Lifestyle / Bí quyết sống

Học cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực để đạt được hạnh phúc

Thay vì chỉ tạo ra những cảm xúc tích cực "giả tạo", sao ta không học cách làm chủ cảm xúc tiêu cực để tìm thấy hạnh phúc cho chính mình?

Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của bản thân thực sự có thể khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Đây là kết luận từ những nghiên cứu của nhà tâm lý học Susan David, người sáng lập và vận hành Viện tham vấn (Institute of Coaching) tại bệnh viện McLean thuộc Đại học Y Harvard. Bà là tác giả của quyển sách Thích ứng với cảm xúc và từng làm việc với nhiều công ty tầm cỡ ở vai trò tư vấn. Nhiều bài viết của bà được phát hành trên Harvard Business ReviewWall Street Journal. Trong bài chia sẻ trên TED Talk (tổ chức truyền thông đại chúng chuyên đăng tải những phần nói chuyện theo chủ đề tùy chọn), tiến sĩ David đã giải thích vì sao những cảm xúc khó khăn là yếu tố cần thiết để sống một cuộc đời thật sự có ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

Mặt tối của cảm xúc tích cực

Hầu hết chúng ta đều được bảo rằng hãy luôn “lạc quan yêu đời”, luôn nở nụ cười và suy nghĩ tích cực, nhất là vào những lúc trông ta có vẻ buồn bực, lo âu hay thất vọng trước một điều gì đó. Đôi khi, một vài suy nghĩ vu vơ, trầm ngâm cũng có thể bị cho là “chán đời” và rất tiêu cực. Những lúc như vậy, thật chẳng biết nói gì hơn là “Tôi ổn mà”, nhưng chắc chắn không ai tin bạn cả.

cô gái tâm trạng nghĩ về hạnh phúc
Ảnh: Pexels/Dinnow

“Sống tích cực đã trở thành một hình thức, một chuẩn mực đạo đức đúng đắn” – Susan David nhận định. Quan tâm đến cảm xúc của ai đó không phải là điều xấu, nhưng hãy cẩn thận trước khi đưa ra bất kỳ lời khuyên nào, bởi đôi khi, vấn đề không như những gì ta thấy. Chúng ta đang sống trong một môi trường văn hóa có thể là cứng nhắc khi đánh giá cao trạng thái luôn luôn tích cực hơn là khả năng thích ứng với cảm xúc, sức bật nội tâm và năng lực vượt qua những thời khắc khó khăn.

Tuy nhiên, việc gạt những cảm xúc khó khăn qua một bên chỉ để ôm lấy những cảm xúc tích cực giả tạo sẽ làm ta đánh mất cơ hội phát triển sâu hơn những kỹ năng cần thiết để ứng phó với thế giới đúng thực tế. Điều này có thể khiến mức độ tự phục hồi và bảo đảm sức khỏe tinh thần bị giảm đi, trong khi mức độ trầm cảm và lo lắng có nguy cơ tăng lên. Từ đó, nó tác động đến các mối quan hệ trong cuộc sống và ảnh hưởng đến khả năng đạt được hạnh phúc lâu dài.

CHÚNG TA CẦN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ đạt được hạnh phúc?

Thay vì đẩy những cảm xúc tiêu cực sang một bên hoặc ép bản thân giải quyết vấn đề bằng sự tích cực miễn cưỡng, cách tốt nhất để đối phó với những cảm xúc đầy mâu thuẫn đó là hãy phân loại chúng.

Đối với một nhà tâm lý học, những nhãn dán màu đen và trắng thường được dùng để miêu tả cảm xúc một cách nhanh gọn. Những nhãn dán thể hiện sự “căng thẳng” thường được dùng nhiều nhất và cũng là hình thái cảm xúc khó phân biệt nhất. Bởi lẽ, chúng có rất nhiều loại khác nhau như căng thẳng do bị áp lực cực độ, căng thẳng vì quá thất vọng hoặc căng thẳng khi biết rằng công việc duy nhất bạn có vốn không hề phù hợp với bạn hoặc mối quan hệ mà bạn vun đắp bấy lâu lại là sự sai lầm ngay từ đầu.

cô gái ôm con thỏ tìm cảm giác hạnh phúc
Ảnh: Pexels/Maria Verkhoturtseva

Thông qua việc “gọi tên” những cảm xúc của mình một cách chính xác, chúng ta có thể nhận diện nguyên nhân gây ra những cảm xúc ấy và kích hoạt “điện thế sẵn sàng” trong não bộ. Vùng não này cho phép chúng ta đưa ra những quyết định chắc chắn, đặt ra những mục tiêu tiếp theo và thực hiện những thay đổi một cách rõ ràng. Một khi đã làm chủ được cảm xúc của mình thì “lòng trắc ẩn” là nhân tố tiếp theo cần được quan tâm. Mọi người thường nghĩ về lòng trắc ẩn như hiện thân của sự yếu đuối, lười biếng và dối trá với chính mình. Thật ra, sự vị tha và nhân ái đó tạo ra một không gian an toàn, nơi chúng ta có khả năng chấp nhận nhiều rủi ro hơn mà không sợ sự thất vọng hay nuối tiếc nào. Bạn có thể nhìn, cảm nhận và chạm đến thế giới xung quanh một cách hiệu quả hơn. Bởi lẽ, dù mọi thứ không diễn ra theo cách bạn muốn, bạn vẫn hài lòng với những gì bản thân đã thể hiện

Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực

Cuối cùng, David nói: “Hãy nhìn nhận những cung bậc cảm xúc như nó vốn có”. Hãy tạo ra những khoảng không gian giữa chính bạn và những gì bạn đang cảm nhận bằng cách trở thành người quan sát và gọi tên những trải nghiệm trong cuộc sống từ nhiều khía cạnh khác nhau. Thay vì thốt ra những câu từ giản đơn như “Tôi buồn quá”, nên nói rằng “Tôi để ý rằng tôi đang buồn”, “Tôi để ý thấy mình đang bị hủy hoại”, “Tôi nhận thấy nơi này không phù hợp để ở lại”…

cô gái áo xanh nghĩ về hạnh phúc
Ảnh: Pexels/Daria Nekipelova

Sự tự nhận thức này cho phép chúng ta phát hiện những nét đẹp khác của bản thân như các giá trị tiềm ẩn hay những dự định tươi sáng mà bạn luôn ấp ủ. Thực hiện thói quen này cũng khiến bạn có trách nhiệm và lý trí hơn trong mọi vấn đề, bạn sẽ không hành động một cách đầy cảm tính. Không ai có thể tránh khỏi việc nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, điều quan trọng là không để chúng cuốn lấy bạn và bắt đầu điều khiển mọi hành vi theo chiều hướng tệ hại.

Nhóm thực hiện

Bài: Hương Giang

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: TED

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)