BÀI LIÊN QUAN
Đôi điều về chủ nghĩa tối giản
Trong nền văn hóa nghệ thuật bao gồm hình ảnh, âm nhạc, kiến trúc và hội họa… trường phái tối giản là một trào lưu nghệ thuật (art movement) được khởi sinh vào sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tối giản đồng nghĩa với việc cắt giảm đi những thứ không cần thiết nhằm tạo ra một cấu trúc đơn giản và truyền tải rõ ràng hơn thông điệp của người nghệ sĩ. Sau này, trường phái tối giản phát triển rực rỡ trong lãnh địa của thời trang, nội thất và kiến trúc và trở thành một phong cách, một trường phái hoàn toàn đặc trưng và riêng biệt.
Kiến trúc tối giản (Ảnh: Widewalls)
Lối sống tối giản tại Nhật
Một sư thầy người Nhật đang thiền tịnh (Ảnh: thinkinghumanity)
Tông phái Thiền Tông (Zen Buddhism) vô cùng phổ biến với bộ phận người trẻ tại Nhật Bản vì những giá trị thiền tịnh về tinh thần và lợi ích, cảm quan mà nó đem lại. Zen (thiền tịnh) đã trở thành một khái niệm vô cùng quen thuộc trong xã hội hiện đại. Trong triết lý và quan niệm của Thiền tông thì việc sở hữu càng ít vật chất, con người sẽ càng tiếp nhận được nhiều năng lượng tích cực hơn trong cuộc sống – đây cũng chính là điểm móc nối với lối sống tối giản Minimalism. Thiền tông hay Minimalism, cốt yếu nhất, là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát.
Câu chuyện của Fumio Sasaki
Fumio Sasaki hiện đang là biên tập của công ty xuất bản. Anh từng cho ra mắt một cuốn sách được đón nhận nhiệt tình với tựa đề: “Goodbye, Things – The New Japanese Minimalism”. Cuốn sách này nói về những trải nghiệm của anh trong hành trình theo đuổi phong cách sống tối giản. Sasaki, năm nay 36 tuổi, hiện đang sinh sống trong một căn hộ (một phòng ngủ) vỏn vẹn 20 m2. Anh sở hữu chỉ 20 món quần áo trong tủ đồ của mình, bao gồm 3 cái áo sơ mi trắng, 4 cái quần, 4 đôi vớ, trong tổng số gần 300 món đồ mà anh sở hữu trong căn hộ khiêm tốn của mình.
Fumio Sasaki là tác giả của cuốn sách “Goodbye, Things – The New Japanese Minimalism” (Ảnh: Jebiga)
Những người như Sasaki không hiếm trong xã hội hiện đại Nhật Bản, thậm chí có người còn theo đuổi lối sống tối giản còn gắt gao hơn, nhưng câu chuyện của Sasaki có thể được xem là biểu trưng. Anh từng trả lời phỏng vấn với tạp chí Cosmopolitan của Mỹ, qua đó nói về quan điểm của mình về lối sống tối giản ở Nhật. Theo Sasaki, lợi ích thiết thực nhất của việc có lối sống tối giản là công việc nhà sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thời gian và năng lượng phải bỏ ra để dọn dẹp, có thể được dùng để làm và trải nghiệm nhiều hoạt động khác: có thể là tụ tập gặp gỡ bạn bè, tham gia vào các hoạt động rèn luyện thể lực, viết sách, học thêm một kỹ năng hay bộ môn nào khác…
“Nếu bạn hỏi tôi rằng phong cách sống tối giản thực sự là như thế nào, tôi sẽ nói rằng đó là sự thăng cấp giá trị cuộc sống – bước qua một cánh cửa khiêm tốn của sự tối giản và đắm chìm vào một thế giới của những ý tưởng lớn”, Sasaki kết luận.
BÀI LIÊN QUAN
Ứng dụng chủ nghĩa tối giản Minimalism trong cuộc sống thường nhật:
Ngôi nhà có chủ nhân là một người theo chủ nghĩa tối giản như Fumio Sasaki thực chất rất dễ nhận biết:
– Tối giản đồ nội thất – chỉ có những món đồ cần thiết nhất mới được xuất hiện trong khu vực sống; một món đồ có thể được tích hợp nhiều công năng như ghế sofa có thể được trưng dụng làm giường ngủ chẳng hạn; không lập lại một món đồ nội thất trong nhà, bạn chỉ cần một tủ đồ đựng quần áo là đủ để chứa đựng không chỉ quần áo, mà còn là rất nhiều đồ vật khác.
