó bao giờ cũng tốt hơn là có rất nhiều mối quan hệ nhưng trống rỗng trên mạng xã hội.

Thích giao tiếp bằng điện thoại hơn tương tác trực tiếp

Ắt hẳn bạn đã không còn xa lạ với khung cảnh nhiều gia đình, nhóm bạn dù ở cùng trong một không gian như các quán ăn, nhà hàng, nhưng mỗi người đều chìm vào thế giới riêng với chiếc điện thoại của mình. Thậm chí, một số người tuy ở cạnh nhau, họ chọn trao đổi với người bên cạnh bằng tin nhắn điện thoại thay vì tương tác trực tiếp.

Lý do cảm thấy cô đơn 3
Ảnh: Unsplash

Theo các nghiên cứu, một người trưởng thành thường kiểm tra điện thoại trung bình từ 35 -74 lần/ngày. Con số này còn vượt trội hơn đối với những người trẻ. Ở một mặt nào đó, công nghệ số hóa đã cuốn con người vào một thế giới – nơi chúng ta không ngừng tò mò về cuộc sống của người khác trên mạng xã hội, nhưng lại ít quan tâm đến tâm trạng của người ngồi trước mặt. Những con chữ, biểu tượng trên ứng dụng nhắn tin, điện thoại suy cho cùng cũng chỉ là sản phẩm do con người tạo ra. Chúng vô hồn, khó truyền tải hết những xúc cảm mà người nói đang mang và dần làm cảm xúc chúng ta trở nên rập khuôn, máy móc. Tương tác trực tiếp suy giảm cùng cảm xúc héo mòn đã khiến những cá thể thành thị không ngừng cảm thấy cô đơn trong chính cuộc sống của mình.

Làm việc từ xa gia tăng trạng thái cô lập

Không chỉ mang đến những lợi ích về mặt thông tin, Internet còn giúp cải thiện khả năng làm việc từ xa của chúng ta. Cùng với sự có mặt của các thiết bị công nghệ, quá trình làm việc của một số người đã thuận lợi hơn nhờ sự điều khiển qua những email, cuộc gọi video. Một trong những lợi ích đáng kể của chúng chính là tiết kiệm thời gian bàn bạc, trao đổi của quá trình làm việc. Tuy nhiên, sự tiện lợi này cũng phần nào hạn chế các mặt tích cực của cách làm việc gặp gỡ truyền thống.

Lý do cảm thấy cô đơn 4
Ảnh: Unsplash

Làm việc từ xa đồng nghĩa với việc những cuộc tán gẫu vui nhộn với các đồng nghiệp sẽ không có trong quỹ thời gian làm việc của bạn. Bên cạnh đó, cảm giác khi làm việc qua màn hình máy tính hay email cũng sẽ hoàn toàn khác với không khí tranh luận năng nổ của các cuộc họp thông thường. Vào những giây phút căng thẳng khi có deadline, cùng với bạn giờ đây chỉ có các thiết bị công nghệ không cảm xúc. Thật vậy, cách làm việc mới này chính là lý do khiến chúng ta luôn cảm thấy cô đơn trong thế giới hiện đại.

Giảm khả năng nắm bắt cảm xúc do tiếp xúc nhiều với màn hình thiết bị công nghệ

Theo các nhà khoa học, màn hình thiết bị công nghệ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tương tác xã hội của trẻ em. Bằng chứng là trong một cuộc nghiên cứu, người ta đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ rời xa các thiết bị điện tử trong 5 ngày có khả năng nắm bắt cảm xúc của người khác tốt hơn những trẻ sử dụng liên tục. Hiển nhiên, sự thật này cũng không ngoại lệ với những người từng là trẻ con như chúng ta.

Lý do cảm thấy cô đơn 5
Ảnh: Unsplash

Khi giao tiếp trực diện, nhờ có khả năng nắm bắt biểu cảm từ đối phương, chúng ta biết được suy nghĩ của đối phương, dễ dàng đối đáp và chia sẻ cảm xúc cùng họ. Ngược lại, khi giao tiếp bằng điện thoại, bạn sẽ không thể biết được biểu cảm thực sự trên gương mặt người bạn đang giao tiếp. Lâu dần, khả năng nắm bắt cảm xúc của chúng ta cũng sẽ bắt đầu suy giảm. Ngoài ra, theo nghiên cứu của đại học Harvard, ánh sáng xanh từ các thiết bị công nghệ có thể gây ức chế Melatonin – hormone duy trì nhịp sinh học của cơ thể. Khi đồng hồ sinh học đảo lộn, giấc ngủ và sức khỏe tinh thần sẽ bị ảnh hưởng theo. Trạng thái trống rỗng, không điểm tựa dễ khiến bạn cảm thấy cô đơn, ngay cả khi ở cạnh những người thân yêu.

Xem thêm

[ELLE Voice] Mạng xã hội và những điều “lợi bất cập hại”

Làm sao để giải thoát bản thân khỏi những “nỗi khổ” xuất phát từ… internet?

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Thanh Hồ Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Inc-asean.com Ảnh: Tổng hợp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)