Trên thực tế, những người có được sự đồng điệu với tâm trí và sức khoẻ tinh thần có thể từ từ đẩy lùi nỗi sợ hãi của mình thông qua thực hành chánh niệm, trị liệu và một số phương pháp khác. Chuyên gia huấn luyện và tư vấn Stephanie Napoli của trung tâm Be Alive Coaching chia sẻ về những tác động của nỗi sợ lên cuộc sống hàng ngày và gợi ý 7 bước giúp bạn chiến thắng nỗi sợ của mình.
1. Thừa nhận tất cả mọi người đều có nỗi sợ riêng
Mỗi người đều e sợ một thứ gì đó, dù chúng ta thường không muốn thừa nhận điều này. Ta trải nghiệm nhiều mức độ sợ hãi khác nhau: Sợ phải đến công ty, sợ bày tỏ với người mình thích, hay thậm chí là sợ bước chân ra khỏi cửa nhà.
Thông thường, cơ thể con người đối diện với nỗi sợ hãi bằng cách trốn tránh thực tại. Ta tìm đến caffeine, đồ ngọt, mạng internet hay cố tình khiến bản thân liên tục bận rộn, tất cả chỉ vì không muốn bị nhấn chìm trong những phiền muộn về cảm giác sợ hãi, lo âu của bản thân. Tuy nhiên, nếu chúng ta thừa nhận những nỗi sợ của bản thân, dù là nhỏ nhất, chúng ta dần sẽ hình thành nên ý thức chấp nhận đối mặt với chúng.
2. Nhận ra nỗi sợ hoàn toàn lành mạnh
Nỗi sợ lành mạnh và quan trọng, nó không chỉ kích thích bạn phản ứng trước những tình huống nguy hiểm mà còn có vai trò tinh tế hơn trong đời sống hiện đại.
Những nỗi sợ giúp ta xây dựng, điều chỉnh cuộc sống của mình một cách hợp lý. Chúng giúp ta nhận ra những yếu tố kích hoạt cảm xúc đang ẩn giấu sâu bên trong, những vấn đề tâm lý cần được giải quyết, chữa lành hay nhìn nhận dưới góc độ mới. Khi cảm giác sợ hãi ập đến, ta biết ngay rằng đang có gì đó không ổn và có cơ hội để thay đổi nó.
3. Hiểu mình sợ điều gì
Hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân: Tại sao mình lại cảm thấy như thế? Phần nào của nỗi sợ này là hợp lý và phần nào thì không? Phần nào mình có thể kiểm soát được và phần nào nằm ngoài tầm tay? Từ nay về sau mình nên xử lý tình huống này như thế nào?
Nếu bạn nhận thấy những nỗi sợ của mình thường rất vô lý, hãy dành thời gian để nghiền ngẫm và đối phó với chúng, ban đầu cho phép cảm xúc đó bộc lộ một cách tự nhiên, sau đó hãy để cho lý trí can thiệp. Một khi đã đạt đến được trạng thái ổn định, khoẻ mạnh, bạn có thể viết ra một câu khẩu hiệu hay đăng lên mạng xã hội để nhắc nhở bản thân phải nhớ lấy cảm giác này, góc nhìn này.
BÀI LIÊN QUAN
4. Nhận dạng tổn thương trong quá khứ
Theo nghiên cứu của Đại học Northern Illinois, sợ hãi và lo âu thường bắt nguồn từ một trải nghiệm sang chấn, tổn thương trong quá khứ. Khi bạn cảm thấy khó kiểm soát được cuộc đời mình, nhận thức về an toàn và về thế giới của bạn bị chao đảo, bạn hoài nghi những niềm tin của mình, mặt đất dưới chân bạn dường như cũng lung lay. Kết quả của những trải nghiệm này là giờ đây bạn tin rằng thế giới xung quanh không an toàn và cơ thể bạn luôn ở trong trạng thái cảnh báo, đề phòng.
Nỗi sợ hãi kinh khủng nhất của một người luôn đến từ sang chấn nào đó, một sự kiện trong quá khứ lấn át khả năng phản ứng của con người, do đó mà vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, ý thức được những trải nghiệm tổn thương nào vẫn còn khiến bạn bận tâm sẽ giúp bạn tìm ra nguồn gốc nỗi sợ của mình.
5. Cho phép bản thân cảm nhận
Khi cảm thấy lo âu, cách giải quyết tốt nhất là hãy tự cho mình không gian để cảm nhận sự thoải mái và an toàn. Nghe nhạc, ăn một món canh nóng hay ở bên bạn bè. Một số nghiên cứu gợi ý, bạn có thể thử ca hát, nghe nhạc cổ điển, sáng tác nghệ thuật hay xem phim hài với người thân để giảm stress.
Mục đích của các hoạt động này là để cho phép bản thân thoải mái đón nhận những cơn sóng cảm xúc đang ập đến, trải nghiệm những rung động thuần túy trong tâm hồn mà không có sự can thiệp của trí óc. Hãy cố gắng chỉ quan sát nỗi sợ hãi chứ không đồng nhất cái tôi của mình với nó. Bạn không được định nghĩa bởi những gì bạn nghĩ, cũng không bởi những cảm xúc của mình. Bạn chỉ cần xem xét những gì cơ thể đang cảm nhận một cách thật tự nhiên.
6. Hãy hành động
Khi đã hiểu nỗi sợ của mình và đánh giá những vấn đề ẩn giấu đằng sau, đã đến lúc hành động để đánh bại nó.
Thiền và yoga sẽ giúp bạn chiêm nghiệm cách tâm trí mình vận hành trong trạng thái bình lặng hoàn toàn, đồng thời cho bạn cơ hội thử nghiệm những phương pháp hít thở giúp vượt qua nỗi sợ, sống nhẹ nhàng và nhân ái hơn, nắm được những bí quyết đối phó mỗi lần thấy sợ hãi. Ngoài ra, trị liệu hay tư vấn luôn luôn là lựa chọn hiệu quả cho những ai cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp.
7. Tự nhìn lại quá trình tiến bộ
Bạn đã hoàn thành 6 bước, cuối cùng, hãy nhìn lại cả một quá trình. Khi những cơn sóng xúc cảm ào ạt đã lắng xuống, tâm trí bạn có thể vận hành sáng suốt, ổn định hơn.
Vậy, làm cách nào để duy trì trạng thái tâm lý – tình cảm ổn định này? Đều đặn thực hành thói quen chăm sóc bản thân sẽ mang lại sự bình tĩnh. Phát triển khả năng chánh niệm và nhận thức sẽ giúp bạn hiểu về mình – hiểu những giá trị, những kích thích, những khuôn mẫu – để xây dựng được một cuộc sống bình an, tươi sáng dành riêng cho chính bạn.
—
Xem thêm
Nuôi dưỡng sự tự tin để đánh thức sức mạnh bên trong mỗi chúng ta
4 mẹo nhỏ giúp bạn vượt qua nỗi sợ networking
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Thùy Anh Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE Nguồn: Entitymag.com