Lifestyle / Bí quyết sống

Chu kỳ bạo hành: Tại sao nạn nhân lại trở thành kẻ bạo hành?

Phá vỡ chu kỳ bạo hành là một trong những mục tiêu chính của việc ngăn chặn hành vi bạo hành tiếp tục kéo dài qua nhiều thế hệ, nhưng quá trình này không dễ dàng vì nó đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và lòng bao dung. Vậy tại sao hành vi bạo hành luôn lặp lại trong một chu kỳ và nạn nhân của bạo lực lại trở thành kẻ bạo hành?

Thông thường, các hành vi bạo lực của một người bắt nguồn từ nỗi đau và chấn thương chưa lành khi bị bạo hành trong một thời gian dài. Nếu nạn nhân không có kinh nghiệm đối phó hoặc không thể tự vượt qua được những nỗi đau của mình, họ sẽ vô tình lặp lại các hành vi bạo lực giống như kẻ đã tổn thương họ. Dưới đây là 6 yếu tố phổ biến khiến chu kỳ bạo hành lặp lại.

1. Những ý tưởng không lành mạnh về tình yêu 

cô gái có những ý tưởng không lành mạnh về tình yêu do chu kỳ lạm dụng
Ảnh: Unsplash/Ulysse Pointcheval

Những người bị bạo hành từ khi còn nhỏ, hay bị bạo hành trong một khoảng thời gian dài đều có những ý tưởng không lành mạnh về tình yêu. Nếu bạn từng phải trải qua việc bị bạo lực thể chất dưới danh nghĩa tình yêu thì về sau bạn thường có cái nhìn lệch lạc về tình yêu ở tuổi trường thành.

Chẳng hạn bạn thường xuyên hứng chịu những đòn roi thời thơ ấu và không thể nào vượt qua được ký ức này, bạn sẽ có xu hướng nghĩ rằng bạo lực trong tình yêu là một điều bình thường. Do đó, bạn có thể trở thành người làm tổn thương người yêu, bạn đời của mình, thậm chí là với chính con của bạn theo cách này vì tư tưởng “thương cho roi cho vọt” đã ăn sâu vào tiềm thức của bạn.

2. Thái độ phòng vệ

cô gái phòng vệ khi bị bạo hành
Ảnh: Unsplash/Anastasia Anastasia

Việc từng bị bạo hành có thể làm bạn trở nên khúm núm, rụt rè, và sau khi thoát khỏi các tình huống bạo hành, bạn lại tạo ra cho mình vẻ ngoài cứng rắn, khó gần vì không muốn bất kỳ ai làm tổn thương mình thêm nữa. Từ đó, khi ở trong một mối quan hệ, bạn có xu hướng thờ ơ, lãnh đạm hoặc thậm chí có hành vi thô lỗ với chính bạn đời mình bởi vì bạn sợ rằng họ sẽ tổn thương hoặc làm bạn thất vọng. 

3. Luôn ngờ vực mọi thứ

cô gái giữa đồng cỏ
Ảnh: Unsplash/Ali Karimiboroujeni

Ngoài những chấn thương tâm lý đến từ gia đình hoặc người thân, hành vi bạo hành còn bao gồm việc bị bạn bè, người thân hay đồng nghiệp lừa dối, bắt nạt. Nếu bạn từng trải qua những trải nghiệm tồi tệ như thế trong quá khứ, niềm tin là một điều xa xỉ với bạn, đặc biệt là đối với những người xa lạ hoặc không thân thiết.

Điều này thể hiện ở hành vi bạn không thể đặt niềm tin vào người khác và luôn nghĩ rằng đằng sau những lời nói tốt đẹp, tử tế của đối phương luôn ẩn chứa động cơ nào đó không lành mạnh. Ví dụ như khi bạn được mọi người khen ngợi, bạn sẽ nghĩ rằng họ đang cố gắng lấy lòng bạn hoặc cố gắng thân thiết với bạn để khai thác một điều gì đó. 

Dù sao đi chăng nữa, rất khó để người từng bị bạo hành phân biệt được đâu là những người thật lòng tốt với họ, đâu là người chỉ tiếp cận họ để lợi dụng. Vì thế họ có xu hướng trở nên tách biệt và khó gần với tập thể, hội nhóm và đưa ra những lựa chọn sai lầm. Một số nghiên cứu còn cho thấy một nửa trong số nạn nhân từng bị bạo hành hiện đang sống trong môi trường độc hại. 


Xem thêm

• Nghệ thuật giao tiếp: 10 mẹo tâm lý giúp bạn giao tiếp hiệu quả và gây ấn tượng mạnh

• 7 đặc điểm chung các cặp đôi nên có để duy trì mối quan hệ bền vững

• Những giấc mơ nói lên điều gì về tính cách của bạn?


4. Bình thường hóa các phản ứng tiêu cực

Một trong những cách khác mà nạn nhân biến thành kẻ bạo hành là bình thường hóa các hành vi tiêu cực. Ví dụ, nếu bạn lớn lên trong môi trường bạo lực bằng lời nói hay bị hạ thấp danh dự, bạn thường có xu hướng tiếp tục sử dụng lại những lời nói gây tổn thương với con mình và cho đó là hành động bình thường trong quá trình nuôi dạy con cái. 

5. Ngụy biện

cô gái vượt qua bạo hành
Ảnh: Unsplash/Elia Pellegrini-

Bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào đều có thể được kẻ bạo hành ngụy biện cho là hành vi tất yếu, không có gì sai trái. Ví dụ, nếu một đứa trẻ mắc sai lầm, cha mẹ độc hại có thể trừng phạt bằng bạo lực và cho rằng con của họ xứng đáng nhận hình phạt đó, và vì đó là con của họ nên người ngoài không có quyền can thiệp vào việc này.

Trong suy nghĩ của kẻ bạo hành, cách duy nhất để vượt qua một vấn đề là sử dụng những lời lẽ, hành động cay nghiệt nhất lên người khác vì họ cho rằng những người đó cũng xứng đáng trải qua những điều mình từng chịu đựng, điều này là sự ngụy biện vô cùng độc hại. Vì thế, những người này cần đến những phương pháp can thiệp như cách ly với nguồn gốc của bạo hành, trị liệu tâm lý… trước khi mọi chuyện quá muộn và chu kỳ này sẽ kéo dài đến nhiều thế hệ sau. 

Nhóm thực hiện

Bài: Như Quỳnh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Learning Mind

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)