– Bề mặt sạch bóng: Việc không sở hữu quá nhiều đồ nội thất trong nhà khiến cho công việc dọn dẹp trở nên hết sức dễ dàng. Nếu đề cập đến việc trang trí nhà, một món đồ nổi bật để đem lại điểm nhấn cho ngôi nhà là đủ, có thể là một bình hoa luôn được thay hoa tươi mỗi tuần.
– Chất lượng thay cho số lượng: Đối với những minimalist có đầu tư như Sasaki, họ sẽ chỉ chọn lọc những món đồ chất lượng và sở hữu ít, thay vì sở hữu nhiều nhưng chất lượng không tốt như thói quen của phần đông người tiêu dùng.
Phòng ngủ của Fumio Sasaki (Ảnh: 不動産速報)
Fumio Sasaki bên cạnh chiếc tủ đồ tích trữ khiêm tốn của mình (Ảnh: TheJapanTimes)
Đây là một vài chỉ dẫn hữu hiệu cho những người muốn bắt đầu lối sống tối giản:
1. Để bắt đầu cho công cuộc dọn dẹp nhà cửa theo đúng quy trình của một minimalist, hãy bắt đầu từ việc phân loại những món đồ nội thất lớn nhất trong nhà, tự đặt câu hỏi rằng liệu mình có thể tích hợp công dụng của hai món đồ nội thất và lựa chọn ra một cái để giữ lại hay không. Tủ lạnh, bạn nghĩ là mình cần nó chứ? Nếu nghĩ theo cách rằng tủ lạnh sẽ khiến bạn tốn thêm tiền điện hàng tháng, và bạn hoàn toàn có thể đi chợ mỗi ngày để mua sắm đủ lượng thức ăn và chế biến ngay trong ngày, thì việc sở hữu một chiếc tủ lạnh là điều không quá quan trọng. Phải chứ?
2. Bắt đầu việc sắp xếp từ từng phòng một. Hãy dành thời gian để ngẫm xem những món đồ nào mình cần để lại trong phòng đó và phân loại chúng ra, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều lần. Hãy chỉ để lại những món đồ thiết yếu nhất trong từng phòng, dựa theo cách tư duy ở trên.
Một căn phòng diện tích chật hẹp sẽ trở nên quang đãng và tinh sạch hơn khi có ít sự xuất hiện của đồ nội thất. (Ảnh: Freshome)
3. Ưu tiên cho những món đồ có thiết kế đơn giản và chú trọng về công năng. Màu sắc nhã nhặn thay vì những màu quá nổi bật. Khi căn phòng của bạn được dọn dẹp và sắp xếp, những món đồ quá nổi bật sẽ khiến cho tất cả sự chú ý đều tập trung vào nó, khiến cho việc thiền tịnh về tâm trí trở nên khó khăn hơn rất nhiều, điều này trái ngược với triết lý của nghệ thuật Thiền Tông.
4. Đối với những món đồ không còn sử dụng, hãy bán hoặc quyên góp chúng. Trả lại một sàn nhà sạch sẽ và tươm tất nhất có thể, khiến cho không gian sống của bạn trở nên tinh sạch hơn.
5. Màu trắng là tông màu cổ điển và được ưa thích bởi rất nhiều minimalist. Màu trắng tượng trưng cho sự thịnh vượng, tinh khiết, giản dị. Trong phong thủy, màu trắng đem lại sự tươi mới và giúp làm tăng năng lượng, sức sống cho không gian sống., Vốn dĩ màu trắng thuộc mệnh Kim – đại diện cho sự sáng sủa, sạch sẽ và tươi mát nên hầu như các chuyên gia phong thủy đều cho rằng nên dùng sự tươi mát của màu trắng cho phòng thiền hoặc phòng tắm. Màu trắng không chỉ biểu trưng cho sự khởi đầu mà còn có ý nghĩa là sự kết thúc toàn vẹn.
Căn phòng trắng tinh giản của một minimalist. (Ảnh: Minimalismo extremo)
Hy vọng rằng bài viết này của ELLE Việt Nam có thể giúp truyền cảm hứng đến bạn đọc.
Nếu bạn thật sự là một người yêu thích lối sống tối giản như người Nhật, hãy đến với buổi workshop của chúng tôi với chủ đề Trải Nghiệm Cuộc Sống Nhật Bản Giữa Lòng Sài Gòn được diễn ra vào ngày 21/1/2018 lúc 8:30AM với sự tham gia của các vị khách mời là chị Thuỳ Dương – Managing Editor Tạp chí ELLE Decoration Việt Nam và chị Trần Hà Mi – Chuyên gia marketing và truyền thông.
Đăng kí thông tin dưới đây:
Nhóm thực hiện
Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Tổng hợp)