Giận dữ là một phản ứng hết sức bản năng của con người trước sự sự thất vọng, đe dọa hay nỗi mất mát. Cảm xúc giận dữ vừa là một hành vi tự vệ, vừa là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang không ổn và cần thay đổi. Tuy nhiên, cũng bởi vì cảm xúc thường xuất phát từ bản năng của con người nên cách chúng ta hành xử khi tức giận sẽ thể hiện một phần con người chúng ta.
Hãy cùng lý giải về cảm xúc giận dữ và xem liệu cảm xúc đó nói lên điều gì về tình trạng hiện tại cũng như sức khoẻ tinh thần của bạn.
Bạn trở nên im lặng và buồn bã
Có nhiều người khi giận dữ, thay vì thể hiện cảm xúc của mình ra ngoài, họ có xu hướng lui về bên trong tâm hồn mình. Họ kìm nén cảm xúc và trở nên yên lặng.
Có thể bạn đang lo sợ cơn nóng giận của mình sẽ làm tổn thương những người xung quanh. Hoặc cũng có thể bạn đang chật vật với vấn đề thiếu sự tự tin vào bản thân. Bạn cho rằng sẽ chẳng có ai quan tâm và muốn lắng nghe những lo âu của bạn. Cho dù đó là lý do gì, bạn cần phải nhận ra những tác động tiêu cực của việc kìm nén cơn giận tới sức khỏe tinh thần của bạn. Nếu bạn không thể điều khiển được sự giận dữ của mình và không biến nó thành động lực để thay đổi sự việc một cách tích cực hơn, có thể nỗi buồn sẽ trở thành trầm cảm.
Bạn bật khóc
Một dấu hiệu khác cho thấy bạn không kiểm soát được cơn giận dữ của mình hay không thể giải tỏa nó chính là bật khóc.
Đây là dấu hiệu cho thấy những nguyên do khiến bạn cảm thấy không hài lòng vốn đã xuất hiện từ trước và bật khóc trong tình huống hiện tại giống như giọt nước tràn ly. Nếu suy nghĩ về những gì dẫn tới cảm xúc hiện tại của bạn, bạn có thể thấy rằng những khó chịu hay bực bội trước đó của bạn hầu như không được giải quyết và bạn cũng không có cách để thể hiện cảm xúc của mình ra bên ngòai.
Việc phải kìm nén và né tránh cảm xúc thật sự của mình cho đến lúc này khiến bạn cảm thấy quá tải. Và chính cảm giác bất lực là một trong những lý do khiến bạn phải bật khóc.
Nếu đây là cách bạn đối phó với cơn giận dữ của mình, bạn cần phải giải quyết ngay những vấn đề này, tránh việc kìm nén quá nhiều cảm xúc khiến tinh thần của bạn trở nên tồi tệ hơn.
Hét lên hoặc đả kích bằng lời nói
Nếu bản năng của bạn khi giận dữ là lập tức lên tiếng hay công kích bằng lời nói đối với những người khiến bạn khó chịu, hoặc phải hét lên ý kiến của bạn để “thoả mãn” chính mình, có khả năng bạn đang cảm thấy không được tôn trọng và lắng nghe trong cuộc sống.
Mặc dù việc hét lên ý kiến của mình là cách bạn giải quyết sự giận dữ nhưng không có nghĩa người xung quanh bạn sẽ thực sự lắng nghe những gì bạn nói khi bạn hét như thế này.
Chắc chắc họ biết rằng bạn đang không hài lòng nhưng cách bạn nói sẽ khiến người khác khó chịu và không muốn tiếp thu. Khi cả hai thất bại trong việc giao tiếp, vấn đề vẫn sẽ ở nguyên đấy mà không được giải quyết. Thay vì vậy, hãy cố gắng bình tĩnh để diễn đạt và thể hiện suy nghĩ của bạn một cách tốt hơn.
Các hành vi bạo lực
Từ tức giận dẫn đến bạo lực là hành xử bạn cần phải thay đổi. Trở nên bạo lực khi giận dữ có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể đặt những người xung quanh và cả chính bạn thân mình vào những tình huống nguy hiểm.
Có thể bạn sẽ cố trút bỏ sự giận dữ của mình lên các đồ vật vô tri như đấm vào tường, đóng sầm cửa hoặc ném đồ đạc khắp phòng. Ngay cả khi bạn cố gắng kìm nén nó bằng cách đấm vào gối, điều đó vẫn cho thấy bản năng đầu tiên của bạn vẫn là sự gây hấn.
Hầu hết những người có phản ứng bạo lực khi giận dữ thường là những người có cái tôi cao và dễ cảm thấy tự ái hay bị xúc phạm trước cách nói chuyện hay hành động của người khác. Vì vậy, bình tình và giữ một cái đầu lạnh khi gặp tình huống không vui là điều bạn cần tập luyện để không đánh mất chính bản thân mình lúc giận dữ.
—
Xem Thêm
Xây dựng lối sống khỏe đẹp với các mẹo kiểm tra sức khỏe đơn giản
Hậu chia tay, làm sao để giải quyết những cảm xúc còn vương vấn về tình cũ?
Nhóm thực hiện
Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE Bài: Thanh Nhã Tham khảo: Awareness Act Hình ảnh: Tổng hợp