Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao một số người luôn có thể thuyết phục và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến người khác dù họ có thể không có địa vị quá cao hay cố gắng áp đặt quan điểm của mình? Bí quyết của họ chính là nằm ở cách họ giao tiếp, lắng nghe, duy trì chính kiến và lan tỏa năng lượng tích cực. Nếu bạn muốn nâng cao sức ảnh hưởng của mình theo cách tự nhiên và hiệu quả, 7 chiến lược dưới đây sẽ giúp bạn thực hiện điều đó một cách khéo léo và tinh tế.
Truyền tải thông điệp rõ ràng
Truyền tải một thông điệp hiệu quả đến người nghe không chỉ đơn thuần là việc lựa chọn từ ngữ phù hợp mà còn là cách bạn điều chỉnh giọng điệu, nhịp điệu và tốc độ nói để đảm bảo người nghe dễ dàng tiếp thu thông điệp.
Một cuộc trò chuyện thú vị không yêu cầu bạn nói thật nhanh hay phải liên tục chia sẻ thật nhiều thông tin, ngược lại, bạn cần kiểm soát được lời nói, tông điệu và các yếu tố hình thể khác để tạo ra sự thuyết phục, giúp mọi người cảm thấy thoải mái và cởi mở hơn khi nghe. Theo mô hình Mehrabian Communication Model của Albert Mehrabian – giáo sư danh dự ngành Tâm lý học tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), trong giao tiếp trực tiếp, chỉ 7% tác động đến từ nội dung lời nói, trong khi 38% đến từ giọng điệu (tone of voice) và 55% từ ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt).

Một minh chứng rõ ràng về sức mạnh của nhịp điệu và giọng điệu trong giao tiếp chính là phong cách diễn thuyết của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông nổi tiếng với cách nói chậm rãi, ngắt nghỉ hợp lý và nhấn mạnh vào từng ý quan trọng, giúp người nghe dễ dàng theo dõi và tiếp thu thông điệp. Khi phát biểu, vị cựu Tổng thống này thường giữ nhịp điệu ổn định, tránh nói quá nhanh, kết hợp với giọng trầm ấm và biểu cảm điềm tĩnh, tạo cảm giác tự tin và đáng tin cậy. Chính điều này đã giúp ông kết nối với cử tri và xây dựng sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên diễn đàn chính trị thế giới.
BÀI LIÊN QUAN
Duy trì sự tập trung
Tập trung vào đối phương không chỉ là một phép lịch sự bạn cần có khi giao tiếp, mà còn là một chiến lược quan trọng giúp bạn dễ dàng ghi được điểm cộng trong mắt mọi người, tạo được lòng tin và sức ảnh hưởng với họ. Đứng trên góc độ người nói, họ không chỉ cảm thấy được bạn lắng nghe một cách trọn vẹn mà còn có xu hướng cởi mở và gần gũi hơn với bạn.
Theo Amy Cuddy, nhà tâm lý học xã hội và cựu giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, việc hiện diện trọn vẹn trong một cuộc trò chuyện có tác động mạnh mẽ đến cách người khác cảm nhận về bạn. Trong cuốn sách Presence: Bringing Your Boldest Self to Your Biggest Challenges (tạm dịch: Sự hiện diện: Mang bản ngã dũng cảm đến những thử thách lớn nhất của bạn), bà nhấn mạnh rằng: “Khi bạn thực sự có mặt và thể hiện sự quan tâm đến người khác, bạn không chỉ đang giao tiếp mà còn đang thể hiện sự tôn trọng và nâng cao giá trị của mối quan hệ“.
Mặt khác, các dấu hiệu phi ngôn ngữ như giao tiếp bằng mắt, gật đầu, nghiêng người về phía người đối diện có thể gia tăng mức độ tin tưởng trong giao tiếp. Khi người nghe phản hồi bằng những tín hiệu này, người nói sẽ cảm thấy được trân trọng, từ đó thúc đẩy một cuộc trò chuyện cởi mở và hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, khi một người cảm thấy mình được lắng nghe và quan tâm, họ có xu hướng chia sẻ nhiều hơn về ý tưởng và suy nghĩ của mình, góp phần tạo ra những cuộc thảo luận chất lượng và giải pháp sáng tạo. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường làm việc, giúp gia tăng hiệu suất chung của cả đội nhóm.
Giữ vững chính kiến
Việc luôn cố gắng làm hài lòng người khác có thể mang lại sự đồng thuận trong ngắn hạn, nhưng nó không giúp bạn tạo dựng sức ảnh hưởng lâu dài. Brené Brown, nhà nghiên cứu về tâm lý và tác giả cuốn Daring Greatly (tạm dịch: Dám nghĩ lớn), đã chia sẻ rằng việc hy sinh chính mình để làm hài lòng người khác chỉ khiến bạn rơi vào cảm giác trống rỗng và mất kết nối với bản thân. Khi bạn liên tục làm hài lòng người khác và bỏ qua lập trường của mình, bạn sẽ dần mất đi sự tự tin và khó có thể xây dựng những mối quan hệ chân thành, sâu sắc.
Bên cạnh đó, chạy theo số đông có thể dễ dẫn đến bất mãn nội tại, đôi khi bạn sẽ cảm thấy bị mắc kẹt trong một vòng lặp lo âu và căng thẳng vì quá chú tâm đến ý kiến của người khác. Để giải quyết được vấn đề này, bạn cần tự xác định những giá trị cốt lõi mà mình tin tưởng bằng cách tự hỏi những câu hỏi như: “Điều gì thực sự quan trọng đối với mình?”, “Mình có đang hành động theo những gì bản thân thấy đúng, hay chỉ đang cố làm vừa lòng người khác?”. Những câu hỏi này giúp bạn nhìn nhận lại động cơ thực sự đằng sau mỗi quyết định của mình. Khi bạn có một hệ giá trị vững chắc, bạn sẽ ít bị dao động trước những lời phán xét từ bên ngoài, bởi bạn biết rõ đâu là điều quan trọng với mình và đâu chỉ là áp lực nhất thời.
