Lifestyle / Bí quyết sống

Cherophobia: Khi niềm hạnh phúc khiến bạn sợ hãi

Hạnh phúc là điều đa số chúng ta đều mong muốn hướng đến trong cuộc đời và chẳng ai muốn trải qua cuộc sống đau thương và đầy rẫy bất hạnh. Thế nhưng, với những người mắc chứng Cherophobia, hạnh phúc dường như là một nỗi sợ hãi vô hình.

Vậy Cherophobia là gì? Tại sao những người mắc chứng này lại có xu hướng tránh xa những cuộc vui? Hãy cùng ELLE khám phá nhé!

Nguồn gốc của Cherophobia – hội chứng “sợ hạnh phúc”

Thuật ngữ Cherophobia bắt nguồn từ từ “chairo” (vui mừng) trong tiếng Hy Lạp. Khi ghép với hậu tố “phobia” (hội chứng sợ), Cherophobia có nghĩa là hội chứng sợ cảm thấy hạnh phúc, vì người mắc chứng này thường cho rằng cảm giác hạnh phúc chỉ là giả tạo, hoặc là dấu hiệu “bình yên trước cơn bão” – điềm báo của điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra. 

Cherophobia không được xem là một chứng bệnh tâm lý, theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ 5 (DSM-5) được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association). Tuy vậy, sự ra đời của thuật ngữ này cho thấy có một nhóm người đều trải qua một cảm giác tương tự nhau – sợ hạnh phúc.

cô gái nằm trên bãi cỏ thư giãn
Ảnh: Pexels/Azraq al Rezoan

Những dấu hiệu của chứng Cherophobia

Theo tiến sĩ tâm lý học Jessica Swainston, dấu hiệu của việc mắc phải chứng Cherophobia cũng có thể được xem là một dạng rối loạn lo âu trong DSM-5, với hai hướng triệu chứng về mặt nhận thức và mặt hành vi.

Dấu hiệu về mặt nhận thức

– Bạn tin rằng cảm giác hạnh phúc khiến bạn trở thành người xấu 

– Bạn nghĩ hạnh phúc chỉ là cảm giác tạm thời, điều này sẽ dẫn đến một điều gì đó tồi tệ khiến bạn trở nên sụp đổ

– Bạn cho rằng bạn không nên thể hiện cảm xúc vui mừng vì có thể khiến người khác không vừa mắt

cô gái mắc hội chứng cherophobia sợ hạnh phúc
Ảnh: Pexels/Ceejay Talam

Dấu hiệu về mặt hành vi

– Bạn tránh xa những cuộc gặp mặt, tiệc tùng vui vẻ 

– Bạn sợ hãi và từ chối các mối quan hệ hoặc các cơ hội có thể làm bạn sống hạnh phúc và thành công hơn

Làm thế nào để vượt qua chứng Cherophobia?

Vì hội chứng này không thuộc danh sách DSM-5, nên không có một phương thức điều trị cụ thể nào có thể giúp bạn vượt qua cảm giác này. Tuy nhiên, tiến sĩ Jessica Swainston đã gợi ý một số phương pháp giúp bạn vượt qua hội chứng sợ hạnh phúc như sau:

Liệu pháp tiếp xúc

Đây là liệu pháp thúc đẩy bạn phải đối mặt với nỗi sợ hãi của mình thay vì trốn tránh nó. Khi đối mặt với nỗi sợ của mình – tức là bạn bắt đầu trải nghiệm nhiều khoảnh khắc, sự kiện hạnh phúc, vui vẻ hơn, bạn sẽ nhận ra, đó không hẳn là những trải nghiệm tồi tệ, hoặc có thảm họa nào xảy ra sau khi bạn cho phép bản thân hòa vào không khí tích cực.

Thực hiện những kỹ thuật thư giãn

Thiền, yoga hoặc một số bài tập thở có thể khiến tâm trạng của bạn trở nên tốt hơn, đồng thời giúp bạn cải thiện sức khỏe và nỗi lo âu của mình.

cô gái tập yoga để cảm thấy hạnh phúc hơn
Ảnh: Pexels/Nataliya Vaitkevich

Viết nhật ký

Đôi khi, viết ra giấy những nỗi sợ hãi và lo lắng của bạn có thể được chứng minh là rất hữu ích. Tất cả những gì bạn cần làm là tìm một nơi yên tĩnh, ngồi xuống và viết ra những điều mà bản thân không thể giãi bày cùng người khác. Tâm sự với chính mình cũng là phương thức hữu ích giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Thực hành liệu pháp tập trung vào hiện tại

Điều này cho phép bạn tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ mà không làm bạn lo nghĩ về những điều diễn ra trong quá khứ hoặc tương lai. Nó sẽ xua tan những cảm giác tội lỗi với những trải nghiệm không vui trong quá khứ, cũng như làm bạn tránh lo âu thái quá về tương lai. Bạn có thể thực hành bằng cách tập trung vào những câu nói mang tính khẳng định như “Tôi cho phép bản thân hạnh phúc vào thời điểm hiện tại”. Đây cũng là một liệu pháp tuyệt vời để bạn áp dụng luật hấp dẫn, thu hút những điều tích cực đến với bản thân.

cô gái tập trung vào hiện tại để hạnh phúc hơn
Ảnh: Pexels/Bruno Salvadori

Liệu pháp thôi miên

Nếu bạn không thể tự mình làm những biện pháp trên vì một lý do nào đó, bạn có thể thử đến liệu pháp thôi miên. Với sự giúp đỡ của các bác sĩ có chuyên môn cao, liệu pháp thôi miên có thể giúp bạn cải thiện chất lượng sống của mình và giảm mức độ lo âu. 

Nhóm thực hiện

Bài: Dương Thảo Vy

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)