Chọn niềm vui sống
(Phái đẹp – ELLE) Không làm gì cả sẽ giúp ta chống lại phiền muộn. Mẹo nhỏ của nhà triết học Friedrich là đơn giản hãy quên đi, bỏ mặc bản thân và cho mọi thứ trôi tuột đi một cách vô thức.
Sống vui thật khó.
Niềm vui sống, như mọi lẽ trên đời, tôi cho đó là một sự lựa chọn. Buổi sáng ngủ dậy, mình chợt buồn hay chợt vui, đó là do mình chọn nên buồn hay nên vui. Cuối năm đến, mọi việc bận rộn, mọi người tất tả, mình lo âu hay mình phấn khởi, đó là do mình chọn lo âu, hay phấn khởi. Mình thấy một núi việc là gánh nặng hay mình cho đó là thành công. Hàng ngày, chúng ta đều đối mặt với những sự lựa chọn, và đôi khi, ta là ai do những lựa chọn mà ta đưa ra. Nếu với mọi người, những lựa chọn đều rất riêng tư, thì với những người làm nghệ thuật, thời trang hay những hoạt động mang tính xã hội, lựa chọn của họ không còn riêng tư nữa.
Những gì họ chọn, đều có một sức hút lạ thường cho những ý kiến chỉ trích của đám đông. Đó thôi, tôi cũng vừa đưa ra một lựa chọn, gọi quan tâm dư luận là chỉ trích hay là một sự phân tích có tính xây dựng? Gần đây, tôi thường tự hỏi, rồi cùng tranh luận với bạn bè thân rằng phải chăng, mình vui sống vì mình chọn phải vui sống? Có lẽ những lần tụ họp, chia sẻ như vậy mang đến nhiều niềm vui cho mình.
Ngay mở đầu, tôi viết “Sống vui thật khó” vì cuộc sống có vô số sự lựa chọn và quá trình phân tích để tìm ra lựa chọn hợp lý nhất luôn gây nhiều trăn trở, phiền muộn. Nhưng không do đó mà quy ngay rằng sống là khó và sống không thể vui. Có thể quyết định cách mình nên sống thế nào mang tính độc lập, cá thể nhưng con người là loài sống mang tính xã hội cao. Mọi lựa chọn đưa ra khiến ta buồn hay ta vui đều bị ảnh hưởng bởi các tổ chức trong xã hội đó. Là gia đình, là người thân, người bạn đời, bạn bè, đồng nghiệp… Chọn niềm vui nhiều khi cũng khiến ta lo âu (lại là một sự lựa chọn nữa). Nhưng đó không phải là lỗi của bạn! Hãy quẳng quách đi gáng nặng đó, cảm giác nằng nặng, khó chịu tưng tức trên cổ rồi chạy xuống bụng của bạn! Bị ức chế bởi những người hoàn hảo, sự tù túng do tham vọng sự nghiệp, bị sỉ nhục bởi sự chuyên quyền, bị tấn công bởi nợ thẻ tín dụng, buồn chán vì xem tivi quá nhiều… Hy vọng, rồi sợ hãi và tiếc nuối. Nói chung, đó là một sự cầm tù xã hội. Có lẽ đến đây, các bạn đọc giả bồn chồn, đừng phân tích nữa, phải làm gì để vui sống nào? Không làm gì cả, đúng theo nghĩa đen của nó!
Không làm gì cả sẽ giúp ta chống lại lo âu và phiền muộn. Mẹo nhỏ của nhà triết học lớn người Đức Friedrich Nietzsche là đơn giản hãy quên đi, bỏ mặc bản thân và cho mọi thứ cứ trôi tuột qua ta một cách vô thức. Nhà triết học sống ở thế kỷ 19 này khuyên rằng: Nhiều khi, ta hãy đóng lại cánh cửa của tâm thức. Đừng để bất cứ điều gì làm phiền đến ta, kể cả thế giới ngầm của những bộ phận trong cơ thể đang hoạt động cùng nhau hay đang chống lại nhau. Một chút tĩnh lặng, để cơi nới thêm khoảng trống cho những điều mới mẻ, cho tư tưởng và cho việc điều tiết, cho khả năng phán đoán và cho thiền tịnh. Đó là chức năng của việc quên – một hoạt động được ví như một người gác cổng, một người điều hành hệ thống tâm lý của ta. Ta sẽ thấy thật rõ ràng sau đó rằng sẽ không thể nào vui, hứng khởi, không thể nào hi vọng, không thể nào tự hào, không thể nào có hiện tại… nếu không có việc quên. Quên sẽ mang lại tự do. Muốn tự do cả một ngày dài, hãy chọn việc không làm gì. Nếu yêu công việc thực sự, đó sẽ không còn là tù túng, là mất thời gian, mà đó là tự do.
Tự do để vui sống là một thực tại, có thể làm được ngay giờ phút này, ngay bây giờ. Bạn có thể thay đổi cuộc đời mình trong một giây. Tự do vui sống nói cho cùng, cũng chỉ là một thực tại của tâm tưởng mà thôi.
Bài: Đỗ Hải Yến – Ảnh: Long Phạm – Make up: Nam Trung
Phái đẹp – ELLE