BÀI LIÊN QUAN
Chủ động lắng nghe
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng lắng nghe chỉ đơn giản là im lặng khi đối phương nói. Nhưng sự thật là, chủ động lắng nghe là khi bạn tham gia hoàn toàn vào cuộc trò chuyện, với sự tập trung cao độ và tâm thể cởi mở. Điều này có nghĩa là bạn không chỉ tiếp nhận lời nói một cách thụ động, mà còn phải tương tác một cách có ý thức, đặt câu hỏi đúng lúc, phản hồi một cách chân thành và thể hiện sự quan tâm thông qua cử chỉ, ánh mắt. Từ đó, bạn sẽ không chỉ nghe thấy những gì người khác nói, mà còn cảm nhận được tâm trạng, ý nghĩa đằng sau lời nói và những điều mà họ có thể chưa diễn đạt thành lời.
Hãy tưởng tượng bạn đang trò chuyện với một người bạn về những khó khăn họ đang gặp phải. Nếu bạn chỉ im lặng mà không phản hồi, không đặt câu hỏi hay không thể hiện sự đồng cảm, người bạn đó sẽ cảm thấy như câu chuyện đang dần đi vào ngõ cụt. Nhưng nếu bạn thực sự tập trung, gật đầu khi cần thiết, đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn và phản hồi một cách chân thành, bạn sẽ khiến họ cảm thấy được thấu hiểu, được tôn trọng và dễ dàng mở lòng hơn. Chính vì vậy, chủ động lắng nghe không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc trò chuyện, mà còn là cầu nối quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ bền vững.
Xem thêm
• 12 cung hoàng đạo sẽ trở thành người có sức ảnh hưởng ở lĩnh vực nào?
• Thứ tự sinh ảnh hưởng thế nào đến đời sống tình cảm của một người?
• Sự tích cực độc hại: Ảnh hưởng và cách phòng tránh
Mang lại năng lượng tích cực và lạc quan
Năng lượng mà bạn mang lại trong một cuộc trò chuyện hay một cuộc gặp gỡ không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc của người đối diện, mà còn có thể thay đổi cách họ nhìn nhận về bạn và cả cách họ phản ứng trong giao tiếp với bạn. Một người có năng lượng tích cực sẽ dễ dàng khiến người khác cảm thấy thoải mái, an tâm và muốn tương tác nhiều hơn. Maya Angelou, nhà văn và nhà hoạt động xã hội người Mỹ, người nổi bật trong những hoạt động đấu tranh vì quyền lợi người da màu, đã từng nói: “Mọi người sẽ quên bạn đã nói gì, nhưng họ sẽ không bao giờ quên bạn đã khiến họ cảm thấy thế nào”.
Bạn không thể lan tỏa năng lượng tích cực nếu bản thân bạn đang cảm thấy kiệt sức hay căng thẳng. Vì vậy, trước tiên, bạn nên chăm sóc sức khỏe thể chất thật tốt, học cách kiểm soát cảm xúc qua những hoạt động như thiền, tập thể dục, nghe nhạc, đọc sách, đi dạo… và dành thời gian bên cạnh những người giúp bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Khi bạn nuôi dưỡng một nội tâm vững vàng, nhẹ nhàng và lạc quan, bạn sẽ dễ dàng lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh.
Nói ra những điều người khác không dám nói
Đôi khi, có những sự thật hiển nhiên nhưng ít ai dám nói ra vì sợ bị phản đối, sợ mất lòng hoặc đi ngược lại với số đông. Từ đó, những người dám nói ra điều khiến người khác e dè lại chính là nhân tố tiên phong tạo ra thay đổi, định hình tư duy và có sức ảnh hưởng lâu dài.
Trong cuốn The Tipping Point (tạm dịch: Những kẻ xuất chúng), nhà báo Malcolm Gladwell đã nói về những “người kết nối” – những cá nhân dám đặt câu hỏi, dám nói ra điều số đông còn ngại nhắc đến như Steve Jobs hay Elon Musk. Họ không sợ thách thức những chuẩn mực cũ, không ngại chỉ ra những điểm thiếu sót trong ngành công nghiệp của mình, đồng thời biến những suy nghĩ đó thành hành động thực tế. Chính nhờ sự thẳng thắn và tầm nhìn khác biệt ấy, họ đã tạo ra những cuộc cách mạng lớn, không chỉ trong lĩnh vực họ theo đuổi mà còn trong cách thế giới vận hành và tư duy.
Thấu hiểu bản thân
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 trên tạp chí European Journal of Developmental Psychology đã chỉ ra rằng những người có sự tự nhận thức cao thường có khả năng hiểu rõ cảm xúc của bản thân, từ đó họ dễ dàng đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc của người khác. Điều này có ý nghĩa sâu sắc trong việc tạo dựng các mối quan hệ chất lượng, cải thiện giao tiếp và thúc đẩy tương tác xã hội tích cực.
Sự tự nhận thức còn liên quan đến việc nhận diện động cơ, giá trị cốt lõi, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Những người có sự tự nhận thức cao sẽ biết được lý do họ phản ứng trong một tình huống nào đó, từ đó điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp hơn. Điều này giúp họ tránh những phản ứng cảm tính, không để cảm xúc tiêu cực chi phối, đồng thời trở thành một người giao tiếp thông minh và đáng tin cậy hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Tiêu Ngọc
Tham khảo: YourTango